Nga thừa nhận: 5 người chết do nổ tên lửa hành trình động cơ hạt nhân

VietTimes — Ngày 8/8, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khi thử nghiệm vũ khí của Nga đã xảy ra và 5 nhà khoa học đã hy sinh. Quan chức phụ trách hạt nhân tối cao của Nga hôm 12/8 đã tiết lộ đây là vụ cháy nổ tên lửa hành trình động cơ hạt nhân và tuyên bố trong lễ tang những người quá cố: sẽ hoàn thành việc nghiên cứu phát triển vũ khí mới để tỏ lòng thành kính với họ.
Nga đã chính thức xác nhận vụ nổ hôm 8/8 khiến 5 nhà khoa học tử nạn là sự cố tên lửa hành trình sử dụng động cơ đẩy hạt nhân
Nga đã chính thức xác nhận vụ nổ hôm 8/8 khiến 5 nhà khoa học tử nạn là sự cố tên lửa hành trình sử dụng động cơ đẩy hạt nhân

Theo Reuters, 5 người nhà khoa học hy sinh đã được mai táng tại thị trấn nhỏ có tên Sarov, khá cách biệt với thế giới bên ngoài. Họ đã bị tử nạn hôm 8/8. Theo thông báo của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga (Rosatom) đưa ra hôm 11/8, vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trong vụ thử tên lửa trên một bãi phóng ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Nga; vụ nổ xảy ra do thử nghiệm thất bại “nguồn năng lượng sử dụng đồng vị phóng xạ cho động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng”. Đây là lần đầu tiên Nga xác nhận một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ đã phát nổ trên Bạch Hải và đang tiến hành điều tra vụ việc.

Ông Alexei Likhachev, Giám đốc điều hành Rosatom khi phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm đã ca ngợi 5 người là “niềm tự hào của đất nước và giới nghiên cứu hạt nhân” và nói rằng "cách tốt nhất để vinh danh họ là tiếp tục dốc sức nghiên cứu phát triển loại vũ khí mới sẽ thành công sắp tới”.

Rosatom, nơi chủ trì nghiên cứu loại siêu tên lửa hành trình SSC-X-9 Skyfall
Rosatom, nơi chủ trì nghiên cứu loại siêu tên lửa hành trình SSC-X-9 Skyfall

Trong khi đó “The New York Times” đưa tin, các quan chức tình báo Mỹ nói, họ nghi ngờ rằng quả tên lửa phát nổ vào ngày hôm đó là nguyên mẫu của tên lửa được NATO đặt tên là SSC-X-9 Skyfall. Đây là một mẫu tên lửa hành trình. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng loại tên lửa sử dụng động lực là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ này có thể đánh trúng mục tiêu ở mọi nơi trên trái đất, tầm bắn không bị hạn chế như các loại tên lửa sử dụng loại nhiên liệu truyền thống.

Tên lửa hành trình động lực hạt nhân quá khó, Mỹ đã bỏ dở việc thử nghiệm

Một số báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ thường coi tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga là mối đe dọa mới tiềm tàng, bởi vì tên lửa sau khi phóng đi có đường đi rất khó dự đoán ở độ cao tương đối thấp, khiến cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện có ở Alaska và California không thể đánh chặn. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có đường bay có thể dự đoán và trở về từ không gian.

Rất nhiều chuyên gia quân sự bên ngoài từ lâu đã coi việc Nga nghiên cứu phát triển loại vũ khí này giống như nằm mơ giữa ban ngày, bởi vì Mỹ đã từng nghiên cứu thử nghiệm công nghệ này rất sớm vào những năm 1950 và 1960, nhưng đã kết thúc trong thất bại.

Hình ảnh về tên lửa hành trình SSC-X-9 Skyfall trên mạng
Hình ảnh về tên lửa hành trình SSC-X-9 Skyfall trên mạng

Ông Ankit Panda, một chuyên gia về hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (Federation of American Scientists), nói: “Nói chung, tôi luôn cảm thấy nghiên cứu phát triển loại tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân với tầm bắn không giới hạn là điều ngu xuẩn. Tôi không biết trong ngành quân sự Nga có những chuyên gia khuyên bảo các nhà lãnh đạo ngoài ngành về công nghệ hay không? ý tưởng này hiển nhiên rất tốt, nhưng Mỹ đã thử nó và nhanh chóng nhận thấy rằng có những vấn đề “thắt cổ chai” và rủi ro, có những lý do chính đáng để dừng lại”.

Rosatom ngày 10/8 nói, "động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng chạy bằng đồng vị" đang được thử nghiệm tại thời điểm xảy ra vụ việc. Mặc dù văn bản rất mơ hồ, nhưng đây là lần đầu tiên quan chức Nga xác nhận rằng vụ tai nạn thực chất là một vụ tai nạn hạt nhân.

Ông Trump thừa cơ khoác lác, bị chuyên gia lật tẩy

5 nhà khoa học của Rosatom hy sinh hôm 8/8 là những người liên kết với Trung tâm hạt nhân Liên bang Nga để nghiên cứu phát triển thiết bị động cơ cỡ nhỏ sử dụng “nguyên liệu phóng xạ” dùng cho cả lĩnh vực quân sự và dân sự.

Ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Trump lên tiếng cho rằng Mỹ đã học được rất nhiều từ vụ tai nạn thử tên lửa của Nga làm cho lượng bức xạ tăng lên này.

Ông Trump nói trong bản tweet: “Mỹ đã biết được rất nhiều từ vụ nổ tên lửa của Nga. Chúng tôi có công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn nhiều. Vụ nổ  “Skyfall” của Nga đã khiến mọi người lo lắng về không khí và nhiều thứ khác ở xung quang nơi xảy ra sự cố. Rất tệ!”.

Tên lửa SSC-X-9 Skyfall trên đường bay
Tên lửa SSC-X-9 Skyfall trên đường bay

Nhưng việc ông Trump nói trong bản tweet Mỹ có công nghệ tương tự đã nhanh chóng bị chuyên gia người Mỹ Joe Cirincione đập lại. Ông Joe Cirincione nói: “Đó là chuyện Ngàn lẻ một đêm. Chúng ta không hề có dự án tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân nào. Chúng ta đã làm điều đó vào những năm 1960, nhưng ngay cả trong những năm tháng chiến tranh lạnh điên cuồng về vũ khí hạt nhân, (chúng ta) vẫn cảm thấy đó là chuyện điên rồ, rất khó để thành công”.

Vụ nổ bí ẩn

Trước đó, ngày 10/8. Thông tấn xã Nga RIA dẫn nguồn tin của Trung tâm Hạt nhân Liên bang Nga Rosatom cho biết, ngày 8/8 tại một căn cứ quân sự gần thành phố Arkhangelsk tại miền Bắc nước này đã xảy ra một sự cố cháy nổ động cơ tên lửa trong khi thử nghiệm làm 5 người bị chết. Do phía Nga giữ bí mật nên người ta không biết nhiều thêm về vụ việc. RIA chỉ nói, Rosatom cho biết, vụ việc xảy ra đối với động cơ đẩy tên lửa dạng lỏng (liquid propellant rocket engine) được thử nghiệm.

Cũng theo Rosatom còn có 3 nhân viên công tác khác bị thương ở các mức khác nhau, trong đó có người bị bỏng. Họ đã được đưa tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị.

Báo chí địa phương đưa tin, sau khi vụ nổ xảy ra, dân chúng địa phương đã đổ xô đi mua và tích trữ iodine để phòng nhiễm xạ.

Bộ Quốc phòng Nga rất kín tiếng về vụ nổ. Lúc đầu họ nói không tìm thấy các vật chất có hại trong không khí, mức độ phóng xạ không thay đổi, nhưng thành phố Severodvinsk ở gần đó lại thông báo, sau vụ nổ, độ phóng xạ trong không khí đã tạm thời tăng lên, nhưng nhà chức trách không đưa ra lời giải thích tại sao độ bức xạ trong không khí lại gia tăng và thông tin này trên mạng sau đó cũng bị gỡ.

Tờ Kommersant (Nhật báo Công thương) của Nga dẫn lời một sĩ quan hải quân Nga giấu tên nói, sự cố này xảy ra tại một cơ sở thử nghiệm trên biển, tên lửa bị nổ có thể dẫn đến việc rò rỉ chất độc hại.