"Vũ khí mới" giúp các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cạnh tranh với Tesla

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi các công ty ô tô điện Trung Quốc nhanh chóng tung ra các mẫu xe mới, họ đã tích hợp rất nhiều tính năng: máy chiếu trong ô tô, tủ lạnh và tính năng hỗ trợ người lái.

Hàng ghế trước của SUV M9 của Aito có thể điều chỉnh. Nội thất bao gồm cả màn chiếu và tủ lạnh (Ảnh: CNBC)
Hàng ghế trước của SUV M9 của Aito có thể điều chỉnh. Nội thất bao gồm cả màn chiếu và tủ lạnh (Ảnh: CNBC)

Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xe điện (EV) Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà sản xuất nội địa bán những chiếc xe ứng dụng công nghệ cao mà Tesla chưa cung cấp ở nước này – và đôi khi với giá thấp hơn.

Các công ty EV hiện không còn cạnh tranh về phạm vi lái xe nữa. Thay vào đó, khi nhanh chóng cho ra mắt các mẫu xe mới, họ đang tích hợp rất nhiều tính năng: máy chiếu trong ô tô, tủ lạnh và tính năng hỗ trợ người lái, cùng một số tính năng khác.

Xe của Tesla không đi kèm những phụ kiện như trên và nhà sản xuất ô tô của Elon Musk hiện chỉ cung cấp một phiên bản giới hạn của công nghệ hỗ trợ người lái tại Trung Quốc.

“EV ở Trung Quốc đã trở thành sản phẩm điện tử tiêu dùng, tương tự như ngành công nghiệp điện thoại di động”, Li Yi, Chủ tịch kiêm CEO của Appotronics, công ty màn hình laser có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên hợp tác với các nhà sản xuất ô tô lớn, cho biết.

“Ở Trung Quốc, đã có thêm nhiều lựa chọn giải trí, thiết bị điện tử...người tiêu dùng thực sự muốn mua thứ gì đó có ứng dụng công nghệ tiên tiến”, ông nói, thêm rằng ở châu Âu, người ta thường tập trung hơn vào tính năng.

Appotronics tuyên bố họ đã cung cấp màn hình chiếu 32 inch bên trong chiếc SUV M9 mới ra mắt của thương hiệu Aito thuộc Huawei. Huawei hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Tính đến ngày 1/1, Aito cho biết đơn đặt hàng M9 đã vượt quá 30.000 chiếc và việc giao hàng sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2.

Chiếc xe 6 chỗ này được trang bị tủ lạnh, ghế trước có thể gập lại và thay vì bảng điều khiển vật lý, nó được tích hợp công nghệ AR HUD, cũng có thể hiển thị hướng dẫn điều hướng. Chiếc SUV M9 được bán với giá khoảng từ 470.000-570.000 NDT (66.320-80.430 USD).

Để so sánh, Model Y của Tesla, một chiếc SUV cỡ trung, có giá khởi điểm 258.900 NDT trong khi mẫu sedan Model S có giá khởi điểm 698.900 NDT.

Trong số các đối thủ cạnh tranh nổi tiếng khác, chiếc SUV L9 của Li Auto có giá khởi điểm 429.900 NDT và đi kèm AR HUD, tủ lạnh và công nghệ hỗ trợ người lái.

Mẫu SUV G9 của Xpeng, được nhiều người coi là dẫn đầu ở Trung Quốc về công nghệ hỗ trợ người lái trên đường, có giá khởi điểm 289.900 NDT.

Đó chỉ là cái nhìn thoáng qua về hàng loạt mẫu EV sẵn có ở Trung Quốc. Theo HSBC, hơn 100 mẫu EV mới sẽ ra mắt vào năm 2024 tại Trung Quốc.

Yiming Wang, một nhà phân tích tại China Renaissance Securities, thừa nhận rằng đối với các mẫu EV mới, người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các tính năng công nghệ trong xe và khả năng hỗ trợ người lái, mà theo ông, đều "tiên tiến hơn nhiều" so với các mô hình EV trước đây hoặc các loại xe chạy bằng xăng truyền thống.

Wang cũng nhấn mạnh rằng giá cả và quãng đường đi được tối đa là hai yếu tố hàng đầu khác mà người tiêu dùng quan tâm.

006y8j29ly1h03ii1s6gsj333429y1ky-1-scaled-7856.jpg
Nội thất của chiếc SUV L9 của Li Auto (Ảnh: CarNewsChina)

Ngành công nghiệp triệu USD

Li kỳ vọng rằng nhu cầu về công nghệ ô tô sẽ giúp phân khúc kinh doanh mới của ông tạo ra doanh thu “vài trăm triệu” NDT trong năm nay – tương đương khoảng 40-100 triệu USD, ông nói. Li cho biết, trước đây công ty ông thường đạt tổng doanh thu khoảng 300 triệu USD mỗi năm.

Khi được hỏi về Tesla, Li nói rằng ông không được phép tiết lộ thông tin chi tiết nhưng nhấn mạnh hãng xe Mỹ “muốn một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt so với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”.

Ông cũng lưu ý, theo kinh nghiệm của Appotronics, khách hàng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao cho công nghệ lắp đặt trên ô tô, trong khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ lại tập trung hơn vào việc giảm chi phí. Đó là do pin EV và các bộ phận khác không được sản xuất ở Mỹ, có nghĩa rằng các công ty Mỹ đã phải trả phí cho các bộ phận cốt lõi của EV.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại thống trị chuỗi cung ứng pin EV.

Trên thực tế, lý do chính khiến BYD thành công là do họ đã sớm nghiên cứu pin, lĩnh vực mà giờ đây họ có thể chủ động giảm chi phí, Zhong Shi, nhà phân tích của Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc, chỉ ra.

BYD đã vượt qua Tesla về tổng sản lượng ô tô vào năm 2023 và bán được nhiều ô tô chạy bằng pin hơn nhà sản xuất ô tô Mỹ trong quý 4.

Những “gã khổng lồ” ô tô truyền thống của nước ngoài như Volkswagen đang phải vật lộn để thích nghi với sự trỗi dậy của EV ở Trung Quốc, trong khi các công ty trong nước, bao gồm công ty smartphone Xiaomi và công ty khởi nghiệp Zeekr do Geely hậu thuẫn, đang gấp rút tung ra thị trường các mẫu EV của họ.

“Tôi nghĩ hệ thống của Đức đến từ cơ khí, đi từ cơ bản lên. Hệ thống của Trung Quốc đang được kỹ thuật số hóa, đi từ trên xuống”, Omer Ganiyusufoglu, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đức, nhận xét.

Khi thiết kế một chiếc ô tô, các kỹ sư Đức nghĩ đến mã lực trước tiên, trong khi các kỹ sư Trung Quốc bắt đầu với thiết kế buồng lái và sau đó là nội thất, ông Omer Ganiyusufoglu dẫn lời một kỹ sư ô tô Trung Quốc.

arenaev-005-6175.jpg
Công nghệ hỗ trợ người lái đang nhận được sự quan tâm của khách hàng Trung Quốc (Ảnh: ArenaEV)

Cuộc đua tăng cường tính năng hỗ trợ người lái

Hỗ trợ tài xế đã nổi lên vào năm ngoái như một tính năng cạnh tranh của EV ở Trung Quốc.

Phiên bản hỗ trợ lái xe trên đường cao tốc của Tesla - được gọi là Autopilot - đã sẵn có ở Trung Quốc, nhưng tính năng "Tự lái hoàn toàn" (FSD) của họ thì không.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đang dần cho phép ô tô chở khách sử dụng nhiều tính năng hỗ trợ người lái hơn trong các thành phố. Chính quyền Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái cũng tuyên bố thúc đẩy toàn quốc phát triển công nghệ hỗ trợ người lái và xe tự lái thông qua các chương trình thí điểm.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi ra bao nhiêu tiền cho những tính năng đó.

“Mặc dù khách hàng, đặc biệt là những người ở Trung Quốc, trong các cuộc khảo sát luôn nói rằng họ sẵn sàng trả tiền cho các tính năng an toàn và điều hướng chung (hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao, ADAS), nhưng câu trả lời của họ lại thay đổi khi được hỏi về các tính năng ADAS cụ thể và hành vi mua hàng của họ lại là câu chuyện khác”, Shay Natarajan, đối tác của Mobility Impact Partners, một quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giao thông vận tải, cho biết.

“Có hơn 20 tính năng ADAS độc đáo”, bà cho hay, đồng thời nhận định rằng cảnh báo điểm mù hoặc chế độ xem camera xung quanh là những tính năng phổ biến nhất. “Lưu ý, FSD không nằm trong danh sách các tính năng ADAS mà khách hàng sẵn sàng trả tiền”./.

Theo CNBC