“Công chúa Huawei” được bảo lãnh tại ngoại sau khi chấp nhận 14 điều kiện của tòa

VietTimes -- Ngày 11.12, sau ba buổi điều trần, Tòa án cấp cao bang British Columbia, Canada đã tuyên bố cho phép bà Mạnh Vãn Chu, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Huawei (bị bắt giữ hôm 1.12) được bảo lãnh tại ngoại. Chồng bà Chu, ông Lưu Hiểu Tông và 5 người khác đã đứng ra bảo lãnh, nộp 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) tiền đặt cược, gồm 7 triệu CAD tiền mặt và một tòa nhà, đồng thời chấp nhận mang còng điện tử, giao nộp hộ chiếu. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng ở đây...
Bà Mạnh Vãn Chu đã chấp nhận 14 điều kiện của tòa án để được bảo lãnh tại ngoại.
Bà Mạnh Vãn Chu đã chấp nhận 14 điều kiện của tòa án để được bảo lãnh tại ngoại.

Theo Đông Phương, sau khi nghe hai bên tranh luận trong buổi sáng, vào lúc 15 giờ chiều ngày 11.12, Chánh án William Ehrcke đã phát biểu, nói: bà Mạnh Vãn Chu hiện có 2 bất động sản trị giá 21,9 triệu CAD tại Vancouver, trong tài khoản có 7,5 triệu CAD và qua xác nhận chỉ có 2 cuốn hộ chiếu còn hạn. Ông nói, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là theo yêu cầu của phía Mỹ, nhưng cho đến nay Mỹ vẫn chưa chính thức đưa ra yêu cầu dẫn độ. Qua xem xét thấy bà Chu chưa có tiền sự phạm tội hình sự tại Trung Quốc hay các nơi khác và đang có vấn đề về sức khỏe, cộng thêm việc bà muốn ở lại Vancouver và có người đảm bảo thích hợp, nên tòa quyết định cho phép được bảo lãnh.

Ngoài ông chồng Lưu Hiểu Tông, 5 người khác đứng ra đảm bảo cho bà Chu gồm có Robert Cheng, nhà kinh doanh nhà đất, người đã bán hai căn nhà cho bà Chu, ba người bạn là Lee Lin, Ken Louie, Lee Shi và người hàng xóm đồng thời là thày dạy Yoga Bành Tiểu thư.

Vụ bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ trở thành điểm nóng trên báo chí các nước.
 Vụ bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ trở thành điểm nóng trên báo chí các nước.

Căn cứ điều kiện bảo lãnh, bà Chu ngoài việc nộp tài sản lớn để đảm bảo, đeo còng chân điện tử, giao nộp tất cả hộ chiếu, chỉ ở trong bang British Columbia, ở trong nhà riêng tại địa chỉ West 28th Avenue, Vancouver, từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau chỉ được ở trong nhà...và một số yêu cầu khác do tòa đề ra. Thời hạn để chính phủ Mỹ chính thức đề nghị dẫn độ sẽ có hiệu lực đến ngày 8.1.2019. Nếu đến khi kết thúc thời hạn mà Mỹ vẫn không chính thức yêu cầu dẫn độ thì bà Chu sẽ được phóng thích; tuy nhiên bà cần phải quay trở lại tòa án vào ngày 6.2.2019 để xác định trình tự tố tụng tiếp theo.

Trang tin Đông Phương ngày 12.1 cho biết, các điều kiện cụ thể để bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh bao gồm:

1. Tuân thủ pháp luật địa phương.

2. Ở trong bang British Columbia, sống tại nơi chỉ định.

3. Chấp nhận sự giám sát suốt ngày đêm của Công ty bảo vệ Lions Gate; các nhân viên công ty bảo vệ có quyền bắt giữ bà.

4. Chỉ được phép hoạt động trong khu vực do Công ty bảo vệ Lions Gate hoạch định.

5. Cho phép nhân viên công ty bảo vệ ra vào nhà riêng bà.

6. Phải tự chi trả cho công ty bảo vệ mọi khoản chi phí.

7. Phải đeo thiết bị giám sát ở chân (còng điện tử).

8. Bất cứ lúc nào cũng mang theo người văn bản bảo lãnh.

9. Từ 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng hôm sau không được ra khỏi nhà.

10. Cho quan chức bảo lãnh biết số điện thoại có thể liên lạc để có thể liên hệ bất cứ lúc nào.

11. Giao nộp tất cả hộ chiếu.

12. Điểm danh tại nơi chỉ định.

13. Cho phép cảnh sát ra vào nhà bất cứ lúc nào.

14. Bất cứ lúc nào cũng có thể ra tòa hoặc bị bắt giữ.

Bà Mạnh Vãn Chu sẽ còn phải tiếp tục hầu tòa ở Canada để điều trần dẫn độ
 Bà Mạnh Vãn Chu sẽ còn phải tiếp tục hầu tòa ở Canada để điều trần dẫn độ

Mặc dù bà Mạnh Vãn Chu đã được phép bảo lãnh tại ngoại, nhưng theo Boxun, mọi việc chưa phải đã kết thúc, mà thực ra mới chỉ bắt đầu: tới đây bà Chu sẽ phải đối mặt với cuộc điều trần dẫn độ. Cuộc điều trần dẫn độ sẽ quyết định Canada có dẫn độ bà Chu sang Tòa án khu Đông New York để bị xét xử hay không; tòa án Canada không thể phán quyết bà có tội hay không, mà chỉ phán định chứng cứ yêu cầu dẫn độ của Mỹ có đầy đủ hay không. Nếu việc dẫn độ thành lập thì vụ việc của bà Chu sẽ được chuyển lên Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Canada để xem xét, ông Bộ trưởng Tư pháp sẽ quyết định việc có hay không dẫn độ bà tới Mỹ.

Nếu tòa án phán quyết yêu cầu dẫn độ không hợp lý thì bà Chu sẽ được phóng thích. Ngay khi Bộ trưởng Tư pháp quyết định dẫn độ thì bà Chu vẫn có quyền kháng tố, đề nghị thẩm định lại quyết định này và có thể kháng tố lên Tòa án tối cao Liên bang Canada.

Tuy nhiên được biết từ khi Canada ban hành Luật dẫn độ đến nay mới chỉ có 5 vụ quyết định dẫn độ bị bác bỏ trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2014 mà thôi.