Hội thảo khoa học về Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh học do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Tập đoàn nghiên cứu tái tạo, môi trường, Y tế (Merro) Nhật Bản tổ chức, đã khai mạc sáng nay, 24/11.
Tại hội thảo, GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - bày tỏ: “Hội thảo khoa học về Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh học là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực Y học. Hội thảo đã hội tụ được các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam cũng như Nhật Bản trong các lĩnh vực khoa học Y học mũi nhọn của thế kỷ 21, như Y học cơ sở, Y học cộng đồng và Y học lâm sàng".
“Đây là cơ hội đặc biệt quan trọng, là cầu nối, mở ra triển vọng hợp tác to lớn giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực Y học, làm phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống sâu sắc phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước” - GS. Văn khẳng định.
Theo bà Atsuko Matsuoka - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Merro, hội thảo là diễn đàn học thuật để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và điều trị của hai nước chia sẻ các kiến thức, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh học - lĩnh vực rất phát triển và đạt được rất nhiều thành tựu to lớn ở Nhật Bản.
Qua đó, định hướng phát triển Kỹ thuật và Công nghệ Y sinh học trong y tế với mục tiêu ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hai nước.
Ông Watanabe Shig - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - hy vọng, thông qua hội thảo với các công trình nghiên cứu mới về ung thư và đột quỵ là những vấn đề liên quan đến cả Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác giữa 2 nước, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, sẽ chặt chẽ và bền vững hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Trường Đại học Y Hà Nộivà Tập đoàn Merro với các nội dung khoa học phù hợp định hướng ưu tiên của Chính phủ và của ngành Y tế Việt Nam và “tin rằng thông qua hội thảo, các nhà khoa học của hai nước cùng trao đổi chia sẻ ý tưởng và các kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất cho Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan các định hướng phát triển Công nghệ Y sinh với mục tiêu ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân hai nước” - Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Cũng trong sáng nay, hội thảo do GS. Masahiro Sokabe - Viện Công nghệ Kanazawa và GS. Tạ Thành Văn đồng chủ trì, đã mở đầu với bài giảng đặc biệt của GS. Mitshuhito Mase - Giám đốc Bệnh viện Đại học TP Nagoya về “Quy trình điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính tại Trung tâm đột quỵ nguyên phát và các tiến bộ của sinh lý học não tuỷ”.
Lĩnh vực y học tái tạo là một trong những nội dung trọng tâm của hội thảo. Đây là hướng nghiên cứu ứng dụng được các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm trong những năm qua, khi có rất nhiều thành tựu trong việc sử dụng công nghệ tế bào, các sản phẩm sinh học... sửa chữa, phục hồi các tổn thương của tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể giúp phục hồi và nâng cao sức khoẻ.
Có 9 báo cáo khoa học do 11 báo cáo viên trình bày tại hội thảo, chia sẻ những kinh nghiệm mới nhất trong hoạt động nghiên cứu: Công nghệ vật liệu Y sinh học của GS. Yasuhiko Tabata (Viện Khoa học Y học và sự sống Đại học Kyoto); Y học tái tạo não dựa trên công nghệ thúc đẩy sự di chuyển của tế bào thần kinh của GS.TS Kazunobu Sawamoto (Trường Khoa học Y học, Đại học thành phố Nagoya, Khoa Sinh học thần kinh phát triển và tái tạo, Viện Khoa học Não bộ); Cơ chế thúc đẩy tín hiệu ATP ngoại bào trong sinh lý và bệnh lý của GS.TS. Masahiro Sokabe (Phòng thí nghiệm Hệ thống Thông tin Con người Viện Công nghệ Kanazawa); Ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư của GS. Trần Huy Thịnh - Phó trưởng Bộ môn Hoá sinh Trường Đại học Y Hà Nội.
Một trong những nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội hợp tác với Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe toàn cầu Nhật bản (NCGM) triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Lạm dụng chất và HIV, Phòng khám SHP, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, là nghiên cứu đánh giá tuân thủ uống PrEP trong nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV của PGS. Lê Minh Giang cũng được trình bày tại hội thảo.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và thông qua hợp tác với NCGM củng cố thêm giá trị những đóng góp này.
Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi hợp tác và phát triển của các nhà khoa học là cựu học viên, cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó, có 40 giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ tại Nhật Bản.
Hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, với sự tham gia của các nhà khoa học danh tiếng thuộc Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Bệnh viện Đại học Nagoya, Viện Công nghệ Kanazawa, Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Khoa học và Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Ngài Watanabe Shige - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tham dự cùng bà Atsuko Matsuoka - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Merro; GS. Yasuhiko Tabata của Đại học Kyoto, Giám đốc Tập đoàn Merro.
GS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội; ông Phạm Xuân Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - đã tham dự.
Ảnh: Hữu Linh