Từ yêu cầu mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thẳng tay dẹp bỏ nạn văn mẫu !

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Văn mẫu" là một trong những thứ có sức tàn phá dữ dội nhất đối với chất lượng môn văn trong nhà trường phổ thông của Việt Nam nhiều thập kỷ qua. Việc "chấm dứt" nó là một yêu cầu đúng đắn và cấp thiết.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đăng tải quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân: “Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”.

Status này chuyển tải một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng trong hội nghị nêu trên. Điều đặc biệt là việc ông đã sử dụng mạng xã hội (Facebook) để chia sẻ, lan tỏa những quan điểm và quyết sách quan trọng trong ngành giáo dục. Điều ấy tạo nên một cảm giác về sự “gần dân”, về “tính quần chúng” và cả sự kịp thời trong việc nắm bắt thông tin, chia sẻ giải pháp nơi một chủ thể lãnh đạo luôn được nhân dân chú ý nhiều nhất – lãnh đạo ngành Giáo dục.

Nội dung status là đề cập trực tiếp tới “nạn” văn mẫu trong nhà trường phổ thông hiện nay, với yêu cầu mạnh mẽ và thẳng thắn bằng 2 chữ “chấm dứt” ngắn gọn mà quyết liệt. Chúng tôi nghĩ, việc Bộ trưởng sử dụng Facebook cá nhân để chuyển tải thông điệp này cũng đã là một biểu hiện của việc thay đổi “văn mẫu” trong phương cách điều hành và quản trị giáo dục. Nó là một trong những tín hiệu mang hy vọng về những sự cởi mở và tâm thế đổi mới nơi những yếu nhân của ngành.

Văn mẫu, đúng vậy, từ lâu đã góp phần không nhỏ vào việc tàn phá môn Văn trong nhà trường của chúng ta. Chữ “mẫu” có 2 nghĩa chính: là một thứ quy cách, khuôn khổ đại diện cho hàng loạt cái giống nó; là một thứ mực thước, tốt đẹp dùng để làm gương (mẫu mực). Có lẽ, sự phê phán về nạn văn mẫu chủ yếu là nhắm vào nghĩa thứ nhất của từ này. Đúng, điều ấy cần được minh định để không gây ra những tranh cãi không cần thiết.

Nếu sự hiểu không đủ minh bạch, không phân ranh rạch ròi thì rất dễ sa vào một cực đoan khác: sổ toẹt mọi thứ “kinh điển”, coi thường những áng văn chương mẫu mực, khinh bạc trước những lời hay ý đẹp vốn đã thành lý tưởng chung cho việc sử dụng ngôn từ trong một cộng đồng bản ngữ.

Đáng tiếc, không ít người đang có thái độ cho rằng chấm dứt nạn văn mẫu thì đồng nghĩa với việc không cần học thuộc lòng thi phú văn chương gì nữa. Nhận thức này hết sức sai lầm và nguy hại. Với trẻ thơ và con người nói chung, sự tiếp xúc đầu tiên là tiếp xúc ngôn ngữ, tâm hồn được nuôi dưỡng trong ngôn ngữ; việc học thuộc lòng những câu thơ, những bài văn tinh túy chính là một cách nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp khả năng biểu đạt. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng sa sút của lời ăn tiếng nói nơi lớp trẻ ngày nay không phải chỉ là do sự nhồi nhét văn mẫu mà còn do sự không thuộc văn chương tinh tuyển. Không có nhiều học sinh đã tốt nghiệp THPT bây giờ mà thuộc lòng khoảng vài chục bài thơ hay ca dao truyền khẩu, đó thực sự là một tình trạng đáng báo động.

Cái “văn mẫu” cần tiễu trừ khỏi học đường chính là những thứ khuôn sáo, là những quy cách cứng nhắc, là những “cái mẫu” vô hồn vô cảm nhưng lại được cho là “chuẩn”; nó là những bài văn in nhan nhản trong các sách “bộ đề”, “cẩm nang”, “học tốt” v.v. do các các thầy cô giáo hoặc các giáo sư tiến sĩ soạn ra để bán lấy tiền.

Bộ trưởng đề nghị “thầy cô chúng ta cùng điều chỉnh”, đúng vậy, nhà giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc thay đổi này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng vấn nạn văn mẫu không phải là một sản phẩm tự phát nảy sinh trong học đường. Một trong những căn nguyên của nó là do cách thi cử nặng tính trói buộc, chủ yếu “tái hiện kiến thức” vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. Vì thế, chỉ có thể thay đổi triệt để tình trạng này khi đổi mới đề thicách chấm thi – mà việc ấy lại phụ thuộc nhiều hơn vào tư duy và cách làm của Bộ chủ quản trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá.

Chúng tôi thiết nghĩ, đối với môn Văn, ngoài những thông tin đòi hỏi tính chính xác thì việc “đúng/sai” cần phải dần được giảm trừ trong tiêu chí đánh giá. Chấm văn là chấm cái quan điểm của học trò, chấm lập luận logic chặt chẽ, chấm cách sử dụng ngôn từ v.v., chứ không thể đứng trên tinh thần sai/đúng để “đếm ý cho điểm” được nữa. Vì rõ ràng, ngay trong Chương trình 2018 cũng đang theo đuổi việc dạy học phát triển năng lực, theo đuổi tư duy độc lập và đầu óc phản biện của người học chứ không phải để kiểm tra trí nhớ của học sinh!

Muốn “chấm dứt” nạn văn mẫu, hãy chấm dứt việc coi một quan điểm nào đó là chân lý tuyệt đối. Sai lầm là một trong những “quyền” của con người, và sự trưởng thành chính là một quá trình “thử và sai” liên tục không dừng nghỉ. Chúng ta phải chấp nhận cả những cái nhìn phiến diện, những nhận định non nớt của học trò đúng với lứa tuổi của các em; để từ đó, tham gia vào hành trình trưởng thành của người học.

Tư duy làm giáo dục này sẽ vừa cho chúng ta cơ hội để làm người dẫn dắt (chứ không phải người ra lệnh và quản thúc); vừa bảo lưu và phát triển được cá tính cho học sinh, đặng tạo nên những thế hệ tráng kiện về tinh thần và khí chất; từ đó mà dựng xây xã hội, kiến thiết quốc gia bằng chính những phẩm tính giàu có, khỏe mạnh và lành mạnh trong mỗi cá nhân.