Xúc tiến chuyển đổi số, giảm mạnh những cuộc họp liên miên, lê thê trong nhà trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Họp, họp nữa, họp mãi. Họp đã chiếm hầu hết thời gian đầu tư chuyên môn và gây nên áp lực tâm lý nặng nề cho giáo viên mà không thật sự mang lại hiệu quả đáng kể. "Họp" chính là thứ sức ì lớn bậc nhất của bộ máy giáo dục.
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Việt Nam ta có lẽ là một một “cường quốc họp hành”. Riêng trong giáo dục, mỗi tháng có 1 cuộc họp hội đồng, 2 cuộc họp tổ chuyên môn; rồi họp chi ủy, chi bộ, chi đoàn, họp công đoàn, họp riêng từng bộ phận với Hiệu trưởng, họp trước khi thi, họp sau khi thi, họp ra đề, họp chấm bài, họp đánh giá, họp bất thường. Cứ hở ra là họp, nếu chia đều thì không tuần nào trong năm mà giáo viên không phải tham gia vài cuộc, họp đến không còn thời gian cho giáo viên đọc sách hay đầu tư chuyên môn nữa.

Nội dung họp thì nghèo nàn, nặng tính giáo điều và mệnh lệnh hành chính; cung cách tổ chức một chiều, áp đặt ý chí của người lãnh đạo lên nhân viên và cấp dưới; các buổi họp thường mang tính chất của những cuộc chỉnh huấn, phê bình kỷ luật, “chỉ đạo” chứ hiếm khi là một cuộc bàn bạc đúng nghĩa của chữ “họp”.

Trong một trường học, việc "lãnh đạo, tổ chức thực hiện" công tác giáo dục có nhiều điểm đặc biệt.

Thứ nhất, dứt khoát phải có tổ chức Đảng, gọi là chi bộ, và chi bộ ấy đóng vai trò lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường. Trong chi bộ lại có chi ủy (khoảng 3 - 7 người) là những Đảng viên hiện đang nắm giữ các vị trí chủ chốt của nhà trường. Thường thì bí thư chi bộ cũng là hiệu trưởng nhà trường, tức kiêm luôn quản lý chuyên môn (mặc dù “hiệu phó chuyên" môn vẫn có, nhưng phần nhiều như câu nói đã thành sản phẩm văn hóa dân gian: “phó cho có”).

Để triển khai công việc trong từng tháng (hoặc năm học), quy trình như sau: đầu tiên là họp chi ủy, ra nghị quyết; rồi mang nghị quyết ấy ra họp chi bộ; họp chi bộ xong thì mang nghị quyết của chi bộ ra họp Hội đồng sư phạm (toàn thể giáo viên và công nhân viên).

Cái hay thứ nhất là nội dung của cả 3 cuộc họp này thường không có thay đổi gì đáng kể, nếu không nói là thường y sì đúc nhau.

Cái hay thứ 2 là nội dung của các cuộc họp này đều do một người soạn ra – Bí thư chi bộ kiêm Hiệu trưởng nhà trường.

Cái hay thứ 3 là mỗi cuộc họp sẽ là đọc cái văn bản soạn sẵn ấy (có thể có diễn giải thêm). Các nội dung khác trong cuộc họp có thể có, như quy định việc các bộ phận trong nhà trường báo cáo tình hình hoạt động "trong thời gian qua". Nhưng thường là hình thức, qua loa đại khái hoặc thiếu tính khách quan công bằng. Dung lượng áp đảo là phần của vị hiệu trưởng: đọc, diễn giải, chì chiết, nắn gân, hăm dọa...

Ba cái "hay" này dẫn cho ta thấy cái hay thứ 4: về thực chất, mọi hoạt động của một nhà trường đều nằm trong ý chí của một người. Như thế, cả ngàn học sinh và cả trăm giáo viên thực ra cũng là phiên bản của một người ấy. Nay có thể gọi là F1, F2 cũng được.

Gọi là "họp" nhưng thực chất chỉ là tập trung lại để nghe một người "chỉ đạo" chứ thường không có bàn luận tranh luận hay thảo luận gì cả. Điều kỳ lạ nữa, là nếu với kiểu họp như vậy tại sao không "ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục" bằng cách mail cái văn bản ấy của hiệu trưởng cho từng giáo viên hoặc post lên group của nhà trường? Nó khỏe, và đỡ tốn kém tiền bạc công sức biết bao nhiêu!

Ở đây có những cái vô lý cần điều chỉnh ngay nếu muốn "đổi mới giáo dục" thành công:

Thứ nhất, hoạt động chuyên môn về bản chất là một lĩnh vực khoa học khách quan, mà khoa học thì không thể phụ thuộc vào ý muốn và “định hướng” được. Tôn trọng sự thật mới là cốt tủy của khoa học. Nên việc lấy "lập trường" để "lãnh đạo" khoa học trong nhà trường là rất mâu thuẫn và sẽ làm trì trệ các hoạt động phát triển trí tuệ của cả người học lẫn người dạy. Cần phải tách rời sao cho chuyện chính trị và khoa học được độc lập với nhau, càng nhiều càng tốt. Khi khoa học và giáo dục phát triển thì đất nước giàu mạnh, văn minh, thể chế sẽ vì thế mà nhận được thêm nhiều sự tin tưởng và yêu quý của nhân dân.

Thứ hai, khi quyền lực ở nhà trường tập trung một cách tuyệt đối trong tay một cá nhân thì sẽ sinh ra tình trạng mất dân chủ. Phương châm tốt đẹp "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" sẽ không có đất sống trong thực tế. Những tệ nạn và tiêu cực trong giáo dục nhà trường cũng như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội cũng đều từ đây mà ra cả. "Phân công lại quyền lực" trong nhà trường là việc cần làm ngay, không thể chậm trễ nếu muốn vực dậy nền giáo dục của chúng ta. Phân cấp quản lý với việc tự trị chuyên môn phải được tiến hành gấp rút. Hiệu trưởng hay hiệu phó không thể có quyền can thiệp một cách thô bạo vào chuyên môn của tổ bộ môn và giáo viên được. Làm như thế mới chính là trả lại sự tôn nghiêm cho người thầy. Vị trí hay sự "cao quý" của nghề giáo không nằm trong các bài diễn văn hay trong các buổi lễ mít tinh kỷ niệm ồn ào; nó chỉ có thể hiện diện trong một cấu trúc và cơ chế vận hành tiến bộ.

Nhìn vào các cuộc họp trong nhà trường giúp ta hiểu được cơ chế vận hành, vị trí của chuyên môn, mức độ dân chủ và tình trạng quan liêu. Cũng nhìn vào các cuộc họp mà ta biết được mức độ tự chủ, tự lập và vị thế của người thầy. Cái gì đang dẫn dắt một cơ sở giáo dục, chương trình hay ý chí cá nhân của lãnh đạo cơ sở? Làm thế nào để họp thật ít và họp đúng nghĩa (bàn bạc, thảo luận công khai dân chủ)?

Họp và nhiều việc vô bổ khác nữa đã không những chiếm hết thời gian của giáo viên sau giờ lên lớp mà còn gây căng thẳng triền miên cho họ bởi những áp lực vô hình nhưng khủng khiếp của thanh tra, kiểm tra, nhũng nhiễu, hạch sách... “Giáo viên không đọc sách” không phải không có lý do, chính những “việc không tên” kiểu này đã khiến đội ngũ “tinh hoa” này của xã hội ngày càng cùn nhụt, trì trệ và thấp kém đi.

Cần một cơ chế quản lý giáo dục năng động, cởi mở với nhiều niềm tin hơn đặt vào giáo viên. Xây dựng một cơ cấu quyền lực trong nhà trường có tính kiểm soát nội bộ bằng cách độc lập hóa công đoàn và trao quyền nhiều hơn cho giáo viên, đồng thời giao tài chính lại cho một bên thứ 2 nắm giữ. Minh bạch hóa tất cả các hoạt động của nhà trường bằng một trách nhiệm giải trình trước các tổ chức và trước xã hội.

Họp càng nhiều chứng tỏ mức độ chuyên quyền càng lớn, song song với chuyên môn càng lép vế. Nó còn chứng minh cho sức ì của bộ máy, vì ì ạch nên phải họp liên miên để đẩy cỗ máy ấy nhích lên. Nhà nước cần có quy định bằng văn bản về việc “cấm họp”; hãy tận dụng chuyển đổi số trong công tác điều hành giáo dục, không thể thời đại 4.0 mà cách làm thì “0.4” như thế được nữa. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp, tự tôn nhân phẩm của giáo viên phải được xây dựng bằng một cơ chế hiện đại, đó mới là biện pháp giảm họp hành một cách bền vững và mang lại hiệu quả thật sự cho nền giáo dục.