An toàn và rẻ, sáng chế y dược Việt Nam làm thế nào để thương mại hóa hiệu quả?

Các nhà nghiên cứu đã trao đổi kinh nghiệm về sáng chế, kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước, thúc đẩy thương mại hóa các sáng chế y dược hiệu quả.

Nghiên cứu của nhà khoa học “nội” an toàn, giá rẻ

Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam diễn ra chiều 18/12, do Trường Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN) và Hội sáng chế Việt Nam tổ chức, GS Trần Huy Thịnh - Trưởng phòng Quản lý KH&CN Trường ĐHYHN - cho rằng ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam đang có cơ hội phát triển chưa từng có trước những thách thức to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập sâu rộng.

GS Trần Huy Thịnh

Tại Diễn đàn, nhà khoa học Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng khoa Công nghệ môi trường (Học viện KH&CN), Phó Giám đốc trung tâm NC&PT Công nghệ Màng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã mang đến nghiên cứu quan trọng trong y tế.

TS Dung đã chia sẻ về tầm quan trọng của vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các chất kháng khuẩn trong bệnh viện phải nhập khẩu với giá cao, làm tăng chi phí điều trị. Sau dịch COVID-19 nhu cầu sử dụng chất kháng khuẩn tăng nhanh, 5-10%.

Trước thực tế này, TS Trần Thị Ngọc Dung đã nghiên cứu ra phức hệ SCP có phổ diệt khuẩn rộng với vi khuẩn và cả virus gây bệnh, tốc độ diệt khuẩn nhanh, hiệu quả kéo dài, chi phí giảm và an toàn, thân thiện môi trường.

Nhà khoa học Trần Thị Ngọc Dung

TS Dung cho biết Phức hệ SCP có thể ứng dụng rộng rãi trong y tế và chăn nuôi. Đề tài nghiên cứu của chị đã được cấp Bằng sáng chế và Bằng giải pháp hữu ích.

Bên cạnh đó, TS Dung còn nghiên cứu thành công phức hệ nano bạc - giải pháp hiệu quả trong điều trị vết thương khó lành ở người cao tuổi, như vết loét ở bệnh nhân tiểu đường, các vết thương hoại tử do vi khuẩn khó diệt, vi khuẩn kháng kháng sinh...

"Bộ sản phẩm chăm sóc vết thương từ phức hệ nano bạc đã được thử nghiệm hiệu quả tốt ở nhiều bệnh viện lớn như Việt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện Da liễu Trung ương …. 100% cụ cao tuổi bị các vết thương khó lành sử dụng nano bạc đều ổn định nhanh", TS Dung nói.

TS Dung hy vọng Diễn đàn sẽ là cấu nối để các doanh nghiệp thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của chị, sớm đưa vào phục vụ rộng rãi ở các bệnh viện. Điều này sẽ giúp giảm chi phí điều trị vì trên thị trường, băng gạc diệt khuẩn đều phải nhập khẩu và có giá cao.

Bí quyết để thương mại hoá hiệu quả các nghiên cứu

Tại diễn đàn, các diễn giả cũng tập trung thảo luận về các vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ và khai thác các sáng chế.

Diễn đàn cũng tạo kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước; thúc đẩy thương mại hóa các sáng chế với việc góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Y dược và công nghệ sinh học Việt Nam trên thế giới, đồng thời, tạo ra những kết nối quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Trao đổi tại diễn đàn về kinh nghiệm để thương mại hoá hiệu quả các nghiên cứu khoa học, ông Lưu Hải Minh, đại diện một công ty công nghệ nano ứng dụng trong Y dược cho biết đơn vị vừa được Mỹ trao bằng sáng chế độc quyền cho công thức dung dịch nano chứa Curcumin mang lại hiệu quả trong điều trị bỏng, làm lành vết thương, hỗ trợ cải thiện cấu trúc da.

Ông Lưu Hải Minh

Theo ông Hải Minh, công ty của ông là đơn vị đầu tiên điều chế thành công các hạt nano có kích thước nhỏ nhất hiện nay (20-50nm). Các nghiên cứu khoa học, lâm sàng đã chứng minh nano hóa giúp tăng cường sinh khả dụng của các loại hoạt chất lên gấp nhiều lần.

“Khi được Mỹ cấp bằng sáng chế thì được nhiều người hỏi mua. Do đó, cần hướng đến sáng chế Mỹ mới bán được”, ông Minh chia sẻ kinh nghiệm.