FLC hợp tác toàn diện với Ngân hàng OCB: Cái bắt tay giữa hai đại gia họ Trịnh

VietTimes -- Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa FLC và OCB, khá trùng hợp, cũng là cái “bắt tay” giữa hai vị đại gia cùng mang họ Trịnh. Đó là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, và ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Năm 2018, CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã tỏ rõ tham vọng trở thành một tập đoàn đa ngành với sự kiện nổi bật nhất phải kể đến là việc cho ra đời và đưa vào vận hành, khai thác hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).

Theo đó, tập đoàn này định hướng các lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng và hàng không làm cốt lõi, nhằm phát triển mục tiêu chiến lược là thiết lập “hệ sinh thái” hoàn chỉnh, khép kín với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng phục vụ nhu cầu của cộng đồng và xã hội.

Do đó, tập đoàn này có mong muốn thực hiện kết nối, hợp tác với các đối tác mạnh, các tổ chức tài chính, tín dụng để thực hiện mục tiêu chiến lược đã đề ra. OCB chính là một trong những ngân hàng đáp ứng được nhu cầu này của FLC.

Trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết giữa 2 bên, FLC và OCB sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện nhằm gia tăng lợi ích kinh tế thông qua việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng của nhau, qua đó phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, vị thế cũng như khả năng cạnh tranh của mỗi đơn vị.

Theo đó, FLC sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài khoản, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ tiền gửi của OCB. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng sẽ tại điều kiện để OCB tiếp cận tài trợ tài chính và tham gia đầu tư vào các dự án của FLC.

Ở chiều hướng ngược lại, OCB sẽ thực hiện cung cấp các giải pháp tài chính, phục vụ nhu cầu tín dụng trung và dài hạn, cấp vốn lưu động và tài trợ vốn cho các dự án của FLC và các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, OCB cũng sẽ cung cấp các gói dịch vụ tín dụng dành cho khách hàng mua bất động sản tại các dự án do FLC làm chủ đầu tư.

FLC 2
Ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và ông Trịnh Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông) tại buổi lễ (Nguồn: FLC)

“Hệ sinh thái” của hai đại gia họ Trịnh

Ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975) được nhiều người biết đến với xuất phát điểm là một cử nhân Luật, thành danh nhờ nỗ lực và niềm đam mê với lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh việc nắm giữ 21,19% cổ phần FLC, tính đến ngày 31/12/2018, ông Trịnh Văn Quyết cùng người thân đang nắm giữ 72,36% cổ phần của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS); 3,26% cổ phần của CTCP Chứng khoán Artex (Mã CK: ART).

Đó chỉ là một số công ty niêm yết mà ông Quyết cùng người thân trực tiếp nắm giữ cổ phần đã được biết tới, chưa tính đến các công ty con, công ty thành viên được phát triển từ các công ty này.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn (sinh năm 1965) lại là một kỹ sư chuyên ngành Điện tử Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), cử nhân Đại học Ngoại ngữ và là nghiên cứu sinh Kinh tế (Đại học Bách khoa Warszawa Ba Lan).

Bên cạnh việc phát triển kinh doanh tại Ba Lan, ông Trịnh Văn Tuấn cũng có nhiều dấu ấn tại Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khi tham gia sáng lập, đảm nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) kể từ năm 1996.

Tới năm 2010, ông Tuấn tham gia Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Kể từ tháng 5/2012 tới nay, ông Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT OCB.

Được biết, ông Tuấn và người thân đã thực hiện nắm giữ lượng lớn cổ phần của OCB, tỷ lệ sở hữu được tiết lộ chi tiết trong báo cáo quản trị ngân hàng này một số năm sau đó.

Cụ thể, tính tới ngày 31/12/2014, ông Trịnh Văn Tuấn và người thân sở hữu tới 15,86% vốn điều lệ OCB (tương đương với 562,5 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Tỷ lệ sở hữu này chỉ đứng sau cổ đông ngoại là BNP Paribas (tỷ lệ sở hữu 20%) và lớn hơn nhiều so với các cổ đông tổ chức khác là Tổng Công ty Bến Thành (8,12%) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (5,07%).

Căn cứ theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/12/2015, tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn và người thân tiếp tục được nâng lên mức 16,69%.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, lần lượt các cổ đông là BNP Paribas, Vietcombank đã thực hiện triệt thoái vốn khỏi OCB, còn Tổng Công ty Bến Thành đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 6,4% (tính đến ngày 2/5/2018). Trong khi đó, ông Tuấn và những người có liên quan không có động thái giao dịch đáng chú ý được ghi nhận.

Cũng trong khoảng thời gian này, quy mô vốn điều lệ của OCB đã tăng từ 3.547 tỷ đồng lên mức 6.599 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018.

Nếu tỷ lệ sở hữu được giữ ổn định, ông Tuấn cùng người thân đang nắm giữ số cổ phần có giá trị lên tới 1.101,3 tỷ đồng, theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Giá trị lô cổ phiếu này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu tính theo mức giá trúng thầu bình quân 20.501 đồng/cổ phiếu trong phiên bán đấu giá cổ phần OCB do Vietcombank sở hữu, diễn ra vào tháng 9/2018.

Bên cạnh đó, tại ngân hàng VIB, số cổ phần mà ông Tuấn cùng những người có liên quan nắm giữ cũng có giá trị không hề nhỏ.

Cụ thể, vào cuối năm 2017, một số nguồn tin cho biết VIB đã bỏ ra hơn 760 tỷ đồng, với mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu, để mua lại 6% cổ phiếu quỹ do ông Tuấn và nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu tại đây.

Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, ông Tuấn cũng tham gia làm Ủy viên HĐQT tại một số doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm như: CTCP Du lịch Sài Gòn Bình Châu, CTCP Du lịch Khách sạn Sài Gòn Mũi Né, CTCP Khách sạn Sài Gòn Tourance.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng từng nắm giữ chức vụ Thành viên HĐQT tại CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) và được miễn nhiệm khỏi chức vụ này kể từ ngày 21/4/2018.

Cần lưu ý rằng, các ông chủ ngân hàng tư nhân ở Việt Nam thường không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực tài chính đơn thuần, mà luôn có cả “hệ sinh thái” đa ngành tương hỗ lẫn nhau. Trong đó, ngân hàng sẽ đóng vai trò hạt nhân huy động và xử lý vốn./.