Ứng dụng nhỏ lẻ, còn nhiều khó khăn
Ngày 25/7, tại TP.HCM, hội thảo quốc tế “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam” do Bộ Công Thương Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức đã thu hút rất đông các chuyên gia đến từ nhiều nước và các bộ, ban, ngành tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có ông Michael Greene, Giám đốc USAID và các đại diện từ các nhà tài trợ như Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025 của Bộ Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời áp mái.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương Phương Hoàng Kim nhấn mạnh: “Nhờ việc áp dụng cơ chế FIT, trong thời gian vừa qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án điện mặt trời áp mái còn khá hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này. Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam, nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào điện mặt trời áp mái, với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025”.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Michael Greene trong phần phát biểu của mình cũng nêu rõ: “Chương trình thúc đẩy điện mặt trời áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống điện mặt trời áp mái có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.”
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Michael Greene
|
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2021-2025, khả năng thiếu điện tại miền nam tăng cao với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kW giờ (năm 2021) lên gần 10 tỷ kW giờ (năm 2022), vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kW giờ. Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, nhất là sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Nghiên cứu về tiềm năng và các bước tiếp theo để phát triển năng lượng điện mặt trời, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Hiện nay Việt Nam đã có 9.314 khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời trên mái. Trong đó số hộ dân tham gia lên tới hơn 7.500 khách. Việt Nam có 15 tỉnh tiềm năng, trong đó đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Nam nhiều nắng hơn. Từ giờ tới cuối năm 2019 chúng tôi sẽ hoàn thành lắp đặt 100% thiết bị năng lượng mặt trời trên mái ở tất cả các mái nhà trụ sở của đơn vị điện lực. Đồng thời tăng cường quảng bá tới khách hàng về lợi ích khi lắp đặt điện mặt trời trên mái”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
|
“Từ việc lắp đặt đến công cụ thanh toán trực tuyến đều rất thuận lợi, dễ dàng cho người dùng. Sự quan tâm của người dân Việt Nam và tốc độ tăng trưởng người dùng điện năng lượng mặt trời trên mái những năm gần đây tăng cao. Tuy nhiên, người dân chỉ sử dụng với công suất nhỏ; hình thức sử dụng điện này vẫn chưa phát triển mạnh được do các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện công suất lớn đều muốn nhận hóa đơn tiền điện năng lượng mặt trời mà đơn vị cung cấp lại chưa xuất được. Tập đoàn mong muốn kiến nghị với Bộ Công Thương về việc phát hành hóa đơn tài chính để tạo thuận lợi cho các khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện năng lượng mặt trời” – ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị.
“Cách mạng” năng lượng thay đổi chất lượng sống
Tại Việt Nam, phát triển điện mặt trời, trong đó điện mặt trời áp mái được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện tự nhiên, bức xạ đo được tại khu vực miền nam và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ lên tới 1.600 kW giờ/m2/năm.
Trong “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho thấy, chỉ tính riêng tiềm năng ĐMT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào khoảng 6.300 MW. Trong khi đó, Hà Nội có số giờ nắng trung bình hàng tháng khoảng 1.466,1 giờ/năm thuộc khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 3,3 đến 4,1 kW giờ/m2/ngày. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1 kW giờ ĐMT tiết kiệm sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612 kg CO2.
TS Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
|
TS. Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: “Mong muốn phát triển điện mặt trời trên mái một cách bền vững tại Việt Nam, dựa trên những xem xét kỹ lưỡng về mọi khía cạnh, chúng tôi sẽ triển khai nhiều mô hình, trong đó có gói 14,5 triệu Euro của Đức hỗ trợ người dân chi phí lắp đặt; nước Đức cũng sẽ hỗ trợ kiểm soát quy trình, chất lượng; và chúng tôi đề xuất cả những mô hình hợp tác chia lợi nhuận đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới để khuyến khích phát triển mô hình hữu ích này. Mục tiêu cần đạt tới là 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái vào năm 2025”.
Ông Sebastian Paust, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển ĐSQ Đức chia sẻ: “70 phần trăm điện mặt trời của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm phát triển thành công thị trường này, và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm, cũng như hỗ trợ Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Thông qua các tổ chức như GIZ và Ngân hàng tái thiết Đức KfW, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai các hoạt động nghiên cứu và chương trình tài trợ thí điểm nhằm khuyến khích khu vực tư nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động kinh doanh phát triển điện mặt trời áp mái”.
“Mục tiêu của các chương trình năng lượng tái tạo là giảm các nguồn phát điện, sản xuất điện từ các nhà máy điện than, điện hạt nhân… dẫn tới tăng CO2 và các khí thải độc hại vào môi trường; đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Biến đổi khí hậu dẫn tới tác động ngày càng mạnh mẽ vào môi trường; trái đất nóng lên chính vì khí thải CO2 càng lúc càng tăng cao. Nước Đức có một cam kết rất mạnh mẽ giữa chính phủ và người dân sẽ chung tay về vấn đề này. Ở giai đoạn trước, nước Đức có rất nhiều nhà máy nhiệt điện, đã làm giảm chất lượng không khí của Đức xuống rất nhiều, cho nên chúng tôi buộc phải thay đổi. Tương tự như thế, chất lượng không khí quá thấp của Hà Nội hiện tại cũng đã là một câu chuyện không nhỏ” – Ông Sebastian Paust nhấn mạnh.
Ông Sebastian Paust phát biểu về kinh nghiệm của Đức với năng lượng tái tạo
|
“Để khắc phục ô nhiễm môi trường do quá nhiều xe máy, đề nghị người dân Việt Nam nên chuyển sang dùng xe máy điện và xe đạp điện mà nguồn cung điện cho các xe này là từ các trạm cung cấp năng lượng điện mặt trời để giảm phát thải CO2 làm ô nhiễm không khí nặng nề hơn nữa” - Ông Sebastian Paust đưa ý kiến.
Ông Koen Duchateau, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển của EU phát biểu “Thú vị là điện mặt trời áp mái mang đến cơ hội cho người dân thường có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm của họ vào điện mặt trời và làm cho họ từ người tiêu dùng trở thành nhà sản xuất điện và đóng góp trực tiếp vào việc giảm tác động đến hệ sinh thái. Tại một số nước Châu Âu, người dân có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức về điện để cùng đầu tư và vận hành các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, như là dự án điện mặt trời lớn lắp đặt tại trường học hay cột gió cỡ lớn, những khoản đầu tư mà chính các cá nhân cũng không thể tự hình dung ra”.
Ở thời điểm khởi đầu cuộc “cách mạng” năng lượng điện, chính phủ Đức đã phải chi khá nhiều tiền cho việc đầu tư và xây dựng hệ thống cung cấp điện tái tạo, điều này cũng dẫn đến việc bị phê bình mạnh mẽ từ công chúng. Nhưng từ khi quy luật vận hành của thị trường bắt đầu chạy ổn định thì giá sản xuất giảm xuống, giá mua điện cũng giảm, và nguồn trợ giá từ nhà nước giảm theo.
“Hiện nay, tại Đức, chúng tôi đã thực hiện cơ chế đấu giá để khuyến khích hạ giá thành điện tái tạo. Thời điểm này, giá sản xuất cũng như giá mua điện sẽ khác xa, giảm rất nhiều so với thời điểm khởi đầu, và đây chính là “món quà” mà các nước đi tiên phong giành tặng lại cho các nước đi sau” – Một chuyên gia tới từ Đức cung cấp.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Đối tượng được nhận tài trợ trong gói 14,5 triệu Euro dành cho các hộ gia đình sẽ được thông báo công khai, hình thức lắp đặt thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hộ gia đình sẽ nhận hỗ trợ không quá 6-10 triệu đồng, mang tính chất khuyến khích càng nhiều các hộ dân tham gia càng tốt”.
“Giá thành tổng thể để các hộ dân lắp đặt, có thể khác nhau tùy theo thực tế, nhưng trung bình 20 triệu đồng cho một hệ thống, tức là đã được nghiên cứu và áp dụng với mức chi phí rất hợp lý” – Ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
“Chúng tôi đã có kinh nghiệm lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, EVN sẽ là đơn vị thực hiện chương trình, dưới sự giám sát của chuyên gia Châu Âu, mang tới cho người dân một chương trình minh bạch và có được giá thành tốt nhất” – Ông Phương Hoàng Kim khẳng định.
Các chuyên gia đưa nhiều ý kiến bổ ích học tập kinh nghiệm của Đức về năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời trên mái
|
Các chuyên gia đưa ý kiến cho rằng muốn phát triển năng lượng “sạch”, thay đổi chất lượng không khí, nâng cao chất lượng sống của người dân đòi hỏi chính sách hỗ trợ chặt chẽ, hợp lý từ chính phủ và ngành điện cũng như Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để có thể tìm ra những giải pháp hợp lý và triển khai trên diện rộng.