Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Ba Lan hôm thứ Ba (8/3) theo giờ địa phương thông báo, Ba Lan sẵn sàng chuyển tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 do nước này sở hữu đến Căn cứ Không quân Ramstein của quân đội Mỹ ở Đức giao cho Mỹ mà không đòi hỏi bất kỳ khoản phí nào để Washington cung cấp chúng cho Ukraine. Tuy nhiên, ông John Kirby, Người phát ngôn Lầu Năm Góc cùng ngày đã bác bỏ kế hoạch này, cho rằng nó không khả thi. Mặt khác, quân đội Mỹ đã điều chỉnh việc triển khai và chuyển giao hai hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ba Lan để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ các đồng minh của Mỹ và NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau tuyên bố sẽ chuyển tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 ở trong nước đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức, đồng thời đề nghị Mỹ cung cấp cho Ba Lan các máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng có khả năng chiến đấu tương đương MiG-29. Ông Rau cũng kêu gọi các nước thành viên NATO có MiG-29 cũng thực hiện biện pháp tương tự.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đề xuất chuyển tất cả MiG-29 cho Mỹ để họ giao chúng cho Ukraine (Ảnh: Reuters). |
Hiện nay trong số các quốc gia thành viên NATO chỉ có Ba Lan, Slovakia và Bulgaria có sở hữu chiến đấu cơ MiG-29 do Liên Xô trước đây chế tạo, trong đó Ba Lan có 28 chiếc.
Ông Kirby cho biết trong một tuyên bố rằng máy bay MiG-29 cất cánh từ Căn cứ Không quân Ramstein đến vùng trời Ukraine nơi có xung đột với Nga, điều này sẽ làm dấy lên nghi ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO. Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn Ba Lan và các đồng minh NATO khác và thảo luận các vấn đề liên quan như các thách thức về hậu cần của phương án này. Ông không cho rằng đề xuất của Ba Lan không được coi là khả thi.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) thông báo, theo yêu cầu của Ba Lan quân đội Mỹ đang điều động hai bộ hệ thống tên lửa phòng không Patriot đến triển khai tại Ba Lan. Biện pháp phòng thủ này nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, các lực lượng đồng minh và lãnh thổ NATO. EUCOM nhấn mạnh, các hệ thống tên lửa này sẽ không dùng cho nhiệm vụ tấn công, mục đích của tất cả các biện pháp nhằm “răn đe kẻ xâm lược và bảo vệ đồng minh”.
Theo bản tin của CNN ngày 8 tháng 3, Lầu Năm Góc bác bỏ việc Ba Lan chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 của họ cho Mỹ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby nói Lầu Năm Góc bác bỏ đề xuất của Ba Lan giao các máy bay MiG-29 cho Mỹ rồi bàn giao lại cho Ukraine, ông gọi đề xuất này là "không thể giải quyết được".
Kirby nói trong tuyên bố rằng Lầu Năm Góc đã liên hệ với chính phủ Ba Lan về vấn đề này, nhưng đề xuất của Ba Lan cho thấy sự "phức tạp" của việc chuyển các máy bay chiến đấu tới Ukraine.
Kirby nói: “Chúng tôi hoàn toàn không biết lý do chính đáng cho việc này là gì…Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO về những thách thức hậu cần do vấn đề này gây nên, nhưng chúng tôi cho rằng đề xuất của Ba Lan không ổn chút nào”.
Ông Kirby chỉ ra rằng ý tưởng mà Ba Lan đưa ra là quá rủi ro, vì Mỹ và NATO cố gắng tránh một cuộc xung đột hoàn toàn giữa liên minh và Nga.
Nhiều nguồn tin nói với CNN rằng chính quyền Joe Biden đã quá bất ngờ trước lời đề nghị của Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Mỹ. Các nguồn tin cho biết đề xuất của Ba Lan đã không được thảo luận với Mỹ trước khi nó được công khai và các quan chức Ba Lan cũng đã không đưa ra đề xuất này trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Ba Lan.
Ba ngày trước khi chính phủ Ba Lan đưa ra tuyên bố này, ngày 5 tháng 3 Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Ba Lan và gặp gỡ các quan chức trong đó có Ngoại trưởng Zbigniew Rau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau không có sự đồng nhất trong cách viện trợ MiG-29 cho Ukraine (Ảnh: WSJ). |
Đáng chú ý, thông báo bất ngờ của Ba Lan được cho là đã làm phức tạp thêm chuyến thăm Ba Lan của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Bà Harris vẫn có kế hoạch lên đường đến Ba Lan vào sáng ngày 9 tháng 3, nơi bà dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trước đó, Mỹ và Ba Lan cũng đã “ông nói gà, bà nói vịt” trong vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 6/3 nói Ba Lan đã được Mỹ "bật đèn xanh" để cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu như một phần viện trợ quân sự; nhưng chính phủ Ba Lan đã nhanh chóng bác bỏ, cho rằng mọi thông tin nói Ba Lan đã hoặc sẽ cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu MiG-29 là "tin giả".
Giới quan sát cho rằng diễn biến mới này cho thấy sự bất đồng giữa Mỹ và các nước đồng minh NATO trong vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. Điều này cũng thể hiện sự e ngại của các quốc gia thành viên NATO trước lời cảnh báo của Nga trước đó, dọa sẽ coi những nước láng giềng cho máy bay chiến đấu của Ukraine sử dụng lãnh thổ là trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Nga- Ukraine.