Xét tuyển bằng học bạ: sai đâu sửa đó chứ không nên hô hào vứt bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xét tuyển bằng học bạ đang bộc lộ những bất cập và tác động tiêu cực lên hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy có nên bỏ hình thức này hay cần tìm giải pháp tích cực hơn?
Tỷ lệ tốt nghiệp của Đại học Bách khoa HN - Ảnh We25.vn
Tỷ lệ tốt nghiệp của Đại học Bách khoa HN - Ảnh We25.vn

Việc xét tuyển đại học bằng học bạ đang gây ra những phản ứng nhiều chiều từ dư luận, có người cả quyết rằng “cần dừng ngay” việc này vì những hệ lụy và hậu quả của nó từ nạn xin điểm, chạy điểm, gây mất công bằng, tạo ra nhiều hậu quả đối với hệ thống giáo dục quốc dân.

Chúng tôi cũng đồng ý rằng có những hiện tượng tiêu cực ấy, và nó đang tác động tiêu cực lên nền giáo dục. Tuy nhiên việc dừng hay không dừng lại cần phải tính toán trên nền tảng của tư duy hệ thống chứ không thể chỉ “chữa triệu chứng” mà được.

Phần lớn các nước có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới đều không có xu hướng thắt chặt đầu vào. Mô hình đào tạo của họ là chóp nón, rộng cửa vào và hẹp cửa ra; nôm na là vào dễ ra khó. Tất nhiên “vào dễ” không có nghĩa là tùy tiện, là xin điểm, mua điểm, mà luôn phải đảm bảo công bằng, nghiêm túc, nhưng đó là một câu chuyện khác và xin được bàn sau.

Trở lại, tại sao lại có đề xuất ngưng xét tuyển bằng học bạ? Vì những tiêu cực của nó ư? Chúng ta phải xem xét mấy điểm sau đây: (i) xét tuyển bằng học bạ có đúng về nguyên tắc và có kích thích được chất lượng giáo dục phổ thông hay không?; (ii) những vấn đề tiêu cực của học bạ có thể giải quyết được không bằng những cách khác? Nếu bản thân việc xét tuyển bằng học bạ là tốt về nguyên tắc căn bản thì phải tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại của nó, chứ không phải vứt bỏ; sai ở đâu thì sửa đó. Một cành nhánh bị sâu thì không nên đốn bỏ cây. Nếu cứ chưa hoàn hảo là bỏ thì mãi mãi chúng ta cũng chẳng có được một phương án tuyển sinh nào bền vững và chất lượng cả.

Vấn đề không phải là bỏ hình thức xét tuyển học bạ mà phải có biện pháp quản lý chất lượng giáo dục phổ thông. Tư duy “giỏi toàn diện” phải được nghiêm túc nhìn nhận lại, việc phân luồng phải làm từ sớm để học sinh có đủ điều kiện theo đuổi đam mê và định hướng nghề nghiệp. Khi người ta học có mục đích và có đam mê thì chất lượng sẽ “thật”. Bên cạnh đó, trường đại học không thể phó mặc cho trường phổ thông khi xét tuyển bằng học bạ.

Tại sao các trường đại học lớn của thế giới có thể đánh giá sinh viên đầu vào rất chuẩn bằng một bài luận gửi từ bất cứ đâu trên thế giới mà không ai giám sát việc học sinh đã viết cái bài ấy như thế nào? Xét học bạ là cơ bản, nhưng trường đại học cũng cần có những “thuốc thử” như bài luận, như phỏng vấn v.v. để ra quyết định. Không phải các đại học Việt Nam chưa từng làm những việc ấy, nhưng làm ra sao và đánh giá chính xác được ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào năng lực lẫn động cơ, mục đích.

Bên trên là nêu hai điều kiện (quản lý chất lượng giáo dục phổ thông và năng lực đánh giá của trường đại học), nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ. Khi mà sinh viên tốt nghiệp gần trăm phần trăm mặc dù vẫn học lớt phớt thì chất lượng đại học không thể được nâng cao đã đành, mà còn không thể ngăn được “học sinh lao vào đại học để thành học đại” như có lần giáo sư Lê Quân đã phát biểu.

Chất lượng đào tạo đại học đi đôi với cơ hội việc làm chính là một màng lọc “tinh vi” tác động trực tiếp vào ý thức của người học trong việc ra quyết định có vào hay không vào đại học. Chúng ta biết, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường sát hạch đầu ra rất khắt khe, có nhiều năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường thuộc hàng thấp nhất cả nước (chỉ khoảng 70%). Điều ấy đã tạo nên chất lượng và uy tín lâu dài của ngôi trường.

Chúng ta lại cũng biết rằng sự phát triển năng khiếu, trí tuệ của con người vốn không giống nhau, có những người khi học phổ thông thì rất bình thường nhưng vào đại học thì “phát tiết”, trở nên vượt trội. Cơ hội phát triển và hoàn thiện năng lực nên được chia đều và “hào phóng” cho mọi người để không phải bỏ lỡ những trường hợp đáng tiếc. Có những người lại không phù hợp với môi trường và mô hình đào tạo này nhưng sẽ phát huy rất tốt ở môi trường và hình thức đào tạo khác. Đại học là một trải nghiệm và cơ hội để học sinh “thăm dò” những tiềm năng ấy.

Liên quan đến vấn đề này là chuyện "lỏng đầu vào, chặt đầu ra" đã nêu ở trên, nó không có nghĩa là mở cửa cho học sinh vào đại học đại trà, mà vẫn là chọn lọc dựa trên nguyên tắc công bằng và khoa học, đảm bảo chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của nhà trường. Nó càng không phải "buông lỏng đầu vào" mà là thắt chặt hơn nữa đầu ra, nói cách khác là cần đặt trọng tâm ở đầu ra khi đầu vào đã được đảm bảo cả về chất lượng lẫn cơ hội học tập cho sinh viên, chứ không thể tiếp tục "dễ dãi" được nữa. Đây không những là cách để nâng cao "thương hiệu" của nhà trường mà còn là thực hiện trách nhiệm xã hội cao cả của đại học đối với đất nước.

Tóm lại, cũng như với nhiều vấn đề phức tạp khác của giáo dục, giải pháp không phải là cấm đoán, hay vứt bỏ, càng không phải là làm lơ xem như không có chuyện gì đáng bận tâm. Tuyển sinh bằng học bạ xét về nguyên tắc cố nhiên phải là phương pháp căn bản, giữ vai trò chính yếu, vì học bạ là sự phản ánh chi tiết kết quả của hơn 3 nghìn ngày (12 năm) học tập; nếu được lập ra một cách trung thực, nghiêm túc, khoa học, nó đương nhiên là thước đo chính xác hơn, đáng tin cậy hơn so với kết quả điểm số của một kỳ thi kéo dài có một vài ngày.

Trước mắt xét tuyển bằng học bạ là phương thức chưa hoàn toàn đáng tin cậy do điều kiện đặc thù của giáo dục phổ thông nước ta, thì cần phải có những biện pháp đi kèm, bổ sung cho nó chứ không thể đơn giản là dẹp nó đi như đây đó có thầy cô đang nôn nóng chủ trương.