Hội nghị về công tác ghép mô - tạng ở Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức với chủ đề "Ghép mô - tạng: Triển vọng và thách thức" được tổ chức hôm nay (6/12), với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được và chia sẻ kinh nghiệm để định hướng phát triển.
Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật ghép tạng
Theo TS Dương Đức Hùng - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức - hơn 20 năm qua, BV đã khẳng định vai trò tiên phong trong ghép mô - tạng ở Việt Nam.
Tháng 4/2002, BV đã tiến hành ca ghép thận đầu tiên ở người. Đến nay, sau 22 năm, BV hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tim, gan, phổi, thận, đa tạng, ghép mô, đặc biệt là những kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao, phối hợp liên chuyên khoa, trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu của cả nước. Đến nay BV đã chuyển giao kỹ thuật cho trên 10 BV.
Sau 22 năm, BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 2.060 ca ghép thận, 137 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi cùng hàng ngàn ca ghép mô (xương sọ, mạch máu, gân, sụn, màng tim, mô thần kinh, khí quản...). BV đã phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp chết não hiến tạng.
“Đó là kết quả của sự cố gắng không ngừng trong lĩnh vực ghép mô -tạng của đội ngũ thầy thuốc trong BV nhiều thập kỷ qua”, ông Hùng khẳng định.
Hơn 40 báo cáo tại hội thảo đã đưa ra cái nhìn tổng quát, đánh giá lại kết quả đạt được cũng như những thách thức và giải pháp trong tương lai của chuyên ngành ghép mô - tạng.
Theo đó, trình độ kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã đạt tầm thế giới, nhưng khó khăn vẫn là nguồn tạng. Các chuyên gia cũng thảo luận về những rào cản để có giải pháp cho phát triển ghép tạng.
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, Bộ Y tế hiện chưa quy định giá cho phẫu thuật ghép tạng, nên người bệnh BHYT chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi theo Luật BHYT, do khó thanh toán với cơ quan bảo hiểm.
Hiện cơ quan bảo hiểm xã hội đang vận dụng thanh toán BHYT theo cách thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng thực tế cho bệnh nhân ghép tạng. Do đó, các chuyên gia đề nghị Hội Ghép tạng Việt Nam đề xuất với Bộ Y tế ghép tạng là dịch vụ kỹ thuật cần được xây dựng giá.
Bên cạnh đó, quyền lợi của người cho tạng cũng cần được điều chỉnh vì hiện nay, thẻ BHYT chỉ được cấp miễn phí sau khi người cho tạng đã làm xong các thủ tục cho tạng, tức là đã ra viện. Do vậy, các chi phí khi người cho tạng vào viện để phẫu thuật lấy tạng hiến, chưa được thanh toán.
Hơn nữa, người cho tạng vẫn phải cùng chi trả 20% khi khám, chữa bệnh BHYT nên khó khuyến khích việc hiến tạng. Vì thế, Bộ Y tế cần xem xét đưa vào quy định và nâng mức hưởng lên 95 hoặc 100%, để đảm bảo quyền lợi người cho tạng, nhằm khuyến khích việc hiến tạng.
Giám đốc Dương Đức Hùng được trao thêm nhiệm vụ
Tại hội nghị quan trọng này, GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội giữ chức Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.
Điều này không chỉ là ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến liên tục của TS Dương Đức Hùng trong lĩnh vực ghép tạng, mà còn tạo điều kiện để hoạt động ghép tạng ở BV phát triển mạnh hơn.
Hơn 30 năm qua, ông Hùng đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhiều ca ghép tạng quan trọng như ghép tim, gan, thận, khí quản… với tỷ lệ thành công cao, góp phần khẳng định uy tín và vị thế của y học Việt Nam trên thế giới.
Ngoài công tác điều trị, TS Dương Đức Hùng còn tích cực tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực kế cận chất lượng cao cho ngành ghép tạng.
Đặc biệt, TS Hùng hiểu rõ vai trò quan trọng của việc đăng ký hiến tạng để tạo nguồn tạng ghép bền vững, nên chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của hiến tạng sau khi qua đời, cũng như việc xây dựng các chính sách phù hợp cho công tác tư vấn đăng ký hiến tạng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nhận nhiệm vụ, TS Dương Đức Hùng bày tỏ đây không chỉ là niềm vinh dự cá nhân, mà còn là một trách nhiệm lớn lao với cộng đồng. Ông Hùng cam kết cùng các đồng nghiệp tiếp tục cống hiến hết mình để mang lại cơ hội sống tốt hơn cho người bệnh.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình ghép tạng bền vững, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia vào hành động ý nghĩa này. Bởi sự phát triển của ngành ghép tạng không chỉ nằm ở kỹ thuật y học tiên tiến, mà còn cần sự đồng hành của xã hội trong việc nâng cao nhận thức về hiến tạng, nhằm tạo cơ hội cải thiện chất lượng sống cho hàng ngàn trăm người bệnh hiểm nghèo đang chờ cơ hội sống” - tân Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam chia sẻ.