Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã khiến những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực leo thang. Các hãng truyền thông lớn của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang dùng sách lược cứng rắn để ép Mỹ đưa ra quyết định, có áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn ngặn những hành vi ngoan cố của Bắc Kinh trên biển Đông hay không.
Tuy nhiên cho dù nước Mỹ hòa hay chiến, có thể đều không thay đổi sự thật đang bày ra trước mắt mà Trung Quốc đã gây ra cho khu vực xảy ra tranh chấp.
Ngày 17/2, một bài phân tích trên tờ Chính sách ngoại giao (Foreign Policy) của Mỹ đưa tin, trong lúc tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo các nước ASEAN đang tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands (California), cơ quan quốc phòng của Đài Loan xác nhận thông tin Trung Quốc đã bố trí hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Điều này cho thấy cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Mỹ lại leo thang thêm một bậc, chứng tỏ Bắc Kinh không nhân nhượng mà vẫn khăng khăng giữ vững lập trường sai trái của họ, cũng không dừng các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên vùng biển tồn tại tranh chấp chủ quyền.
Bài viết nhấn mạnh, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 6/2016, tòa án quốc tế có trụ sở tại La-Hay (Hà Lan) có thể sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông của Philippines, quyết định chủ trương lãnh thổ “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) của Trung Quốc có hiệu lực hay không. Trước đó, Trung Quốc từng ngang nhiên ra yêu sách chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông và tuyên bố không công nhận tính pháp lý của Tòa án trọng tài quốc tế trong việc xét xử vụ kiện của Philippines dù Trung Quốc là nước đã phê chuẩn vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Một số chuyên gia dự đoán, phán quyết của tòa án quốc tế có thể sẽ có lợi cho Philippines, tuy nhiên điều này có lẽ sẽ không thể thay đổi những hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông, vì tòa án trọng tài quốc tế không có quyền thi hành pháp luật, ngay từ khi vụ kiện được đưa lên tòa án quốc tế, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố không thừa nhận tính pháp lý của tòa án.
Cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng nêu rõ, cộng đồng quốc tế buộc phải đoàn kết nhất trí, đưa ra một tiếng nói chung về phán quyết của tòa án quốc tế, mới có thể phát huy sức mạnh đôn đốc các bên trở lại với bàn đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông” (COC).
Ông Michael Green nói: “Chúng ta cần nghĩ xem làm thế nào để có thể ủng hộ các nước Đông Nam Á đã tuân thủ những quy phạm quốc tế, đặc biệt, tháng 6/2016, tòa án quốc tế có thể đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, đại đa số các chuyên gia đều cho rằng kết quả phán quyết có thể xác nhận, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi lí, không thể coi là cơ sở để đưa ra tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ. Tôi không cho rằng Mỹ, Nhật Bản hoặc EU bày tỏ lập trường về kết quả này, tuy nhiên nếu chúng ta có thể tập trung bày tỏ sự hoan nghênh đối với kết quả phán quyết của tòa án quốc tế thì đó sẽ là một các làm hết sức hiệu quả trong việc đôn đốc các nước quay trở lại với bàn đàm phán "Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông”.
Ông Green nêu rõ: “Nếu có một tiếng nói khiến Trung Quốc phải chú ý, danh dự của họ có thể sẽ bị mất đi vì không nghiêm túc thảo luận Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, đây chính là cách làm khiến họ phải trả giá cho danh dự của mình. Mặc dù chúng ta đều biết mọi người đều có một mục tiêu lý tưởng, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, anh có bắt được đối phương phải trả giá hay không.
Tôi cho rằng chúng ta làm được như vậy, đó chính là Mỹ, Nhật Bản và các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á buộc phải chấp nhận gánh chịu nhiều rủi ro hơn để áp dụng sách lược bắt đối phương (Bắc Kinh) phải trả giá. Điều này nghe có vẻ như mang tính chất ta – địch đối đầu, nhưng trên thực tế mục đích của nó là để thực thi pháp luật”.
Đối với việc Mỹ nên đối phó như thế nào với những thách thức do các hành vi cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông gây ra, ngày 17/2, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng nghị viện Mỹ, nghị sĩ Đảng cộng hòa John McCain cũng phát biểu thông cáo, kêu gọi chính quyền tổng thống Obama áp dụng hệ thống kiểm soát thường nhật có mức độ rủi ro cao, nâng cao cái giá mà Bắc Kinh buộc phải trả cho hành vi của họ, như thế mới có thể gây áp lực đối với những hành vi phi lý, ngang ngược của Bắc Kinh.
H.L