Vụ Vương Vĩ Tinh bị Ba Lan bắt vì hoạt động gián điệp sẽ gây khủng hoảng cho Huawei ở châu Âu?

VietTimes -- Những vụ việc bê bối liên tiếp xảy ra đối với công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei đang khiến uy tín của họ bị suy giảm trên phạm vi toàn thế giới. Ngày 11.1, nhà chức trách Ba Lan tuyên bố bắt giữ Vương Vĩ Tinh (Weijing W.), giám đốc bán hàng của chi nhánh Huawei tại Ba Lan cùng một công dân nước này với cáo buộc hai người hoạt động gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Ngày hôm sau Huawei nhanh chóng ra thông báo vạch rõ quan hệ với Vương Vĩ Tinh và sa thải ông này. Tuy nhiên, động thái này không giúp xua tan những hoài nghi của dư luận, mà có ý kiến cho rằng đây là hành vi “giấu đầu hở đuôi”, càng khiến người ta thấy Huawei có quan hệ chặt chẽ với cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc mà thôi.

Mặc dù cơ quan an ninh Ba Lan nói, họ chỉ cáo buộc cá nhân Vương Vĩ Tinh chứ không cáo buộc công ty Huawei phạm tội, nhưng vẫn không xua tan được sự lo ngại của các nước phương Tây đối với thiết bị viễn thông của hãng này.

Theo Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle), hôm 13.1, ông Karol Okonski, quan chức phụ trách an ninh mạng của chính phủ Ba Lan đã cho biết, chính phủ có thể xem xét thông qua đạo luật để hạn chế các sản phẩm công nghệ bị cho là ngay hại đến an ninh quốc gia. Ông Karol Okonski nói, hiện chưa cần thiết phải đột nhiên thay đổi chính sách đối với Huawei, nhưng ông nói với Reuters: “Chúng tôi sẽ phân tích, chúng tôi sẽ quyết định xem có đình chỉ sử dụng các sản phẩm của Huawei không?”. Ông nói, Ba Lan có thể xem xét cấm sử dụng sản phẩm của Huawei tại các cơ quan nhà nước; hiện nay chưa có luật nào buộc các công ty tư nhân hoặc cá nhân công dân sử dụng sản phẩm của công ty công nghệ nào đó, nhưng không loại trừ việc Ba Lan sẽ xem xét thay đổi tình trạng này bằng cách tu sửa pháp luật liên quan.

Ông Joachim Brudzinski, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan: NATO và EU cần có nhận thức chung về vấn đề có nên loại bỏ Huawei khỏi thị trường viễn thông hay không.
Ông Joachim Brudzinski, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan: NATO và EU cần có nhận thức chung về vấn đề có nên loại bỏ Huawei khỏi thị trường viễn thông hay không. 

Vụ bắt giữ Vương Vĩ Tinh đã khiến chính phủ Ba Lan nêu cao cảnh giác với Huawei. Ngày 12.1, ông Joachim Brudzinski, Bộ trưởng Nội vụ khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói, NATO và EU cần có nhận thức chung về vấn đề này (vụ việc bắt Vương Vĩ Tinh), ngoài ra cũng cần thảo luận việc có nên loại bỏ Huawei khỏi thị trường viễn thông hay không. Joachim Brudzinski nói với phóng viên Đài phát thanh RMF của Ba Lan: “Trong nội bộ NATO đang tồn tại mối lo ngại về Huawei, Việc các nước thành viên NATO và EU đạt được lập trường chung (về Huawei) là rất có ý nghĩa”.

Trang tin Money.pl cũng đưa tin, một vị thứ trưởng phụ trách vấn đề công nghệ số của Ba Lan đã bày tỏ, Ba Lan đang phân tích việc có nên cho Huawei tham gia vào thị trường xây dựng mạng 5G ở nước này hay không.

Vụ băt giữ Vương Vĩ Tinh có thể sẽ khiến quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây tiếp tục gia tăng. Australia và New Zealand đã cấm Huawei tham gia vào lĩnh vực mạng 5G của họ. Một số nước khác, trong đó có Na Uy đã xem xét việc liệu có cho phép Huawei tiếp tục cung cấp thiết bị thiết bị mạng 5G hay không. Đức cũng bày tỏ lo ngại về việc hợp tác với Huawei, một số nhân sĩ giới chính trị cũng đang đốc thúc triển khai cuộc thảo luận về việc gạt bỏ Huawei ra ngoài việc xây dựng mạng 5G của Đức.

Nhiều quốc gia đang cân nhắc xem có sử dụng công nghệ và thiết bị của Huawei cho phát triển mạng 5G của mình hay không?
Nhiều quốc gia đang cân nhắc xem có sử dụng công nghệ và thiết bị của Huawei cho phát triển mạng 5G của mình hay không?

Theo Deutsche Welle ngày 13.1, tuy nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, gia nhập vào đội ngũ các nước tẩy chay Huawei, nhưng trong nội bộ châu Âu vẫn có sự phân hóa nhất định. Một nguyên nhân quan trọng trong đó là Huawei rất có sức hấp dẫn trong lĩnh vực 5G, bỏ xa các đối thủ Ericson, Nokia hay Samsung. Ông Dexter Thillien, nhà phân tích kinh tế của Fitch Solutions thuộc Tổ chức xếp hạng tín dụng lớn Fitch Ratings nói:”Các hãng vận hành mạng thực ra cũng đã tìm kiếm phương án thay thế, nhưng họ ý thức được Huawei hiện nay có sức sáng tạo lớn, có lẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho nghiệp vụ 5G”.

Công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom trước đây đã tuyên bố hợp tác với Huawei để xây dựng mạng 5G tại Ba Lan, nhưng lại không đề cấp đến việc liệu có kế hoạch hợp tác ở Đức hay không? Đối với Huawei, châu Âu là một thị trường có tính then chốt. Năm 2017, doanh thu của công ty này tại thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 27% tổng số doanh thu của cả tập đoàn trên toàn cầu, con số này chủ yếu đến từ các hãng viễn thông châu Âu.

Tờ Epoch Times ngày 14.1 cho rằng, sở dĩ các nước lo ngại về việc sử dụng thiết bị của Huawei là bởi đã nhiều lần phát hiện có vấn đề ẩn họa gián điệp trong thiết bị và dịch vụ của Huawei tại nhiều quốc gia.

Vụ việc mới nhất là hồi tháng 12, chính phủ Nhật khi tháo dỡ thiết bị của Huawei đã phát hiện bên trong có nhiều linh kiện dư thừa.Họ lập tức tuyên bố loại bỏ sản phẩm của Huawei và ZTE ra khỏi danh mục sản phẩm thu mua của chính phủ. Lý do là đảm bảo trong các thiết bị mạng không bị cài cấy các linh kiện có các chức năng xấu lấy cắp, phá hoại và gây nhiễu hệ thống thông tin.

Tháng 11.2018, một bản báo cáo tình báo mật được cung cấp cho các quan chức Australia nêu lên một vụ cơ quan gián điệp Trung Quốc đã thực hiện hành vi thâm nhập thông qua mạng lưới công tác của Huawei ở nước ngoài.

Tháng 1.2018, báo Pháp Le Monde đăng tải một bản báo cáo điều tra cho biết, hàng tối các số liệu bí mật từ trụ sở Liên minh châu Phi (AU) đặt ở Ethiopia đã được đều đặn truyền về Thượng Hải, sự việc này đã diễn ra suốt 5 năm trời.

Ông Lý Hồng Ba (phải), Tổng giám đốc Huawei Canada cam kết Huawei "vĩnh viễn không làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc".
Ông Lý Hồng Ba (phải), Tổng giám đốc Huawei Canada cam kết Huawei "vĩnh viễn không làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc".

Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách của Australia (ASPI) ngày 13.7.2018 ra bản báo cáo  cho biết, Huawei và Ủy ban AU đã ký một bản hợp đồng từ ngày 4.1.2012, trong đó có việc lắp đặt thiết bị cơ sở kỹ thuật mạng cho tòa nhà trụ sở của AU. Theo đó, Huawei sẽ cung cấp máy tính, thiết bị lưu trữ, wifi và các dịch vụ khác. Sự kiện dữ liệu bị tiết lộ trong suốt thời gian dài đó đã gây nên sự hoài nghi mạnh mẽ của các nước đối với tác dụng của việc sử dụng thiết bị và dịch vụ của Huawei.

Ngoài ra, ngay từ ngày 30.7.2012, tổ chức hacker nổi tiếng DefCon của Mỹ đã công khai chỉ rõ, bộ định tuyến (router) do Huawei sản xuất có lỗ hổng rất rõ. Trước đó, chuyên gia phân tích chính sách cao cấp Michael Maloof của Lầu Năm Góc đã tiết lộ, Trung Quốc thông qua hai hãng cung ứng thiết bị viễn thông Huawei và ZTE để lập “cửa hậu” trong thiết bị viễn thông các nước trên thế giới. Tháng 6 năm đó, Quốc hội Mỹ đã tiến hành điều tra hai công ty này của Trung Quốc về hoạt động gián điệp.

Từ năm 2018, Huawei đã liên tiếp bị “đụng tường” trên toàn cầu. Các nước Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật... đã nối nhau loại bỏ công nghệ và sản phẩm của Huawei ra khỏi lĩnh vực xây dựng mạng 5G với lý do an ninh quốc gia.

Tại Canada, sau khi có tin Ba Lan bắt Vương Vĩ Tinh vì cáo buộc hoạt động gián điệp, ngày 11.1, công ty Huawei Canada đã ra tuyên bố “không thể và cũng sẽ không cho phép chính phủ Trung Quốc chen vào mạng không dây sử dụng công nghệ của họ, vĩnh viễn không làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc”.

Trang tin Đa Chiều ngày 12.1 dẫn nguồn tin của báo The Globe and Mail của Canada đưa tin, ông Lý Hồng Ba (Eric Li), Tổng giám đốc công ty Huawei Canada đã nói: “Mặc dù luật pháp Trung Quốc  cho phép chính phủ thâm  nhập hợp pháp vào mạng, nhưng chúng tôi chỉ phục vụ các khách hàng và đối tác hợp tác của Canada, Nói một cách đơn giản, chúng tôi chỉ tuân thủ pháp luật Canada”.

Ông còn nói, Huawei không thể và cũng không cho phép chính phủ Trung Quốc thâm nhập vào mạng mà Huawei ủng hộ. Đó là từ góc độ  công nghệ của Huawei mà góc độ pháp luật không thể làm được. Quan trọng hơn là, nói về mặt đạo lý, đó là việc Huawei không xem xét để làm.

Ông Scott Bradley, Phó Tổng giám đốc Huawei Canada bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 11.1 khiến các quốc gia phương Tây càng thêm nghi ngại về Huawei.
Ông Scott Bradley, Phó Tổng giám đốc Huawei Canada bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 11.1 khiến các quốc gia phương Tây càng thêm nghi ngại về Huawei.

Ông còn bày tỏ, đối với Huawei, nhân tố quan trọng nhất vẫn là an toàn bí mật riêng tư của người Canada và tính hoàn chỉnh. Huawei Canada hoan nghênh chính phủ Canada thẩm tra, cũng hoan nghênh mọi sự kiểm tra và phòng ngừa của họ. Lý Hồng Ba còn nhắc lại đảm bảo của họ đối với Trung tâm an ninh mạng Canada (Canadian Centre for Cyber Security) hồi tháng 12.2018: “Huawei sẽ nỗ lực hết sức để thỏa mãn yêu cầu về tiêu chuẩn của chính phủ Canada”.

Cùng ngày 11.1, Phó giám đốc người Canada của công ty, ông Scott Bradley đã bất ngờ tuyên bố từ chức. Reuters nhận xét, việc ông từ chức vào thời điểm nhạy cảm này có thể càng khiến các quốc gia phương Tây thêm nghi ngại về Huawei. Được biết, ông Scott Bradley phụ trách du thuyết chính phủ, tiếp xúc với các quan chức và nghị sĩ quốc hội để xua tan nghi ngại của họ về mối đe dọa của Huawei đối với an ninh quốc gia của Canada.