Belarus muốn "hồi sinh" phi đội mang vũ khí hạt nhân: Những chiến đấu cơ nào được lựa chọn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 26/8 tuyên bố rằng các chiến đấu cơ của nước này đã được chỉnh sửa để triển khai vũ khí hạt nhân.
Su-30SM của Belarus hộ tống máy bay ném bom Tu-160 của Nga, cùng hình ảnh Su-24 và MiG-25BM (Ảnh: MW)
Su-30SM của Belarus hộ tống máy bay ném bom Tu-160 của Nga, cùng hình ảnh Su-24 và MiG-25BM (Ảnh: MW)

Sau tuyên bố của ông Lukashenko, nhiều báo cáo của hãng Reuters cùng các nguồn tin phương Tây nói rằng, các chiến đấu cơ Su-24 của Belarus có thể được ủy thác nhiệm vụ mới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Minsk với phương Tây, và sau một số cảnh báo mà ông Lukashenko đưa ra vào tháng 12/2021 rằng đất nước ông lưu giữ nhiều cơ sở vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô và có thể sớm cho Nga đặt các loại vũ khí chiến lược trên lãnh thổ.

Mặc dù Belarus không phải một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng lại tham gia vào một hiệp ước chia sẻ hạt nhân với Nga, cũng giống như việc các nước thành viên NATO như Đức, Bỉ sẵn sàng cho Mỹ triển khai các đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ nước họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Mặc dù Belarus mới đây mua 12 chiến đấu cơ hạng nặng Su-30SM của Nga – được biên chế để tăng cường cho 2 phi đội MiG-29 đã được hiện đại hóa – nhưng các chiến đấu cơ MiG không được tối ưu hóa để tham gia vào nhiệm vụ tấn công hạt nhân, trong khi nếu dùng Su-30, chúng sẽ bị trải ra quá mỏng do số lượng ít ỏi bởi còn lo nhiệm vụ tấn công truyền thống và chiếm ưu thế trên không.

Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga (Ảnh: MW)

Su-30SM hộ tống máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga (Ảnh: MW)

Belarus ước tính có khoảng 42 chiếc Su-24 vào năm 1995, 12 trong số này đã được bán cho Sudan. Vốn đã được cho "về hưu" từ năm 2010-2012 – bên cạnh Su-27, để giảm chi phí vận hành – khả năng “hồi sinh” mẫu máy bay để tiếp tục phục vụ sau nhiều thập kỷ nằm trong kho vẫn chưa rõ ràng. Cũng có khả năng là Nga sẽ cung cấp cho Belarus những chiếc Su-24M đã được hiện đại hóa, theo hình thức viện trợ.

Ngoài Su-24, Belarus cũng từng biên chế một mẫu chiến đấu cơ mạnh mẽ hơn, nhưng do chi phí vận hành quá cao nên chỉ khoảng 40 chiếc từng được chế tạo cho Không quân Liên Xô giờ đang ở lãnh thổ Belarus. MiG-25BM là biến thế mới nhất của MiG-25 Foxbat, có vận tốc Mach 3+, tầm cao và tầm xa không có đối thủ.
Được cho là đã tham gia thực chiến đối phó với Iran những năm 1980, mẫu chiến đấu cơ này được trang bị nhiều tên lửa hành trình và thiết bị tác chiến điện tử. Nó đại diện cho một tài sản quân sự độc nhất mà cả Nga và Belarus hiện đang thiếu – có thể so sánh với E/A-18/G của hải quân Mỹ hay J-16D của Trung Quốc.

Do Belarus đã hủy phi đội MiG-25BM, chỉ còn một số lượng nhỏ trong kho bảo tàng, việc hồi sinh lại chúng thậm chí còn khó hơn việc vực dậy Su-24. Câu hỏi chính ở đây là, liệu nước này có đủ điều kiện để chịu mức chi phí vận hành cao của một lớp chiến đấu cơ mạnh mẽ, hay buộc phải lắp đặt vũ khí hạt nhân trên mẫu Su-30, MiG-29 hay thậm chí chiến đấu cơ tấn công mặt đất Su-25?

Theo Military Watch