Ông Abe cho hay ông đã hứng chịu sự tái phát của một chứng bệnh kinh niên và kể từ giữa tháng 7 năm nay, sức khỏe của ông đã bắt đầu suy giảm, khiến ông mất đi rất nhiều năng lượng và sức khỏe.
“Tôi đã phải vật lộn với chứng bệnh của mình và cần phải được điều trị. Sức khỏe không tốt không nên gây ảnh hưởng tới các quyết định chính trị” – Thủ tướng Abe nói trong một cuộc họp báo được đài truyền hình NHK phát sóng trực tiếp.
Ông Abe cũng cho hay ông sẽ tiếp tục làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo cho đến khi giới lãnh đạo trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông tổ chức cuộc bỏ phiếu nội bộ để lựa chọn người kế nhiệm ông, và sau đó ông sẽ vẫn là một nhà lập pháp. Một cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm sau.
“Tôi không tự tin đáp lại lòng tin của người dân một khi đang phải đối phó với chứng bệnh của mình cùng quá trình điều trị, và sức khỏe của tôi hiện không tốt” – ông Abe nói – “Tôi gửi lời xin lỗi từ sâu thẳm trong tim vì dù nhận được sự ủng hộ của người dân Nhật, tôi vẫn phải rời khỏi vị trí này trong khi nhiệm kỳ của tôi vẫn còn một năm nữa, ngay trong bối cảnh virus corona”.
Gần 8 năm trên cương vị Thủ tướng của ông Abe được đánh dấu bằng một Chính phủ ổn định cùng một chính sách pha trộn giữa kích thích tài chính và tiền tệ mà người ta thường gọi là “Abenomics”. Ông Abe đã giúp Nhật Bản thoát khỏi vòng luẩn quẩn lạm phát, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nỗ lực cải thiện các mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.
Mặc dù quan hệ song phương với Bắc Kinh có cải thiện, nhưng các Bộ trưởng trong nội các của ông Abe và đảng LDP vẫn đưa ra quan điểm khá cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vấn đề Hong Kong. Nhật cũng đã bắt đầu hỗ trợ các nhà sản xuất nhằm đa dạng hóa hoạt động, bớt phụ thuốc vào Trung Quốc.
Trong hôm 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng việc ông Abe từ chức là vấn đề nội bộ của Nhật và Trung Quốc sẽ không đưa ra bình luận gì. Ông nói thêm: “Trung Quốc sẵn lòng thúc đẩy sự phát triển trong mối quan hệ Trung-Nhật”.
Giới phân tích nói rằng tân Chủ tịch của đảng LDP – người sẽ chính thức được đề cử chức Thủ tướng tại Quốc hội và nắm giữ vị trí này cho đến khi nhiệm kỳ của ông Abe kết thúc – rất có khả năng sẽ duy trì chính sách “Abenomics” nhưng họ lại không tự tin về sự lâu dài của chính sách này.
Sự đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Abe cùng việc ông sắp từ chức đã trỗi dậy kể sau 2 lần ông phải nhập viện, lần đầu tiên là vào ngày 17/8 và lần thứ hai chỉ cách đó 1 tuần lễ. Vị Thủ tướng 65 tuổi đã phải chống chọi với căn bệnh viêm đại tràng suốt nhiều năm, và chính căn bệnh này từng buộc ông phải chấm dứt nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên vào năm 2007, chỉ sau 1 năm đảm nhiệm chức vụ.
Ông trở lại nắm quyền vào năm 2012, nói rằng ông sẽ kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe nhờ vào thuốc men. Tháng trước, nhiều báo cáo cho rằng ông Abe nôn ra máu, kéo theo nhiều câu hỏi về việc ông ít xuất hiện trước công chúng. Ngoài ra, có nhiều lời chỉ trích nói rằng chính quyền của ông kiểm soát không tốt đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, người được ông Abe tin tưởng, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vẫn khẳng định rằng Thủ tướng dự kiến sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí của mình và tiếp tục là Chủ tịch đảng cho tới khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 9 năm sau.
Còn theo giới chuyên gia, việc ông Abe từ chức không có gì là bất ngờ với giới lãnh đạo đảng LDP, mặc dù họ luôn khẳng định rằng ông vẫn khỏe mạnh. “Chúng ta đã chứng kiến thấy điều tương tự, vào thời điểm vài ngày trước khi ông ấy từ chức lần đầu tiên trong năm 2006, bởi vậy lần này không có gì là ngoài dự kiến của đảng LDP” – ông Go Ito, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị thuộc ĐH Meiji, nhận định.