Trong thời kỳ Liên Xô và hậu Xô Viết, các công ty Mỹ như Pepsi và McDonald's đã đến Nga với tư cách là những công ty tiên phong, được coi là một phần của việc cải thiện quan hệ quốc tế; nhưng giờ đây, họ đã thông báo tạm ngừng kinh doanh để đáp lại lời kêu gọi phản đối Nga gây chiến…
Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), các Công ty McDonald's, Pepsi, Coca-Cola và Starbucks hôm thứ Ba (8/3) đã thông báo tạm thời ngừng hoạt động tại Nga; Starbucks sẽ tạm thời đóng cửa mấy trăm cửa hàng.
Pepsi sẽ tạm dừng tất cả các quảng cáo ở Nga và ngừng bán các nhãn hiệu nước giải khát của mình, nhưng sẽ tiếp tục bán các mặt hàng thiết yếu như sữa và thức ăn trẻ em. Đối thủ của họ là Coca-Cola cho biết sẽ đình chỉ mọi hoạt động tại Nga. McDonald's vẫn đang cân nhắc xem có nên làm theo hay không, nhưng sau đó đã thông báo đóng cửa 847 nhà hàng, nhưng sẽ tiếp tục trả lương cho 62.000 nhân viên ở Nga.
Ông Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Học viện Quản lý Yale, nói với Reuters: "Tôi rất vui vì họ đã hồi tâm chuyển ý và đưa ra quyết định đúng đắn. Đó là một tác động rất quan trọng, mang cả ý nghĩa tượng trưng cũng như thực chất."
McDonald's một trong số mấy nhãn hàng đầu tiên vào Nga từ năm 1990 (Ảnh: freednewstimes). |
McDonald's đã mở cửa hàng đầu tiên ở Nga vào năm 1990 trên Quảng trường Pushkin ở trung tâm thủ đô Moscow. Sau đó với sự giải thể của Liên Xô, cửa hàng này đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ phát triển mạnh mẽ. Còn Coca-Cola là thức uống chính thức của Thế vận hội Moscow 1980, mặc dù Mỹ đã tẩy chay sự kiện này để phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.
Sau khi các công ty lớn do Mỹ đứng đầu bày tỏ quan điểm dứt khoát để phản đối Nga đưa quân vào Ukraine, việc các công ty Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Nga cũng được Mỹ quan tâm. Ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với The New York Times rằng những công ty Trung Quốc nào bất chấp các hạn chế của Mỹ, tiếp tục xuất khẩu sang Nga có thể bị cắt đứt khỏi các thiết bị và phần mềm của Mỹ mà họ cần để sản xuất các sản phẩm của mình.
Bà Raimondo cho biết Mỹ có thể “đóng cửa về cơ bản” Công ty chế tạo chip quốc tế SMIC hoặc bất kỳ công ty Trung Quốc nào tiếp tục cung cấp chip và công nghệ tiên tiến khác cho Nga bất chấp lệnh trừng phạt của Washington. Washington đã đe dọa đưa các công ty này vào danh sách đen thương mại nếu họ lách các hạn chế xuất khẩu mới nhắm vào Nga.
Thêm nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia trận chiến
Hôm thứ Ba (8/3), Amazon cho biết họ sẽ ngừng tiếp nhận khách hàng mới cho các dịch vụ đám mây của mình ở Nga và Ukraine. Hãng băng đĩa Universal Music cũng đã đình chỉ mọi nghiệp vụ tại Nga và dịch vụ hẹn hò trực tuyến Bumble Inc cũng sẽ xóa ứng dụng của mình khỏi các cửa hàng ở Nga và Belarus.
TRước sức ép từ nhiều phía, Shell buộc phải chấm dứt mua dầu của Nga (Ảnh: AFP). |
Trước đó, Công ty Hà Lan Royal Dutch Shell Plc đã buộc phải ngừng mua dầu từ Nga và cho biết sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nước này. Đồng thời, Mỹ đã tăng cường nỗ lực trừng phạt Moscow, cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga.
Giám đốc điều hành của Shell, Ben van Beurden cho biết: "Chúng tôi ý thức được rằng quyết định mua một lô hàng dầu thô của Nga được đưa ra vào tuần trước để tinh chế thành các sản phẩm như xăng và dầu diesel mặc dù có lưu ý đến sự an toàn về nguồn cung. Đó không phải là quyết định đúng đắn và chúng tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó."
Shell và các đối thủ cạnh tranh của họ như BP Plc và Exxon Mobil Corp đều đã công bố kế hoạch bán cổ phần kiểm soát của họ ở Nga và rời khỏi nước Nga, chỉ để lại Total Energies của Pháp tương đối cô lập kiên trì các khoản đầu tư của mình.
Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng
Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã ngừng giao dịch niken vào thứ Ba (8/3), vì kim loại này là thành phần chính trong pin xe điện đã tăng gấp đôi giá lên hơn 100.000 USD / tấn.
Tập đoàn khai khoáng BHP đã cảnh báo rằng giá hàng hóa gia tăng có thể gây ra lạm phát vốn đã tăng vọt và có thể ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Nga (Ảnh: Dwnews). |
Ba nguồn thạo tin cho biết, giá niken tăng cao khi Tập đoàn Thanh Sơn (Tsingshan Holding Group) của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất niken và thép không gỉ hàng đầu thế giới, mua vào một lượng lớn niken để giảm đặt cược vào giá giảm, nhưng Tập đoàn Thanh Sơn và LME đã từ chối bình luận.
Ngoài niken cao cấp, giá của các kim loại khác được sử dụng trong sản xuất xe hơi, từ nhôm trong thân xe đến palađi trong bộ chuyển đổi xúc tác (Catalytic converter) đang tăng vọt và chuỗi cung ứng trong ngành đã bị gián đoạn.
Hãng xe hơi Volkswagen AG cho biết họ sẽ ngừng nhận đơn đặt hàng nhiều mẫu xe plug-in hybrid từ hôm thứ Ba (8/3) vì các vấn đề về chuỗi cung ứng làm trầm trọng thêm tình trạng chậm trễ sản xuất do thiếu chip.
Volkswagen đã tạm dừng sản xuất ở Nga và một số nhà máy ở Đức vì thiếu linh kiện. Họ cho biết các đơn đặt hàng cho các phiên bản plug-in hybrid của các mẫu Volkswagen Golf, Tiguan, Passat, Arteon và Touareg sẽ bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới, và các đơn hàng đã đặt có thể không được giao trong năm nay.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Nga?
Sau khi một số nước Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, truyền thông Mỹ ngày 8/3 dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang xem xét mua cổ phần trong các công ty năng lượng và nguyên liệu của Nga.
Theo báo cáo của Bloomberg ngày 8/3, Trung Quốc đang nghiên cứu mua hoặc mở rộng cổ phần trong các công ty dầu khí và nguyên liệu nhôm của Nga.
Vào lúc này, Nga trông chờ vào sự trợ giúp của Trung Quốc để vượt qua khó khăn do bị quốc tế trừng phạt (Ảnh: Xinhua). |
Các nguồn tin cho biết, chính phủ Trung Quốc đang thảo luận với các công ty như PetroChina, Sinopec, cũng như Chinalco và China Minmetals về khả năng đầu tư vào thị trường vốn của Nga. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu và các cuộc đàm phán giữa các công ty năng lượng của Nga và Trung Quốc đã bắt đầu.
Trong khi đó, một số quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các đại gia khai thác dầu khí trên thế giới, trong khi các công ty năng lượng của Mỹ và châu Âu, bao gồm BP, Shell, Equinor, OMV và Exxon Mobil quyết định rút khỏi thị trường Nga.
Hãng thông tấn Nga Sputnik lưu ý, sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác đã nâng cấp mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc ngày 2/3 , tuyên bố, Trung Quốc không có ý định tham gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Nga và sẽ tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với tất cả các bên.
Ngày 9/3, ông Triệu Lập Kiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố: Trung Quốc kiên quyết phản đối việc đơn phương trừng phạt không căn cứ theo luật quốc tế, động một chút giơ gậy trừng phạt thì không thể đổi được hòa bình và an ninh.
Ông nói, trừng phạt sẽ chỉ gây thêm khó khăn nghiêm trọng cho kinh tế đất nước và đời sống dân chúng, mang lại cục diện các bên đều thua thiệt, làm tăng thêm sự chia rẽ và đối đầu. Ông nói, hai nước Trung-Nga luôn có quan hệ hợp tác năng lượng tốt đẹp; hai bên sẽ tiếp tục triển khai sự hợp tác thương mại bình thường, trong đó có lĩnh vực dầu khí với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi.