Những sự kiện làm chấn động thế giới thời kỳ chiến tranh lạnh:

Cách mạng Tháng Tư ở Afghanistan: Một cuộc cách mạng bị chết yểu (Kỳ 5)

VietTimes -- Cuối tháng 4/1978, ở Afghanistan diễn ra sự kiện mà được Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) công bố là “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Ngày 26/4, trong cuộc mít tinh ở Thủ đô Kabul, đã xảy ra vụ ám sát một thủ lĩnh của phái “Parcham” (Trí thức) thuộc PDPA - một đảng luôn thiếu sự thống nhất, đoàn kết ngay từ khi thành lập năm 1965.
Liên Xô ý thức rất rõ về các rủi ro nếu can thiệp quân sự vào Afghanistan nhưng rốt cuộc họ vẫn chấp nhận đưa quân vào đó sau nhiều lần cân nhắc...
Liên Xô ý thức rất rõ về các rủi ro nếu can thiệp quân sự vào Afghanistan nhưng rốt cuộc họ vẫn chấp nhận đưa quân vào đó sau nhiều lần cân nhắc...

Tình hình trong nước trở nên rối ren, Tổng thống Doud Khan cho rằng đây là thời cơ để loại bỏ PDPA. Ông ta cho bắt giam một nhà lãnh đạo PDPA, một số khác cảm thấy bị đe dọa đến tính mạng liền quyết định ra tay. Ngày 27/4, Doud Khan cùng gia đình và những người thân cận bị bắn chết ngay tại Dinh Tổng thống. Ngày 28/4, nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan ra đời. Tổng Bí thư PDPA đồng thời là người đứng đầu phái “Khalk” (Nhân dân) trong PDPA là Nur Muhammad Taraki trỏ thành Chủ tịch Hội đồng Cách mạng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Babrak Karmal – người đứng đầu phái “Parcham” giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Một thủ lĩnh khác của “Khalk” là Hafizullah Amin giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Cuộc cách mạng diễn ra quá nhanh. Một lần nữa, chân lí “giành chính quyền dễ hơn nhiều so với giữ chính quyền” lại được khẳng định. Say sưa với chiến thắng dễ dàng, ban lãnh đạo Afghanistan mất hết cảm giác hiện thực. “Điều mà Liên Xô đã làm được trong 60 năm Chính quyền Xô Viết thì ở Afghanistan sẽ thực hiện trong 5 năm” – Chủ tịch Taraki có lần thổ lộ với lãnh đạo Liên Xô.

Từ lúc thiếu thời, Taraki đã chứng kiến những cuộc tranh chấp khốc liệt đồng cỏ, nguồn nước... giữa các bộ lạc, những cuộc đụng độ triền miên giữa các băng nhóm trong một đất nước lạc hậu về mọi tiêu chí, nơi mà quan hệ phong kiến, nửa phong kiến còn chiếm ưu thế. Lẽ ra, hơn ai hết, ông phải hiểu rằng không một chính quyền nào chỉ trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được mọi thứ.

Tập đoàn quân số 40 của Liên Xô bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25/12/1979. Vào giữa thập niên 1980, binh lính Liên Xô đóng tại đây tăng lên tới 108.800 người, chiến tranh đã lan ra khắp lãnh thổ quốc gia Nam Á này.
Tập đoàn quân số 40 của Liên Xô bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25/12/1979. Vào giữa thập niên 1980, binh lính Liên Xô đóng tại đây tăng lên tới 108.800 người, chiến tranh đã lan ra khắp lãnh thổ quốc gia Nam Á này.

Vậy nhưng, Chính quyền Taraki lại nóng vội tiến hành cải cách ruộng đất với nội dung chủ yếu là quốc hữu hóa đất đai mà không đền bù cho nông dân, qua đó khoét sâu mâu thuẫn giữa nông dân và những người hưởng lợi từ cải cách, hậu quả là sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, bất mãn xã hội gia tăng. Việc thực hiện một cách khiên cưỡng quyền bình đẳng của phụ nữ và nói “không” với hôn nhân cưỡng bức trong một đất nước mà các giá trị Hồi giáo và tập tục bộ lạc đã cắm rễ hàng nghìn năm, cũng góp phần làm bầu không khí thêm ngột ngạt.

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chống đối quyết liệt của các bộ lạc, các nhóm du kích được sự hẫu thuẫn của Mỹ, Pakistan và một số quốc gia Hồi giáo khác

Làm cho tình hình thêm căng thẳng là mối bất hòa truyền kiếp trong nội bộ PDPA. Chỉ vài tháng sau khi thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Afghanistan, phái “Khalk” đã loại bỏ hầu hết các nhân vật thuộc phái “Parcham” ra khỏi các vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nguy hại hơn, Taraki tin dùng Amin – một kẻ hám danh và ưa bạo lực, nhưng lại bất đồng quan điểm với Babrak Karmal. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến kết cục bi thảm không chỉ đối với Taraki, mà còn với toàn thể nhân dân Afghanistan và cách mạng Afghanistan.

Lợi dụng sự nhu nhược của Taraki, Amin không chỉ loại trừ khỏi ban lãnh đạo những người không ăn cánh, mà còn tiến hành đàn áp, thanh trừng hàng loạt sĩ quan, công chức nhà nước, cán bộ đảng, các nhà hoạt động chính trị, tôn giáo… Amin cũng không hề nương tay đối với cả những người thuộc phái “Khalk” thân cận với Taraki. Điều quá rõ ràng là sẽ đến lượt Taraki.

Tháng 10/1979, Amin cho bao vây Dinh tổng thống, bắt giữ và đưa Taraki về quản thúc tại nhà riêng rồi loan báo rằng ông bị ốm. Vài ngày sau, bốn sĩ quan theo lệnh Amin ập vào nhà, rải đệm giường xuống sàn nhà, đặt Taraki xuống và dùng gối đè cho đến khi Taraki chết vì ngạt thở sau 15 phút giãy giụa. Người ta lặng lẽ mai táng Taraki tại một nghĩa trang ở Kabul và thông báo chính thức rằng ông chết vì đau tim đột ngột. Không ai tin vào điều đó, song tất cả đều im lặng. 

Sau khi thủ tiêu Taraki, toàn bộ quyền hành ở Afghanistan chuyển vào tay Amin. Ông ta đẩy mạnh thanh trừng các lực lượng tiến bộ, trước hết là những người thân Liên Xô do Babrak Karmal đứng đầu. Làn sóng bất bình, đối lập với chế độ độc tài của Amin cũng tăng lên. Nhiều nhà hoạt động của Afghanistan đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Trong bối cảnh đó, ngày 27/12/1979, các đơn vị đặc nhiệm Liên Xô thực hiện chiến dịch đánh chiếm Kabul, tiêu diệt Amin và đưa Babrak Karmal lúc này đang lưu vong ở nước ngoài về cầm quyền. Bạo lực đã phải thanh toán bằng bạo lực, nhân dân Afghanistan hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với việc lật đổ chế độ của tên đao phủ.

Sáu năm tiếp theo, với sự trợ giúp của Liên Xô, Afghanistan đạt được một số thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng đến đầu năm 1986, Karmal có nhiều bất đồng sâu sắc với đa số thành viên ban lãnh đạo đất nước, do vậy xuất hiện khuynh hướng để ông ta từ chức.

Chiến tranh Afghanistan là cuộc xung đột kéo dài 10 năm giữa Quân đội Liên Xô ủng hộ chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA), chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan chiến đấu để lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản.
Chiến tranh Afghanistan là cuộc xung đột kéo dài 10 năm giữa Quân đội Liên Xô ủng hộ chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA), chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan chiến đấu để lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản.

Sau nhiều cuộc làm việc căng thẳng, khó khăn với sự vào cuộc của đích thân nhà lãnh đạo Liên Xô M. Gorbachov được sự trợ giúp của Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo ngoài nước của KGB là V. Kriuchkov, cuối cùng thì vào giữa tháng 5/1986, Babrak Karmal buộc phải chuyển giao quyền lực cho Tiến sĩ Najibullah, một người trẻ tuổi, nhiệt tình, có học vấn, có kinh nghiệm đường đời. Thời gian tiếp theo, Najibullah đã xây dựng được cơ sở xã hội rộng rãi cho chính quyền, củng cố được quan hệ với giới tu hành, với các chỉ huy chiến trường, các bộ tộc,… mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Afghanistan trên trường quốc tế.

Thật đáng tiếc, sau khi Quân đội Liên Xô rút đi (1989) và đặc biệt sau khi Liên Xô tan rã (1991), Cộng hòa Afghanistan mất hoàn toàn chỗ dựa cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Năm 1992, Najibullah buộc phải từ chức, chấp nhận trao quyền cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan, đến năm 1996 thì bị những người Taliban sát hại. Đất nước Afghanistan đắm chìm trong nội chiến.

Trong bối cảnh bị xâu xé bởi các thế lực thù địch trong, ngoài nước, ban lãnh đạo PDPA lại phạm sai lầm về đường lối, nhất là để mất đoàn kết, thống nhất nội bộ, dẫn đến thất bại của cuộc Cách mạng Tháng Tư ở Afghanistan. Đây là nỗi đau và bài học kinh nghiệm đắt giá cho những người cách mạng chân chính.