Nguyên nhân nội tại bị bỏ quên
Nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư ở các bệnh viện công, lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu Quốc hội đều chỉ ra 3 nguyên nhân gồm vướng mắc về hành lang pháp lý, nguồn cung trên thế giới bị xáo trộn và tâm lý sợ sai của các bệnh viện.
Đầu tiên, thiếu thuốc do Luật Đấu thầu không phù hợp và khi có Luật Đấu thầu sửa đổi thì chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, rồi Luật Đấu thầu 2023 mới có hiệu lực từ 1/1/2024, đến tháng 10/2024 đã phải trình Quốc hội sửa đổi.
Bên cạnh đó, việc biến động giá cả, nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế sau dịch COVID-19 trên thế giới bị ảnh hưởng, làm tăng cao chi phí đầu vào, cũng là nguyên nhân tác động.
Ngoài ra, “dư chấn” của vụ kit test Việt Á gây tâm lý lo ngại ở các BV, nên cũng dẫn đến tình trạng không dám đấu thầu, mua sắm.
Cả 3 nguyên nhân trên đều đúng nhưng vì sao chỉ có BV công mới thiếu thuốc và vật tư, còn BV ngoài công lập lại không như vậy?
Còn một điểm nghẽn khác quyết định nguồn cung dược phẩm, vật tư y tế ở Việt Nam có dồi dào hay không, chính là cách quản lý của Bộ Y tế, mà trực tiếp là Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Dược cổ truyền và Cục Cơ sở hạ tầng - Trang bị y tế. Các đơn vị này là “cửa ngõ” quyết định việc thuốc, vật tư vào Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Y tế ra sức tìm nguyên nhân để giải quyết việc thiếu thuốc, vật tư, nhưng không biết rằng các đơn vị tham mưu trong lĩnh vực này cũng là nguyên nhân làm hẹp nguồn cung thuốc, vật tư y tế trên thị trường.
Khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, giám đốc một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội nói rằng: “Lâu nay thiếu thuốc, thiếu vật tư toàn đổ hết cho các BV, khổ thân chúng tôi lắm!”
Thực tế, từ sau dịch COVID-19, thiếu thuốc và vật tư kéo dài khiến bệnh nhân khốn khổ lao đao. Thế nhưng tỷ lệ hồ sơ quá hạn trong lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế rất cao, kéo dài nhiều năm, trở thành một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị, vật tư y tế.
Cơ quan quản lý nhà nước bất chấp quy định
Các doanh nghiệp cung cấp thuốc, vật tư đã bị “hành” theo đúng nghĩa. Trong khi Chính phủ chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính, thì có những quy định đã bãi bỏ từ năm 2021, nhưng đến 2024, Cục Quản lý Dược vẫn bắt doanh nghiệp phải thực hiện. Hồ sơ đúng quy định, nhưng vẫn bắt bổ sung, thậm chí phải bổ sung cả những thứ không có trong quy định.
Chứng từ không dùng tiền mặt không liên quan đến việc kê khai giá thuốc nhưng Cục Quản lý Dược vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung. Có tới 8 lần Cục này gửi văn bản cho một doanh nghiệp yêu cầu cùng một nội dung “bổ sung hồ sơ cắt giảm các chi phí không cần thiết” không có trong quy định. Có doanh nghiệp 3 lần bị yêu cầu rà soát lại giá CIF kê khai liền kề trong khi giá CIF doanh nghiệp kê khai lần đầu đã phù hợp với giá nhập khẩu tại Tờ khai hải quan.
Hồ sơ khi chuyển sang bước rà soát giá đều bị Cục Quản lý Dược yêu cầu bổ sung, trong khi theo quy định, hồ sơ đã được chuyển sang bước này là đã đủ thành phần.
Con số 72% hồ sơ yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung của Cục Quản lý Dược và 65% của Cục Quản lý Dược cổ truyền là minh chứng cho sự lạm quyền, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Việc không tuân thủ nguyên tắc FIFO (hồ sơ nộp trước giải quyết trước) trong giải quyết thủ tục ở Cục Quản lý Dược đã tạo sự bất công bằng, thiếu minh bạch, dẫn đến cơ chế xin - cho. Để làm gì, chắc ai cũng hiểu!
Giải quyết hồ sơ chậm trễ, kéo dài, vượt quá thời hạn là hành vi bị cấm của cán bộ, công chức nhưng ở Cục Quản lý Dược, số hồ sơ giải quyết quá hạn lên tới trên 70%. Với cách làm việc kiểu này, làm sao doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn cung thuốc?
Còn tại Cục Cơ sở hạ tầng và Trang bị y tế, hồ sơ cũng quá hạn 2-4 năm, trong khi quy định chỉ là 3 ngày làm việc. Nhiều trường hợp thuộc loại cấp nhanh, vẫn bị Cục Cơ sở hạ tầng và Trang bị y tế yêu cầu bổ sung hồ sơ các giấy tờ không đúng quy định.
Cách làm việc như thế này không chỉ gây phiền hà, mà còn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết pháp luật của lãnh đạo các cục này cũng thể hiện rõ khi tham mưu ban hành nhiều văn bản sai thẩm quyền, không đúng quy định pháp luật, tạo rào cản phát triển kinh tế, y tế.
Đặc biệt, số hồ sơ tồn đọng thực tế với con số báo cáo Chính phủ khác nhau một trời một vực đã cho thấy sự thiếu trung thực. Hệ luỵ nó của nó rất lớn vì Chính phủ cần những con số đúng thực tế để đưa ra chính sách phù hợp. Sự gian trá sẽ làm cho chính sách xa rời thực tế.
Với hàng loạt vi phạm gây tác động lớn đến an sinh xã hội, đặc biệt là hoạt động khám, chữa bệnh vốn vô cùng nhạy cảm, việc xử lý nghiêm những người liên quan cần phải được thực hiện ngay. Không thể chấp nhận tình trạng “làm thì láo, báo cáo thì hay”, và đặc biệt là trong khi lãnh đạo bộ tìm cách giải quyết vướng mắc, thì cấp tham mưu “đâm ngang lưng” bằng những hoạt động đi ngược lợi ích của nhân dân.