Bệnh nhân ghép gan từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn 10 năm, bệnh nhân được ghép gan từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam đã từ ranh giới sinh tử trở thành người khoẻ mạnh, lao động bình thường.

IMG_4706.JPG
Ông Trần Ngọc Thanh vui mừng gặp lại 2 ân nhân: PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (bìa phải) và TS Dương Đức Hùng (bìa trái)

Ca ghép lịch sử

Năm 2010, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghép gan từ người chết não cho ông Trần Ngọc Thanh (khi đó 45 tuổi, ở Điện Biên). Đây là ca ghép gan đầu tiên từ người chết não cho được thực hiện thành công ở Việt Nam.

Sau 14 năm, bệnh nhân trở lại bệnh viện, gặp lại 2 bác sĩ thực hiện ca ghép ngày đó là PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và TS Dương Đức Hùng, hiện là Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Hiện cả hai bác sĩ đều đã trở thành những chuyên gia ghép tạng của Việt Nam.

VT_ ca ghep 2000.jpg
Ca ghép gan từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2010. Ảnh: Dương Đức Hùng

Gặp lại “tác phẩm đầu tay” về ghép tạng của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vui mừng khi thấy ông Thanh hoàn toàn khoẻ mạnh, vẫn làm thợ hồ, hái cà phê, lên nương làm rẫy.

Theo PGS.TS Quyết, năm 2010, ông Thanh bị bệnh suy gan giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong cận kề, chỉ có ghép gan mới có cơ hội sống. Vì thế, khi có ca hiến tạng, ông Quyết đã quyết định tiến hành ca ghép gan dù đối mặt với nhiều thử thách như trang thiết bị phục vụ ghép tạng còn thiếu thốn, chưa có kinh nghiệm trong tổ chức ghép tạng.

Khi đó, ghép gan là một trong những kỹ thuật ghép phức tạp bậc nhất bởi các mạch máu cực nhỏ, việc nối ghép vô cùng khó khăn. Trong khi ca hiến tạng từ người chết não nên bị động, mọi công đoạn chuẩn bị cho ca ghép đều rất khẩn trương, từ việc xét nghiệm máu, các chỉ số cho bệnh nhân, đến chuẩn bị phòng mổ, đòi hỏi sự phối hợp rất nhịp nhàng trước, trong và sau ca ghép của toàn bệnh viện.

“Để chuẩn bị cho việc ghép tạng, chúng tôi đã phải gửi các ekip phẫu thuật viên ra nước ngoài đào tạo, đầu tư trang thiết bị, để có thể ghép khi có tạng” - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kể lại.

Ca ghép đặc biệt do PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trực tiếp ghép và TS Dương Đức Hùng tham gia ghép đã thành công sau 5 giờ 20 phút và trở thành tâm điểm của báo giới khi đó, bởi đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tạng thế giới.

Ghép gan trở thành thường quy, rút ngắn thời gian ghép

Trước đó, Việt Nam đã có một số ca ghép gan nhưng đều từ người cho sống và là người cùng huyết thống. Vì thế, thành công của ca ghép hoàn toàn do các bác sĩ Việt Nam thực hiện, đã khẳng định các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được cả những kỹ thuật khó trong ghép tạng và mang lại hy vọng cho trên 23.000 người có nhu cầu ghép gan khi đó.

Trao đổi với VietTimes, TS Dương Đức Hùng chia sẻ 14 năm trước, khi tiến hành ca ghép gan đầu tiên từ người chết não, chúng tôi phải tiến hành nhiều cuộc họp, bàn bạc kỹ càng, cân nhắc từng tình huống. Khi đó, khó khăn bộn bề, bởi trang thiết bị y tế hiện đại còn thiếu, kinh nghiệm ghép chưa có, nên ca ghép kéo dài gần 5 tiếng rưỡi.

1.JPG
Ông Trần Ngọc Thanh lao động bình thường sau ca ghép gan 14 năm trước.

"Kế thừa những thành quả ban đầu mà PGS Quyết đã tạo ra, chúng tôi không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại và tiếp tục nâng cao trình độ kỹ thuật ghép tạng, nên giờ đây, thời gian ghép gan đã rút ngắn từ 5 giờ 20 phút còn khoảng 4 giờ. Đặc biệt, việc ghép gan đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giúp tái sinh cho nhiều bệnh nhân", TS Dương Đức Hùng nói.

Về phía ông Thanh, gặp lại 2 ân nhân, người đàn ông này xúc động nói rằng không thể tin bản thân có thể sống khỏe mạnh suốt 14 năm qua. Kết quả các lần tái khám đều cho thấy sức khoẻ của ông ổn định, chỉ phải sử dụng thuốc thải ghép liều thấp.