Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định không cho phép Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình, do có liên quan đến hành vi tham nhũng trong 2 dự án tại Việt Nam. Thời hạn của việc "cấm cửa" kéo dài một năm, đồng thời công ty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.
Hai dự án được WB nêu tên là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở thành phố Đà Nẵng. "Công ty này (LBG) đã trả các khoản tiền có yếu tố tham nhũng cho quan chức. Trong khi đó, BGH cũng không giám sát hiệu quả hoạt động của công ty con, do đó cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của LBG", thông cáo của WB viết.
Ngân hàng thế giới đã yêu cầu công ty LBG tự điều tra trong nội bộ công ty, tìm ra những điểm sai phạm và báo cáo.
Theo ông Hồ Tường Huy - Phó trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng Louis Berger Group tham gia nhiều dự án ở Đà Nẵng chứ không riêng công trình mà WB nhắc tới. Một số vụ việc liên quan đến hối lộ của công ty xảy ra trước khi ký hợp đồng dự án với Ban Quản lý các dự án. “Trong quá trình thiết kế, giám sát ở Đà Nẵng, công ty là một nhà thầu bình thường, đấu và trúng thầu đúng theo quy định. Quá trình làm việc cũng không xảy ra bất ổn nào. Hiện chúng tôi đã kết thúc hợp đồng với công ty này, quyết toán xong mà không có trục trặc gì”, ông Huy nói. |
Trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ ban quản lý 2 dự án nêu trên đều xác nhận việc Louis Berger Group có tham gia vào các công trình này, chủ yếu với vai trò nhà thầu tư vấn. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về nghi án tham nhũng chưa được đưa ra.
Trước đó, vào cuối năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại một số khâu quan trọng, ít nhiều đã làm giảm hiệu quả đầu tư của Dự án Giao thông Nông thôn 3. Chẳng hạn, hồ sơ khảo sát chưa thực hiện đầy đủ theo quy trình; tại Hưng Yên, nhà thầu tư vấn lập dự án thực hiện khảo sát hiện trường trước khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu và hợp đồng; một số gói thầu bị chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian hoàn thành...
Dự án Giao thông nông thôn 3 được thực hiện từ tháng 9/2007 và kết thúc vào tháng 6/2014 có mức đầu từ là 257,224 triệu USD. Trong đó, vốn vay IDA của WB là 203,25 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Anh (DFID) là 53,97 triệu USD.
Sau gần 7 năm thực hiện tại 33 tỉnh từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ, dự án đã nâng cấp cải tạo 3.283km đường huyện, xã, bảo trì mạng lưới đường huyện đạt 22.723km.
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2008 và hoàn thành năm 2013, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của WB và vốn đối ứng trong nước. Dự án có tổng mức đầu tư là 218,471 triệu USD. Trong đó, vốn IDA của WB là 152,438 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 66,033 triệu USD.
Mục tiêu của dự án là nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các dịch vụ đô thị ở thành phố Đà Nẵng thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông chiến lược và tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư và quản lý các dịch vụ đô thị.
Những năm gần đây, nhiều dự án tại Việt Nam bị các nhà tài trợ nước ngoài lên tiếng vì phát hiện tiêu cực. Năm 2008, phía Nhật bắt giữ lãnh đạo Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương vì hành vi hối lộ hơn 2,4 triệu USD cho nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM - Huỳnh Ngọc Sĩ.
Năm 2012, Đan Mạch tuyên bố từng tạm dừng cấp vốn ODA vì phát hiện các dấu hiệu bất thường về tài chính, với số tiền hơn nửa triệu USD trong 3 dự án.
Đến năm 2014, Nhật bắt giữ Chủ tịch công ty tư vấn giao thông JTC, sau khi ông này nhận tội hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam hơn 700.000 USD để đổi lấy việc trúng thầu gói tư vấn trong Dự án đường sắt đô thị nội đô thành phố Hà Nội. Nhiều lãnh đạo ngành đường sắt đã bị cách chức, khởi tố. Ông Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam bị truy tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".Theo Vnexpress