Tướng Việt Nam "bình" về đảo nhân tạo và thế trận Biển Đông

Trung tướng Phạm Xuân Thệ lý giải động thái của Úc khi đưa máy bay trinh sát tuần tra gần các đảo nhân tạo phi  pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù trước đó, nước này đã từng từ chối tuần tra chung với Mỹ ở khu vực này.
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo diện tích lớn với đường băng dài 3.000m
Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo diện tích lớn với đường băng dài 3.000m

Ngày 15/12 vừa qua, hãng tin BBC dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Úc xác nhận, nước này đã điều máy bay trinh sát P-3 Orion vào Biển Đông tuần tra cách khu vực một số đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc xây dựng từ 12 – 20 hải lý.

Thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Liệu rằng đây có phải là biểu hiện của việc thành lập 1 liên minh gồm cả Mỹ và Úc cùng làm đối trọng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông?

Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng LLVTND - nguyên Tư lệnh Quân khu I.

Tướng Việt Nam "bình" về đảo nhân tạo và thế trận Biển Đông ảnh 1

Máy bay trinh sát P-3 Orion của không quân Úc (Ảnh: Website không quân Úc).

Việc Úc chính thức đưa máy bay trinh sát vào tuần tra Biển Đông thời gian qua có làm cán cân lực lượng của các bên thay đổi không, thưa Trung tướng?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trước hết cần phải hiểu tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi.

Trong năm qua, riêng về mặt đối ngoại thì Trung Quốc đã phải hứng chịu rất nhiều những “cơn bão dư luận” xung quanh câu chuyện nước này cố tình bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi.

Để tiếp tục duy trì cái gọi là “yêu sách 9 đoạn” phi lý kia, Trung Quốc cũng không ngừng quân sự hóa các điểm đảo nhân tạo mà họ vừa bồi lấp ở Biển Đông cùng với một ngân sách khổng lồ cho việc này.

Việc Mỹ điều tàu chiến vào và mới đây, không quân Úc cũng đã xuất hiện tại vùng trời cách đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp chưa đầy 20 hải lý cũng đã nói lên sự tự do đi lại hàng hải, hàng không ở đây được thực thi.

Rõ ràng, với động thái mới này của Úc, cán cân lực lượng giữa các bên ở khu vực Biển Đông đã ít nhiều thay đổi khiến cho Trung Quốc phải dè chừng.

Mỹ - Úc vốn là cặp đồng minh thân cận từ trước. Cộng thêm cả cặp bài trùng Mỹ - Philippines, Mỹ - Nhật Bản nữa càng khiến cho cục diện ở khu vực này sẽ trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi lần lượt phải đối chọi với các đối trọng này.

Mặc dù Úc đã từng từ chối lời mời cùng tuần tra Biển Đông với Mỹ ngay sau sự kiện USS Lassen hôm 27/10, nhưng vừa rồi Úc lại đưa máy bay trinh sát ra khu vực này. Vì sao vậy, thưa ông?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Đó là một hành động thông minh của Úc!

Thời điểm này là lúc mà Trung Quốc đang gặp phải rất nhiều các chỉ trích của cộng đồng quốc tế về yêu sách biển đảo phi lý của mình.

Cộng thêm việc nước này đang bị đuối lý trước vụ kiện của Philippines về “Đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc ở Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại Hà Lan.

Phần lớn các chuyến đi của ông Tập Cận Bình từ Âu sang Á như Anh, Mỹ, Việt Nam hay mới nhất là Singapore, Philippines thì Trung Quốc đã không đạt được hiệu quả thực chất của mình.

Rõ ràng hơn cả, là ngay sau chuyến thăm của ông Tập đến Mỹ hồi tháng 9 thì tới cuối tháng 10, Mỹ điều khu trục hạm USS Lassen tuần tra vùng 12 hải lý cạnh đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Tướng Việt Nam "bình" về đảo nhân tạo và thế trận Biển Đông ảnh 2
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I.

Rồi chuyến thăm Singapore tháng 11 của lãnh đạo tối cao Trung Quốc cũng gần như không đạt được kết quả tích cực, khi mà mới đây Singapore cũng đồng ý cho máy bay do thám của Mỹ đồn trú tại nước này để thuận tiện cho việc bay tuần tra Biển Đông.

Rõ ràng, Trung Quốc đang vấp phải sự phản ứng từ nhiều phía. Tuy nhiên bộ máy truyền thông nước này vẫn tuyên truyền tới người dân của mình cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ từ xa xưa” và dọa sẽ “đòi lại” các đảo ở Biển Đông (?).

Theo Trung tướng, hình thái của một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông đã được Trung Quốc thiết lập ở thời điểm hiện tại hay chưa?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Với những phân tích ở trên, Trung Quốc vẫn chưa dám công khai với thế giới rằng họ chính thức lập ADIZ ở Biển Đông.

Nhưng, theo những gì mà hãng BBC họ miêu tả lại qua lời kể của phóng viên hãng này khi bay trên máy bay dân sự của Philippines trên Biển Đông thời gian qua, Trung Quốc đã đáp trả yếu ớt hoặc thậm chí không trả lời thông báo của máy bay trinh sát Úc về việc Úc bay trong không phận quốc tế và được luật pháp cho phép.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc cũng đã có phản ứng tương tự với sự kiện tàu chiến Mỹ vào Biển Đông hồi tháng 10. Tuy nhiên, nhìn vào các hành động này, Trung Quốc dường như đã có sự sẵn sàng cao độ cho các điều kiện cần thiết để thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Trung Quốc luôn dùng chiêu bài “Tằm ăn lá dâu, đi từng bước một” rồi độc chiếm Biển Đông. Ngặt nỗi, mặc dù qua các chuyến thăm tới một số nước vừa qua, Trung Quốc luôn lấy kế “dùng viện trợ để đổi lấy một thỏa thuận chính trị nào đó” nhưng lại phát huy hiệu quả rất ít.

Trong khi cả Mỹ, Úc đều có cho mình những điều kiện cần thiết, nhất là tính pháp lý cho các chuyến tuần tra bằng đường biển và đường không của mình. Thậm chí sắp tới đây, các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng muốn tạo ra sự ảnh hưởng của mình ở khu vực này và có các động thái tương tự.

Khi đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ ở vào thế vô cùng bất lợi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo PetroTimes