"Ngay từ khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, tôi luôn xác định: phải coi nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính bản thân mình, cần có chuyên môn, tay nghề vững vàng, tích cực đổi mới phong cách và thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, tận tụy với nghề để cứu giúp người bệnh", Mai bắt đầu câu chuyện về nghề nghiệp của mình.
Khu điều dưỡng tâm thần nay là Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội là nơi Mai lựa chọn để gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình.
Ai đã từng đến đây tiếp xúc với những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại nơi đây có lẽ đều có chung một suy nghĩ, họ là những người "làm dâu trăm họ” vì vừa phải yêu thương, tâm lý vừa phải trách nhiệm và hơn hết là phải có đạo đức nghề nghiệp vì luôn đối mặt với những khó khăn, vất vả, lây nhiễm bệnh tật ...
"Với 15 năm được tiếp xúc, chăm sóc và gắn bó với người bệnh tâm thần tôi thấy họ rất đáng thương và cần rất rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của mọi người xung quanh. Bệnh nhân của tôi khi vào trung tâm điều trị với nhiều lý do khác nhau, những tất cả họ đều có điểm chung là mang bệnh lý tâm thần kinh.
Họ không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân, thường xuyên bị mất kiểm soát và có những hành vi gây ra mối nguy hiểm cho những người xung quanh. Khi được khám và dùng thuốc chuyên khoa kết hợp trị liệu phục hồi chức năng thì những triệu chứng của bệnh tật giảm dần đi. Từ đó họ có thể tìm lại được những ký ức trong quá khứ của mình", Mai bày tỏ.
Theo thống kê không ít những người bệnh ở đây đã có cơ hội trở về tái hoà nhập cộng đồng sống và làm việc như một người bình thường. Khi được sống trong môi trường yêu thương, quan tâm chia sẻ của người thân, họ đã có cơ hội làm lại cuộc đời. Tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, cảm thấy mình là người có ích cho xã hội.
Vừa bấm móng tay cho bệnh nhân cô vừa nói, tôi thấy rằng hiện nay người bệnh tâm thần vẫn đang phải chịu sự kỳ thị của một số người trong xã hội, điều đó khiến họ cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình.
Mỗi người trong xã hội cần có sự đồng cảm sẻ chia với người mắc bệnh tâm thần. Họ cần được đối xử công bằng, được sự quan tâm chăm sóc và động viên của gia đình. Khi được sống trong sự yêu thương thì mọi tác nhân của bệnh tật đều có thể vượt qua được.
Do đặc thù công việc nên hàng ngày những cán bộ chăm sóc trực tiếp thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần trong đó có bệnh nhân kích động, yếu liệt, mắc các bệnh truyền nhiễm, HIV và đặc biệt là bệnh nhân lao hay lao kháng thuốc.
Mắt thấy tai nghe, chúng ta mới cảm nhận và sẻ chia với những vất vả thầm lặng, áp lực nguy cơ lây nhiễm cao bất cứ lúc nào của đội ngũ y sĩ, điều dưỡng ở trung tâm, không phải ai cũng có tinh thần dũng cảm để tiếp xúc với họ huống chi là chăm sóc.
Với những bệnh nhân cần sự chăm sóc đặc biệt buộc người chăm sóc không được phép lơ là, bỏ qua bất cứ biểu hiện, thay đổi bất thường nào của bệnh nhân dù là nhỏ nhất.
Đã có một số cán bộ của trung tâm dù không chăm sóc trực tiếp bệnh nhân lao nhưng vẫn mắc bệnh, để thấy rằng ở đây nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao... Thế nhưng cán bộ nơi đây, trong đó có Mai đã gạt đi những rào cản, lấy tình thương, trách nhiệm, sự nhiệt huyết với công việc để đem lại bữa ăn, giấc ngủ cho những con người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.
Bệnh nhân không chỉ điều trị bệnh bằng thuốc chuyên khoa tâm thần mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của họ bằng sự tôn trọng, không kỳ thị, kiên nhẫn, thấu cảm đặt mình vào vị trí của họ để hiểu tâm trạng, sự lo lắng, bức xúc của người bệnh...
Mai bảo: "Những ngày đầu khi mới chuyển đến Khoa chăm sóc bệnh nhân lao, biết phải tiếp xúc thường xuyên với họ, tôi cũng rất lo sợ lây nhiễm bệnh vì tôi có 2 con nhỏ.
Chứng kiến nhiều bệnh nhân lao luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm, tự ti sợ bị kỳ thị, xa lánh, tôi nghĩ mình càng phải gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm với họ. Bởi nếu ai cũng sợ sẽ không có ai cứu chữa cho những bệnh nhân lao này".
Hằng ngày lúc 7h sáng như một thói quen, Mai đeo khẩu trang y tế và bắt đầu vào khoa kiểm tra từng buồng bệnh. Từ những phòng chăm sóc bệnh nhân lao kháng thuốc cách ly đặc biệt đến những phòng chăm sóc bệnh nhân yếu liệt. Cô ân cần hỏi han bệnh nhân xem tối qua có ngủ được không, sáng nay có ăn được không?
Mai là người lúc nào cũng đến sớm nhất, dặn dò tỉ mỉ từng bệnh nhân , để họ không được bỏ thuốc, bỏ quá trình điều trị, nhắc nhở chế độ ăn uống. Bệnh nhân ở khoa thường gọi y sĩ Mai là "cô Mai", mỗi khi mệt mỏi hay ốm đau là lại chỉ muốn cô Mai khám bệnh cho.
Những bệnh nhân lâu không được người nhà lên thăm là tâm trạng buồn bực, khó chịu và cảm giác như mình bị bỏ rơi... Những lúc như thế, Mai lại phải làm công tác tư tưởng với bệnh nhân vì sợ họ tự ti và có hành vi nguy hiểm tự hủy hoại bản thân. Rồi theo dõi sát sức khỏe, chế độ sinh hoạt hàng ngày và cho bệnh nhân tham gia đọc sách, chơi trò chơi hay kể những câu chuyện cười để họ quên đi nỗi nhớ nhà...
Cùng với đó là cô trao đổi với người thân để gia đình dành chút thời gian lên thăm bệnh nhân hoặc gọi điện thoại qua video để giải tỏa tâm tư cho người bệnh.
Công nghệ và truyền thông đã giúp trung tâm rất nhiều, khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra, trung tâm đã phải tạm dừng các hoạt động, thực hiện chế độ trực dịch nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Lúc đó họ phải sử dụng đến công nghệ thông tin để thực hiện việc giao ban, hội chẩn và trao đổi thông tin về công tác chăm sóc quản lý người bệnh. Họ dùng công nghệ thông tin để tìm hiểu những nội dung về bệnh Covid 19, từ đó áp dụng thực tế vào nhiệm vụ tại trung tâm.
Bên cạnh đó truyền thông thời gian vừa qua giúp họ kết nối rộng rãi đến tất cả mọi người trên khắp mọi miền tổ quốc về các hoạt động của Trung tâm, qua đó giúp cho những gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần có thể tìm hiểu và tin tưởng lựa chọn được nơi để gửi gắm người thân của mình… Nhờ vào truyền thông đã tìm được rất nhiều người thân cho những bệnh nhân vô gia cư, giúp nhiều gia đình được đoàn tụ với người thân sau nhiều năm xa cách, mất liên lạc.
Mấy người nhà của bệnh nhân bảo, cô Mai luôn ân cần, cởi mở, hoà nhã thân thiện với bệnh nhân như người ruột thịt của mình. Ngoài liều thuốc điều trị giảm đau thì những lời nói động viên nhẹ nhàng của cô là liều thuốc tinh thần giúp người nhà chúng tôi thêm sức..."chiến đấu" chống bệnh tật
Tận tụy chăm sóc bệnh nhân như thế song với tinh thần ham học hỏi và cầu thị, cô luôn lắng nghe đồng nghiệp đi trước để tích lũy thêm những kinh nghiệm thực tiễn và thường xuyên cập nhật kiến thức mới để nâng cao năng lực chuyên môn của mình để người bệnh được điều trị cách tốt nhất có thể.
Với đặc thù bệnh nhân lao phải cách ly đặc biệt và sức khỏe yếu nên các hoạt động hàng tuần đều được cô lên lịch cụ thể. Bệnh nhân được cô hướng dẫn vệ sinh cá nhân như đánh răng rửa mặt hàng ngày, tự gập chăn màn, tập các bài thể dục dưỡng sinh, tập yoga. Ngoài ra cô còn cùng bệnh nhân đọc sách, chơi cờ vua, cá ngựa hay cùng bệnh nhân xem các tin tức thời sự trên tivi.
Bệnh nhân tâm thần họ còn có cơ hội phục hồi, thuyên giảm và được trở về với gia đình chứ bệnh nhân lao thì khó.
Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng đòi hỏi người chữa bệnh không chỉ bằng những viên thuốc mà còn bằng liệu pháp tâm lý để chữa lành căn bệnh trong tâm hồn họ. Bệnh nhân có người ổn định khi uống thuốc đều đặn hàng ngày nhưng cũng có những bệnh nhân lúc tỉnh, lúc mê và có thể kích động bất cứ lúc nào nhưng khi ổn định là họ hiền lành và sống rất tình cảm.
Công việc vất vả, nguy hiểm là thế nhưng cô không ngần ngại cũng không nản lòng hay muốn từ bỏ công việc mình đang gắn bó.
"Trong thời gian làm việc có rất nhiều những câu chuyện về người bệnh làm tôi không thể quên được. Câu chuyện làm tôi nhớ nhất là của một bệnh nhân nữ, tên Lưu khoảng 60 tuổi. Bệnh nhân được phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Bệnh viện trả về vì không thể chữa trị, bệnh nhân không có chồng con, chỉ có 1 người chị gái, gia đình cũng rất hoàn cảnh. Thời gian bệnh nhân bị bệnh phải chịu nhiều cơn đau, hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần.
Tôi như nghẹn lại và có lẽ hôm ấy sẽ là một ngày rét nhất trong những ngày rét của mùa đông. Tôi đỡ bà nằm xuống giường, giọng bà yếu đi, rồi cứ thế bà lịm dần trên tay tôi. Chúng tôi đã nhanh chóng cấp cứu nhưng bà đã không qua khỏi.
Khi chứng kiến bệnh nhân mình chăm sóc gắn bó hàng ngày rồi mất trên tay mình, thật sự tôi đã không cầm nổi nước mắt. Dẫu biết sinh ly tử biệt là quy luật của cuộc sống, bệnh tật là điều không ai mong muốn.
Công việc của chúng tôi là vậy, có lần phải chứng kiến những câu chuyện sinh ly tử biệt”- Mai nói trong nước mắt... Còn mấy bệnh nhân ở cạnh bảo ở đây chúng tôi được yêu thương và chúng tôi coi trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của mình!
Ngôi nhà thứ 2 đầy tình thương và sự ấm áp ấy đang chăm sóc gần 700 bệnh nhân tâm thần.
Tâm sự về nghề nghiệp, Mai chia sẻ: "Mình làm ở Tổ điều trị lao, ở khu cách ly đặc biệt, cán bộ làm cùng cơ quan thì hiểu và cảm thông chứ ra ngoài mà mình bảo mình chăm sóc bệnh nhân lao thì ai cũng tránh rồi cảm giác như kiểu kỳ thị mình ấy.
Nhưng mình kệ, mình quen rồi, dù có mắc bệnh nghề nghiệp thì cũng là không may, cố gắng phòng tránh và tự bảo vệ bản thân mình nhưng không vì thế mà tránh né hay kỳ thị bệnh nhân.
Họ mang trong mình bệnh tâm thần đã thiệt thòi rồi nhưng mắc bệnh lao còn thiệt thòi hơn gấp nhiều lần, vừa phải dùng thuốc chuyên khoa vừa phải dùng thuốc điều trị lao. Ngày nào cũng phải quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt nhất là những hôm thời tiết thay đổi".
Công việc vất vả thường xuyên phải trực đêm, chồng thì làm trong quân đội và hay vắng nhà nhưng cô luôn cố gắng sắp xếp, cân bằng công việc và cuộc sống. Dành thời gian chăm lo cho gia đình, dạy các con học hành. Một gia đình hạnh phúc, con cái học giỏi chăm ngoan.
Đoàn Thị Ngọc Mai là một ngọn lửa truyền cảm hứng cho rất nhiều người, sưởi ấm những cuộc đời bất hạnh và làm cho cuộc đời thêm đẹp thêm vui... vì "mọi thứ rồi sẽ qua đi chỉ còn tình người ở lại".