Cứ 1.000 ca chiếu xạ thì có 1 ca ung thư
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trên thế giới có khoảng 4 tỷ ca chụp X-Quang chẩn đoán, 33 triệu ca chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân và khoảng 5,5 triệu ca xạ trị, với tỷ lệ trung bình khoảng 10 triệu người/ngày phải làm các chẩn đoán và điều trị sử dụng bức xạ.
Tuy nhiên, các liều bức xạ do X-Quang chẩn đoán chiếm 90% tổng liều gây bởi các nguồn bức xạ nhân tạo cho dân chúng và đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Đặc biệt, trong số đó, có đến 20-50% số ca chụp chiếu là không cần thiết, thậm chí được thực hiện chưa bảo đảm an toàn bức xạ và ở một số quốc gia, tỷ lệ này lên đến 80%.
Dẫn số liệu của IAEA năm 2019, PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết, qua khảo sát tại 15 quốc gia với 2,5 triệu bệnh nhân thì có 1% chịu liều trên 100mSv. Nếu làm chẩn đoán CT 10 lần có thể chịu liều đến 100mSv. Trong đó, khi liều chiếu xạ 100mSv sẽ có xác xuất gây ung thư 0,5%.
Tương tự, số liệu của Mỹ cho thấy, có 1/3 số ca chụp chiếu ít ý nghĩa và khi chụp thì bác sỹ cũng chưa quan tâm đến vấn đề giảm liều chiếu bệnh nhân. Ít nhất 2% của tất cả các bệnh ung thư trong tương lai ở Mỹ, tức là khoảng 29.000 ca mắc mới và 15.0000 người chết/năm là từ nguyên nhân riêng chiếu chụp CT.
Không chỉ vậy, theo điều tra của cơ quan y tế Úc đối với 680.000 trẻ em chụp CT và 10 triệu trẻ em không chụp thì cứ 10.000 trẻ em chụp CT thì sẽ có 45 em mắc ung thư sau 10 năm so với con số 39 em bị mắc mà không chụp CT.
Còn tại Anh, cứ 1.000 trẻ em chụp CT ổ bụng thì có 1 em bị phát ung thư. Trong số 180.000 trẻ em có làm các chiếu chụp liên quan đến CT thì sẽ rủi ro cao là mắc ung thư bạch cầu và ung thư não.
PGS.TS Vương Hữu Tấn-Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam (bìa phải) trả lời phỏng vấn VietTimes
|
“Về tổng thể thì những người chup CT sẽ chịu rủi ro mắc ung thư tăng 24% so với người không chụp và mỗi lần chụp bổ sung lại làm tăng sác xuất ung thư thêm 16%. Trẻ em trước 5 tuổi mà chụp CT thì xác suất ung thư tăng hơn 35% so với không chiếu chụp. Trong một nghiên cứu khác thực hiện năm 2013, trong số 1.250 người lớn (trên 45 tuổi) chụp CT toàn thân thì sẽ có 1 người bị chết về bệnh ung thư. Nguyên nhân của chiếu chụp không cần thiết và không bảo đảm an toàn” - PGS.TS Vương Hữu Tấn cho hay.
Tại Việt Nam, theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, năm 2011, Cục An toàn bức xạ hạt nhân đã xây dựng quy trình đánh giá liều bệnh nhân và điều tra khảo sát điểm liều bệnh nhân trong X-Quang chẩn đoán tại 13 bệnh viện. Kết quả cơ bộ cho thấy liều chiếu xạ bệnh nhân cao hơn so mức quy định trong Thông tư 13, cũng như so với quốc tế. Riêng X-Quang can thiệp có đến 43% giá trị đo là cao hơn mức chỉ dẫn.
Công cụ giám sát quản lý chưa bắt kịp phát triển
Nói về nguyên nhân của thực trạng này, PGS.TS Vương Hữu Tấn cho rằng, việc chỉ định chiếu chụp không cần thiết và không bảo đảm an toàn có nhiều nguyên nhân từ lợi ích kinh tế, cán bộ thiếu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn không chuẩn và bệnh nhân không được thông tin đầy đủ về rủi ro của bức xạ.
Bên cạnh đó, việc chiếu chụp một phần do yêu cầu của người bệnh và thiết bị chưa được kiểm định và hiệu chuẩn phù hợp, đặc biệt là chưa có chứng nhận chất lượng của tổ chức có thẩm quyền cấp nên những vấn đề về an toàn không được đảm bảo.
Trước thực trạng này, các tổ chức trên thế giới, kể cả WHO đã ra các tuyên bố chung và thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu các rủi ra trong quá trình chiếu xạ.
Theo thống kê của Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 3.133 cơ sở X-Quang y tế với 8.356 thiết bị X-Quang chẩn đoán (tăng 3 lần so với 10 năm trước); 33 cơ sở xạ trị với 59 máy gia tốc LINAC và 23 thiết bị xạ trị dùng nguồn phóng xạ được cấp phép. Ngoài ra còn gamma knife, cycber knife, thiết bị xạ trị từ xa và thiết bị xạ trị áp sát sử dụng nguồn phóng xạ.
Về công tác chỉ định chẩn đoán chụp chiếu, theo số liệu thống kê, đến năm 2011, có khoảng 23 triệu ca chẩn đoán X-quang, chưa tính các ca chẩn đoán SPECT, PET/CT và X-Quang can thiệp.
Trong khi đó, kỹ thuật viên và người bệnh chưa quan tâm nhiều đến công tác bảo đảm an toàn bức xạ, chưa có số liệu điều tra về chiếu xạ y tế trên toàn quốc cũng liều chiếu xạ bệnh nhân vẫn chưa được thống kê, đánh giá cụ thể để có giải pháp quản lý, giám sát an toàn bức xạ trong quá trình vận hành thiết bị.
“Mặc dù đã có nhiều quy định, văn bản pháp quy về vấn đề an toàn bức xạ, tuy nhiên, công tác quản lý công tác chiếu chụp, kiểm soát liều chiếu xạ còn hạn chế, giám sát tuân thủ các quy định về an toàn chiếu xạ còn hạn chế”- PGS.TS Vương Hữu Tấn cho hay.
Cụ thể, chưa có quy định phải xác định liều chiếu xạ bệnh nhân định kỳ tại các cơ sở điện quang, y học hạt nhân và xạ trị trong Thông tư 13/2010/TTLT; chỉ có quy định phải xác định liều chiếu xạ cho nhân viên bức xạ y tế, nhưng chưa cụ thể đối tượng nào phải kiểm soát liều chiếu xạ trong từng lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân và xạ trị; chưa có quy định rõ yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo đối với từng loại hình công việc điện quang, y học hạt nhân và xạ trị; quy định nền an ninh nguồn phóng xạ;…
Vấn đề quản lý, giám sát an toàn bức xạ trong chẩn đoán và điều trị được các đại biểu đưa ra tại hội nghị Năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ diễn ra tại Đà Nẵng cuối tháng 8/2019 vừa qua
|
Trước thực trạng này, PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn pháp quy liên quan, cần ban hành quy trình, hướng dẫn và tổ chức đánh giá, chỉ dẫn liều bệnh nhân; quy định về quản lý chất lượng dịch vụ đo liều chiếu xạ, trong đó có việc định kỳ tổ chức so sánh chéo hàng năm giữa các cơ sở đo liều chiếu xạ cũng như tham gia so sánh quốc tế; xây dựng quy định đào tạo về an toàn bức xạ.
Đặc biệt là xây dựng quy trình, quy định và quy chuẩn về đào tạo an ninh nguồn phóng xạ, đào tào chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên bức xạ, quản lý bảo đảm chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, các vấn đề về kiểm định và hiệu chuẩn, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị xạ trị cũng như tiêu chuẩn an toàn, an ninh của các cơ sở xạ trị cũng cần được hoàn thiện và quản lý để bắt kịp với tốc độ phát triển và yêu cầu chẩn đoán, điều trị của người dân.