Vị thế đặc biệt của Nhật Bản trong cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ-Trung

VietTimes -- Trong bối cảnh nước Mỹ - đồng minh chiến lược của Nhật Bản, đang cạnh tranh quyết liệt và toàn diện với Trung Quốc, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận 10 điểm nhằm thúc đẩy phát triển bền vững quan hệ song phương.

Theo Thỏa thuận này, Trung Quốc và Nhật Bản khẳng định hai nước đã duy trì được môi trường thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác song phương trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhìn thấy những cơ hội mới để phát triển quan hệ song phương cùng có lợi trên cơ sở quan hệ thương mại công bằng và tự do. Hai bên nhất trí nỗ lực để G-20 đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán về Thỏa thuận tự do thương mại Trung-Nhật và nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019.

Nhật Bản đóng vai trò trung tâm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Là quốc gia có mối quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ và đã từng ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc, đứng trước những thách thức từ cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ - Trung, Nhật Bản đang tìm cách hóa giải những thách thức này và nâng cao vị thế của họ trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm tạo nên một cực đóng vai trò giữ ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tái đắc cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bầu cử năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước đến năm 2021 và trở thành Thủ tướng có nhiệm kỳ kéo dài nhất trong lịch sử xứ Mặt trời mọc kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sự ổn định chính trị này cho phép ông Shinzo Abe thể hiện vai trò của Nhật Bản là trụ cột trung tâm và là người bảo vệ nền dân chủ tự do trong một trật tự thế giới đang nổi lên chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết Nhật Bản không thể bị động quan sát những thay đổi nhanh chóng mà phải chủ động và tích cực hơn để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt lợi ích quốc gia lên trên hết với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc đang làm đảo lộn trật tự thế giới. Trước hết, Tokyo đang nỗ lực thực thi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác để khẳng định uy tín quốc tế của mình. Do đó, Nhật Bản trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Nhật Bản tiếp tục duy trì liên minh chiến lược với Mỹ

Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến Nhật Bản hết sức quan ngại bởi trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016 ông liên tục dùng những lời lẽ khiêu khích và kêu gọi Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng để chi trả nhiều tiền hơn cho “ô an ninh” của Mỹ. Thậm chí, ông Donald Trump còn đe dọa, nếu Nhật Bản không làm được điều đó thì Tokyo phải tự phát triển vũ khí hạt nhân để phòng thủ đất nước!?

Do đó, ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lập tức đi thăm Mỹ và gặp chủ nhân mới của Nhà Trắng để khẳng định mối quan hệ liên minh chiến lược tin cậy giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sau chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tăng cường các cuộc tiếp xúc trực tiếp và điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ảnh: ABC)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (ảnh: ABC)

Trên thực tế, Nhật Bản không có cách lựa chọn nào khác là phải thắt chặt quan hệ gần gũi và thân thiết với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn, do Tokyo phải dựa vào mối quan hệ liên minh chiến lược với Mỹ để tạo ra sức mạnh răn đe đáng tin cậy trước một Trung Quốc đang trỗi dậy đầy tham vọng và một Triều Tiên đang gia tăng tiềm lực vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mang lại kết quả rất quan trọng về an ninh, theo đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định Hiệp ước an ninh Hoa Kỳ - Nhật Bản vẫn tiếp tục là nền tảng cho hòa bình ở Châu Á, bao gồm cả bảo đảm an ninh cho quần đảo Senkaku - nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố năm 2018 đã xác định Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn diện. Như vậy, Nhật Bản đã khẳng định vị thế tiếp tục là đồng minh chiến lược của Mỹ.

Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn. Trong đó, ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng. Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP là trọng tâm chiến lược tái cân bằng của Washington trong khu vực để kiềm chế sự trỗi dậy đầy tham vọng cường quyền của Trung Quốc.

Sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã chủ động quyết định đóng vai trò chủ trì các cuộc đàm phán trên cơ sở hiệp định này để ký kết một hiệp ước mới, gọi là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, có hiệu lực từ tháng 12/2018, với hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại với thỏa thuận này trong tương lai trung hạn.

Ngoài ra, đầu năm 2018, Mỹ tuyên bố áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có cả đồng minh chiến lược của Mỹ là Nhật Bản. Trong tình thế đó, Nhật Bản phải miễn cưỡng chấp nhận và tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ để ký kết một hiệp định thương mại song phương, trong đó Tokyo buộc phải nhân nhượng trước các điều kiện áp đặt của Washington.

Nhật Bản đương đầu với thách thức bị Mỹ gạt ra ngoài vấn đề Triều Tiên

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm trong 2 năm 2016 - 2017, trong đó Bình Nhưỡng đã phóng hơn 8 quả tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế và 2 quả đã bay qua trên bầu trời của Nhật Bản. Với tiềm lực vũ khí hạt nhân đã được hoàn thiện, Triều Tiên tuyên bố nếu phải đứng trước nguy cơ chiến tranh xâm lược, họ sẽ chĩa tên lửa hạt nhân vào các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á, thậm chí cả trên lãnh thổ Mỹ. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố đe dọa sẽ tấn công hủy diệt đất nước Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, an ninh quốc gia của Nhật Bản bị đe dọa hơn ai hết từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thế nhưng hoàn toàn bất ngờ, trong năm 2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp trực tiếp và đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà không hề tham vấn ý kiến của đồng minh chiến lược Nhật Bản. Do đó, chính quyền Tokyo nhận thấy dường như Nhật Bản đang bị Mỹ gạt ra ngoài lề trong tiến trình giải quyết hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên.

Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn ủng hộ quan điểm của Mỹ hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, khác với Mỹ, Nhật Bản còn đề ra thêm yêu cầu Triều Tiên phải hủy bỏ tên lửa tầm trung có thể bắn tới các mục tiêu trên lãnh thổ nước này và phải giải quyết vấn đề người Nhật bị phía Triều Tiên bắt cóc. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách ngoại giao thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thì Nhật Bản vẫn tiếp tục khẳng định liên minh chiến lược với Mỹ với dấu hiệu thiện chí là Tokyo quyết định tăng ngân sách quốc phòng để mua khoảng 100 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Nhật Bản chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Theo tinh thần của Hiệp ước này, hai nước nỗ lực cải thiện quan hệ trong bối cảnh Mỹ tuyên chiến thương mại với Trung Quốc. Vì thế, Nhật Bản quyết định nối lại đối thoại kinh tế với Trung Quốc vào đầu năm 2018 sau 8 năm bị gián đoạn. Tokyo và Bắc Kinh còn tuyên bố thiết lập một cơ chế liên lạc thường xuyên để ngăn chặn các sự cố hàng hải và hàng không trên biển Hoa Đông.

(ảnh: Pew Research)
(ảnh: Pew Research)

Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số các đảo nhỏ từ các chủ sở hữu tư nhân thuộc quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, các tàu đánh cá và tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc đã liên tục tuần tra xung quanh các đảo và thường xuyên xâm nhập các vùng lãnh hải của Nhật Bản. Thậm chí, Trung Quốc còn thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mặc dù vậy, tháng 10/2018, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận thông qua tuyên bố một về một kỷ nguyên mới cho quan hệ song phương, chủ yếu tập trung vào việc hợp tác kinh tế ở các nước thứ ba. Nhật Bản ban đầu kịch liệt phản đối siêu dự án “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc nhưng về sau đã ủng hộ dự án này với điều kiện BRI phải bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả kinh tế đích thực, thực hiện chính sách nợ có trách nhiệm, phát triển hài hòa với CPTPP, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.  

Nhật Bản chủ động đề xuất sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Trong bối cảnh sự cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Nhật Bản đóng vai trò là một đối tác quốc tế có uy tín và là đối tác hàng đầu. Tháng 8/2016, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Châu Phi (TICAD) tại Nairobi, Thủ tướng Abe công bố chiến lược vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Đây là một dự án lớn về tài chính và cơ sở hạ tầng trong khu vực kéo dài từ Nam Thái Bình Dương đến Biển Đông và từ Ấn Độ Dương đến bờ Đông Châu Phi để tăng cường sự kết nối vì sự phát triển thịnh vượng và ổn định. Nhật Bản hy vọng sẽ tạo được sự khác biệt với BRI của Trung Quốc nhờ ưu thế về chất lượng cao, tính minh bạch và hiệu quả kinh tế, tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường quốc tế.

Nhật Bản chủ trương đa dạng hóa các quan hệ đối tác

Trong chuyến công du tới Châu Á ngay sau khi nhậm chức năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ xúc tiến tham gia Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và kế hoạch phối hợp giữa Mỹ và Nhật Bản đầu tư vào các cơ sở hạ tầng. Tháng 7/2018, Tokyo, Washington và Canbera ký kết Hiệp định đối tác ba bên về cơ sở hạ tầng với một dự án điện khí hóa đầu tiên ở Papua New Guinea. Tháng 11/2017, Nhật Bản khởi xướng Đối thoại tứ giác Nhật Bản - Mỹ - Australia - Ấn Độ về dự án hành lang tăng trưởng Châu Á -châu Phi nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

(ảnh: Aptouring)
(ảnh: Aptouring)

Với Ấn Độ và Australia, Nhật Bản phối hợp hành động để bảo đảm các tuyến hàng hải của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ở Đông Nam Á. Nhật Bản góp phần vào việc tăng cường khả năng hàng hải của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Việt Nam và Indonesia, bằng cách đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển và chuyển giao các tàu tuần tra. Nhật Bản cũng đang xích lại gần hơn với các nước Châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Nhật Bản-EU có ý nghĩa chiến lược như CPTPP.

Nhật Bản cũng đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác an ninh với Anh và Pháp để duy trì sự tôn trọng luật pháp và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Ngoài ra, Thủ tướng Shinzo Abe còn theo đuổi mục tiêu cải thiện và tăng cường quan hệ với Nga nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Nam Kurile và ký hiệp ước hòa bình với Matxcơva.

Thành công của Hội nghị G-20 lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản với sự tham dự và có các cuộc gặp mặt bên lề của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ khẳng định vai trò và vị thế rất quan trọng, không thể thiếu được của Nhật Bản đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong bối cảnh đang diễn ra cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và Mỹ - Nga vốn được ví như một kiểu chiến tranh thế giới phức hợp trong thời đại mới.