Khi du học sinh Việt Nam được khuyến khích về nước lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp?

VietTimes – Qua tiếp xúc với các du học sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập ở nước ngoài, nhất là những người thuộc diện được nhận học bổng toàn phần, điều dễ dàng nhận thấy là họ thường được khuyến khích về nước để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp của mình.
Không ít du học sinh Việt Nam thường được phía nước ngoài khuyến khích về nước lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Ảnh: báo điện tử Tổ Quốc
Không ít du học sinh Việt Nam thường được phía nước ngoài khuyến khích về nước lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Ảnh: báo điện tử Tổ Quốc

Đây là điều rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ, vì với cách làm đó, phía nước ngoài luôn có được các số liệu cập nhật nhất về Việt Nam trong những mối quan tâm của họ, còn chúng ta thì lại không chắc đã có.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các trường của nước ngoài lại có cách làm này với du học sinh? Cũng dễ hiểu thôi vì họ không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo, mà còn tiến hành các nghiên cứu không chỉ cho riêng mình. Và trong các nghiên cứu đó thì số liệu thực tế là hết sức quan trọng. Chính vì thế nên các du học sinh được khuyến khích về nước để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp.

Cũng cần nói thêm, các số liệu ở đây hoàn toàn không có gì bí mật và theo Luật Tiếp cận Thông tin thì các du học sinh hoàn toàn có quyền khai thác để phục vụ đề tài tốt nghiệp của mình. Tuy nhiên, thực tế trong không ít trường hợp thì số liệu tế gần như không thu được bao nhiêu, vì quá trình đào tạo và nghiên cứu ở nước ngoài đã đi trước rất nhiều so với Việt Nam.

Đó là thực tế có thể kể ra với những người theo học ngành Thương mại Điện tử từ những năm 2000 hay với ngành Tương lai học hiện nay.

Với những người có tư duy "thái quá", thực tế trên đây là đáng lo ngại, vì nước ngoài đã thông qua các du học sinh để làm “tình báo” hợp pháp ở Việt Nam. Song theo nhiều ý kiến thì Việt Nam nên quan tâm nghiêm túc đến thực tế này. Ít nhất, cũng nên yêu cầu các du học sinh của chúng ta nộp cho cơ quan quản lý du học một bản luận văn tốt nghiệp của họ, để có thể nắm bắt được kết quả học tập của họ và cao hơn là khai thác được giá trị luận văn.

Trở lại với thực tế của các trường đại học trong nước, vấn nạn sao chép luận văn đã và đang là một thực tế tồn tại. Tuy nhiên, vì luận văn không phải là tài liệu mật, nên không thể ngăn cản sinh viên tiếp cận với các luận văn cũ. Song điều cần làm và hoàn toàn có thể làm được là với các luận văn mới phải có số liệu cập nhật.

Và cũng cần học tập cách làm của các đại học nước ngoài, nên chăng các đại học trong nước cần khuyến khích sinh viên lấy số liệu cho đề tài ở quê hương mình. Tất nhiên là việc này rất cần có chi phí và có lẽ cũng không mấy khó khăn để tìm ra nhà tài trợ, bởi không thiếu gì doanh nghiệp, tổ chức rất muốn có được số liệu cập nhật thông qua các luận văn tốt nghiệp với các thực tiễn mà họ quan tâm.