Chính trường Nhật Bản vốn không có nhiều sự bất ngờ, nhưng sự trỗi dậy của ông Yishihide Suga – Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản – thì lại đầy bất ngờ và là câu chuyện tạo cảm hứng cho nhiều người.
Là con trai của một nông dân trồng dâu tây và là giáo viên đến từ vùng nông thôn phía Bắc Nhật Bản, ông Suga là một trong số ít những nhà lập pháp hàng đầu Nhật Bản không xuất thân từ một gia tộc chính trị ở nước này. Hiện ở độ tuổi 71, ông còn lớn tuổi hơn Thủ tướng Shinzo Abe – người bất ngờ tuyên bố từ chức vào cuối tháng 8 vừa qua do vấn đề sức khỏe.
Trong hôm 14/9, ông Suga đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Chủ tịch mới của đảng Dân chủ Tự do (LDP), điều chắc chắn sẽ giúp ông trở thành tân Thủ tướng của Nhật Bản. Qua sự kiện này, người ta đã chứng kiến những kỹ năng chính trị tuyệt vời của ông mà trước đây ít ai để ý bởi vai trò nhà điều hành “đứng sau hậu trường” của ông.
“Câu chuyện nhanh chóng tập trung vào ông Suga, điều này cho thấy sự nhạy bén chính trị của ông” – Mereya Solis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á, thuộc Viện Brookings ở Washington, nhận định.
Nhưng vai trò “thế lực sau hậu trường” của ông trên chính trường Nhật lại khiến ông trở thành một ẩn số. Theo nhiều cách, ông dường như giống như nhiều chính trị gia khác ở Nhật Bản. Những thông tin mới nhất trong giới truyền thông Nhật gần đây cho thấy ông Suga là người không bao giờ sử dụng rượu bia, năng tập luyện thể thao. Trên website cá nhân, ông nói rằng ông thích đi câu cá sông và luyện karate.
Masashi Yuri, một người bạn học của ông Suga, giơ tấm ảnh chụp hai người lúc 15 tuổi (Ảnh: Reuters)
|
Thêm nữa, nhiều người vẫn chưa nắm được tầm nhìn của ông Suga đối với Nhật Bản, hay liệu ông có thể đưa ra những giải pháp mới để ứng phó với những thách thức của đất nước hay không.
“Thông thường, các chính trị gia ít nhất cũng phải đưa ra những ý tưởng của mình” – Megumi Naoi, giáo sư khoa học chính trị thuộc ĐH California, nhận định – “Nhưng ông Suga chưa thực sự đưa ra những chính sách mạnh mẽ”.
Phản ánh nhiều năm sát cánh cùng Thủ tướng Abe với vai trò cố vấn trung thành, ông Suga hứa hẹn sẽ tiếp tục theo đuổi một số mục tiêu đầy hứa hẹn của ông Abe trong thời gian tới đây. Ông được cho là tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật và thúc đẩy việc trả tự do cho các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc.
Ông cũng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi công thức kinh tế điểm nhấn của ông Abe, có tên gọi “Abenomics” – chính sách kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng chi tiêu của chính phủ và cải cách cấu trúc các ngành công nghiệp.
Trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, từ đại dịch COVID-19 cho tới các mối đe dọa địa chính đang tăng ở châu Á, người kế nhiệm ông Abe tiếp tục theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm có thể là điều mà người dân Nhật đang cần.
“Nhật Bản không phải một quốc gia thường xuyên xuất hiện cải cách mang tính cách mạng” – Christina L. Davis, Giám đóc chương trình quan hệ Mỹ-Nhật thuộc ĐH Harvard, nói – “Đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng và bất chắc. Được đánh giá là người kiểm soát được khủng hoảng sẽ là lợi thế”.
Thủ tướng Abe và ông Suga trong năm 2014 (Ảnh: Reuters)
|
Mặc dù tuyên bố sẽ theo đuổi các chính sách dưới thời Abe, nhưng ôn Suga thực tế là người luôn thúc đẩy sự đổi mới. Ông nhận được sự tín nhiệm nhờ giúp ông Abe thông qua các bộ luật an ninh cho phép quân đội Nhật tham gia các sứ mệnh ở nước ngoài. Uy tín của ông cũng tăng cao sau khi thúc đẩy một dự luật – được thông qua cách đây 2 năm – cho phép tăng số lao động nước ngoài tới Nhật làm việc.
Có một câu hỏi lớn được nhiều nhà quan sát đặt ra là: Ông Suga sẽ tại vị trong bao lâu? Liệu ông sẽ tại vị tạm thời hay sẽ tiếp tục làm Thủ tướng sau kỳ tổng tuyển cử…điều đó có lẽ còn phụ thuộc vào cách giải quyết những thách thức mà Nhật đang phải đối mặt, như đại dịch COVID-19, Thế vận hội Tokyo bị trì hoãn và căng thẳng đang tăng với Trung Quốc.
Có nhiều đồn đoán rằng ông Suga sẽ kêu gọi bầu cử sớm ngay sau khi trở thành Thủ tướng. Nếu thành công, ông có thể làm tăng tỷ lệ ủng hộ của mình. Còn nếu không, ông “có thể chỉ là một lãnh đạo lâm thời”; Kenji Hijino, Giáo sư luật tại ĐH Kyoto, nhận định; “và có thể sẽ xuất hiện một gương mặt thu hút, trẻ tuổi hơn trong cuộc tổng tuyển cử”.
Mặc dù ít khi xuất hiện, nhưng ông Suga vẫn nhận được sự tín nhiệm của người dân Nhật (Ảnh: Reuters)
|
Còn ở hiện tại, người dân Nhật ủng hộ ông Suga, với hơn 50% những người tham gia vào cuộc thăm dò toàn quốc thực hiện trong tuần trước nhất trí với việc ông trở thành Thủ tướng.
Mặc dù cử tri Nhật xem ông Suga và Abe không khác gì một “bộ đôi”, nhưng thực ra xuất thân của họ lại rất khác biệt. Ông Abe là chính trị gia thế hệ thứ ba và là cháu của một Thủ tướng; trong khi ông Suga sinh trưởng ở vùng nông thôn tỉnh Akita, cùng với 2 người chị gái và 1 người em trai.
“Ông ấy lặng lẽ đến nỗi ít ai để ý tới ông ấy” – Hiroshi Kawai, một hướng dẫn viên du lịch làm việc tại quê nhà của ông Suga, thành phố Yuzawa, nói với New York Times – “Chúng tôi thường có câu “một con chim ưng khôn ngoan luôn giấu móng vuốt”. Giờ tôi nhận ra rằng câu nói này dành cho ông Suga”.
Theo bản tiểu sử viết bởi Isao Mori, cha của ông Suga ban đầu muốn ông làm việc trong trang trại của gia đình, nhưng ông quyết định chuyển tới Tokyo. Ông nhận rất nhiều công việc, ban đầu là tại một công ty sản xuất bìa và sau đó lái xe tải tại chợ cá nổi tiếng Tsukiji, trước khi nhập học trường ĐH Hosei.
Khi ông quyết tâm theo đuổi sự nghiệp chính trị, trong khi không có mối quan hệ nào, ông đã yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho mình một thành viên trong Quốc hội.
Ngôi nhà thời niên thiếu của ông Suga tại làng Akinomiya, Yuzawa, tỉnh Akita (Ảnh: Reuters)
|
Năm 1975, ông Suga nhận công việc thư ký cho Hikosaburo Okonogi, một thành viên của Hạ viện đến từ Yokohama, thành phố lớn thứ hai ở Nhật. Trách nhiệm của ông Suga lúc đó chỉ là đi mua thuốc lá và đậu xe.
Tại đây, ông nhanh chóng học được cách hình thành khu vực bầu cử ủng hộ mình. Theo tiểu sử của Isao Mori, vào lễ cưới của ông Suga với vợ mình là bà Mariko và năm 1980, một người ủng hộ ông Okonogi nói rằng ông đã mua tặng ông Suga một đôi giày, bởi ông Suga “thay giày liên tục” vì đi bộ gõ cửa từng nhà để thăm cử tri trong khu vực.
Ông Suga có 3 người con trai, nhưng trong một cuộc tranh luận hồi tuần trước, ông thừa nhận rằng con cái ông ít khi ở nhà bởi chúng đang trưởng thành.
Năm 1987, ông chạy đua giành ghế Hội đồng thành phố Yokohama, nơi mà ông trở nên nổi tiếng với danh hiệu Thị trưởng “bóng tối” của Yokohama. Ông đã giúp phát triển các tuyến đường giao thông nối tới cảng và thúc đẩy giảm thời gian chờ đợi tại các trung tâm chăm sóc ở thành phố.
“Cứ như thể ông ấy có 4 tay và 4 mắt vậy” – Koichi Fujishiro, cựu chủ tịch Hội đồng thành phố Yokohama nói với New York Times – “Ông ấy làm việc từ sáng sớm đến tối muộn”.
Vào năm 1996, ông Suga có bước đột phá khi tham gia vào chính trị quốc gia, giành được một ghế trong Hạ viện. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Abe (2006-2007), ông Suga giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông. Ngay cả khi ông Abe rời nhiệm sở sau nhiều vụ bê bối ở thời điểm đó, ông Suga vẫn trung thành với ông.
Để tưởng thưởng cho lòng trung thành đó, khi trở lại vị trí Thủ tướng năm 2012, ông Abe đã lựa chọn ông Suga làm Chánh Văn phòng Nội các. Theo Kenya Matsuda, tác giả cuốn “Quyền lực bóng tối: Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga”, ông Suga đã thúc giục ông Abe tập trung vào kinh tế nước nhà thay vì các chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa như nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Abe tặng hoa ông Suga sau cuộc bỏ phiếu ngày 14/9 (Ảnh: Reuters)
|
Năm ngoái, ông Suga đã có những bước đi đầu tiên ra khỏi bóng tối. Khi chính phủ Nhật chính thức công bố tên của triều đại mới (Reiwa), chính ông Suga là người giơ cao tấm bút pháp, và sau được người dân đặt biệt danh là “Ông chú Reiwa”.
Ông Suga cũng thúc đẩy đứa con tinh thần của mình, đó là một hệ thống cho phép người dân quyên góp tiền cho chính quyền địa phương để đổi lấy những món quà. Nhiều chính quyền ở các thị trấn nhỏ, tuy nhiên, lại thất thoát tiền vì chi quá nhiều vào các món quà như thịt bò Wagyu hay tôm hùm tươi tặng người dân, nhiều hơn mức họ thu được từ các khoản quyên góp.
Về chính sách ngoại giao, ông Suga đã nỗ lực làm việc để đạt được thêm nhiều thành tựu. Năm ngoái, ông tới thăm Washington, đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một Chánh văn phòng Nội các Nhật tới Mỹ trong vòng 3 thập kỷ.
Đối vưới ông Abe, ngoại giao cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump là điều rất quan trọng. Nếu ông Trump tái đắc cử, câu hỏi đặt ra sẽ là “liệu ông Suga có thể tạo nên điều kỳ diệu, hay tình anh em giữa ông Trump và ông Abe sẽ không được lặp lại một lần nữa”; theo nhận định của ông Solis, Viện Brookings.