Căn bệnh của người cao tuổi
Đó là một trong rất nhiều bệnh nhân bị Alzheimer mà Ths.BS Nguyễn Văn Hải - (Phòng M8, Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai) đã và đang điều trị.
Gia đình cho biết, bà cụ sống cùng con trai cả, cuộc sống gia đình hòa thuận. Nhưng mấy năm gần đây, bà cụ thường nấu cơm quên bật nút, quên uống thuốc huyết áp, nhưng lại kể đi kể lại các câu chuyện thời xưa cũ, rồi lại chẳng nhớ mình vừa nói gì.
Càng ngày, bà cụ càng quên nhiều hơn, đi ra ngoài không nhớ đường về, quên cả tên con cháu trong nhà lẫn những đồ vật quen thuộc, hay năm sinh, địa chỉ của mình. Bà thường cất kỹ tiền nhưng không tìm lại được và nghi ngờ con dâu lấy.
Ba tháng nay, bà luôn cho rằng có người đến ăn cắp đồ đạc trong nhà, nên mang vào nhà khóa chặt cửa. Vài ngày bà cụ lại đòi thay khóa 1 lần, nhiều đêm không ngủ để trông đồ. Bà thường khuyên con trai chuyển nhà, vì bảo có trộm rình rập.
Trước những biểu hiện ngày càng nặng, người nhà đã đưa cụ vào Viện SKTT để khám và bác sĩ chẩn đoán cụ bị sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer.
Alzheimer thường khởi phát âm thầm
Ở Việt Nam, những bệnh nhân như bà cụ trên có tới nửa triệu người trên 60 tuổi. Tỷ lệ người bệnh gặp các triệu chứng suy giảm nhận thức của sa sút trí tuệ ở Việt Nam khá cao, chiếm 14-46% người trên 60 tuổi.
Thông tin này được TS.BS Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng phòng Sức khoẻ Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ Viện SKTT - cho biết tại hội nghị về bệnh Alzheimer do Viện SKTT tổ chức chiều nay, 9/12.
Theo WHO, mỗi năm, thế giới có gần 10 triệu ca mắc sa sút trí tuệ, trong đó, Alzheimer chiếm 60-70%, nhưng 3/4 không được chẩn đoán, trong khi đây là nguyên nhân tử vong thứ 7 và là nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật hàng đầu ở người cao tuổi.
TS Mai cho hay Alzheimer thường khởi phát âm thầm, nên nhiều người không nhận ra mình mắc, hoặc nhầm với dấu hiệu quên nhớ do lão hóa tự nhiên. Theo thời gian, trí nhớ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và tạo nên gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hút thuốc lá có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn 30%
TS Mai chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết sớm Alzheimer: Bệnh nhân thấy khó khăn trong việc nhớ các sự kiện mới xảy ra, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày, quên tắt bếp khi nấu ăn…; giảm tập trung, chú ý, giảm vốn từ, giảm sự lưu loát khi nói và viết…
“Sử dụng rượu, bia, thuốc lá, lười vận động, cô lập xã hội, ô nhiễm không khí, trầm cảm và tuổi tác là những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh Alzheimer. Người mắc Alzheimer cũng tăng đáng kể theo tuổi: Tỉ lệ mắc ở độ tuổi 65 -74 chiếm 5%, từ 75-84 chiếm 13,1% và tăng lên 33,3 % ở những người từ 85 tuổi trở lên” - TS. Mai nhấn mạnh.
Phụ nữ có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn nam giới. Những người thiếu hoạt động thể chất có nguy cơ phát triển bệnh hơn.
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ Alzheimer cao hơn 30% so với những người không hút thuốc lá. Hút thuốc càng nhiều thì nguy cơ càng cao.
Tăng huyết áp, tăng cholesterol toàn phần, mất ngủ, căng thẳng kéo dài, bị cô lập, cũng là yếu tố nguy cơ sa sút trí tuệ Alzheimer.
Làm gì để phòng, tránh?
“Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh Alzheimer. Một số người cho rằng uống thuốc bổ thần kinh để phòng bệnh này, nhưng hiện chưa có kết luận thống nhất. Do đó, thận trọng khi sử dụng vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây xuất huyết não” - TS. Mai khẳng định.
Khi người thân hay bản thân có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị bệnh, cần đi khám để phát hiện càng sớm càng tốt, được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần tư vấn và điều trị làm chậm tiến triển của bệnh. Chủ động tầm soát sa sút trí tuệ định kỳ sẽ kiểm soát nguy cơ gây bệnh hiệu quả, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi.
TS Mai khuyến khích mọi người tích cực tham gia các hoạt động xã hội, duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè để giúp giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.
Bên cạnh đó, tập luyện thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, học tập liên tục, đọc sách báo, trò chơi giải ô chữ và giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress, căng thẳng … sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ. Bởi các nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn cao có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ đến 7%. Việc học tập có thể làm tăng “dự trữ nhận thức” giúp cơ thể đối phó với những tác hại của bệnh Alzheimer.
Chuyên gia tâm lý Bùi Văn Toàn khuyến cáo: Khi gia đình có người bị Alzheimer, cần tạo môi trường hoà thuận để giảm bệnh và kích hoạt não, hành vi của bệnh nhân. Gia đình cũng cần chấp nhận thực tế để đồng hành điều trị. Không chữa được dứt điểm bệnh nhưng thuốc và hoạt động hợp lý sẽ giúp cải thiện.