Tàu sân bay trong chiến lược biển của Trung Quốc:

Kỳ 2: Át cơ hay Át bích?

VietTimes -- Ngày 11/8/2011, Trung Quốc chính thức hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang - một viên tướng triều đình nhà Thanh từng cầm quân đánh Đài Loan. Đến ngày 23/9/2012, tại cảng Đại Liên, tàu được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc với tên gọi chính thức là Liêu Ninh.
Tàu Liêu Ninh vốn là tàu Varyag thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, do Liên Xô khởi công đóng năm 1985.
Tàu Liêu Ninh vốn là tàu Varyag thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, do Liên Xô khởi công đóng năm 1985.

Tàu sân bay Liêu Ninh dài 291,6m, rộng 37,8m, trọng tải 58.500 tấn (nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay Mỹ USS George Washington có trọng tải hơn 100.000 tấn), vận tốc tối đa 37 hải lí/h, hải trình tối đa 7.130km. Theo thiết kế, nó có thể mang 50 máy bay các loại, dạng như máy bay chiến đấu Su-33, Su-27, MiG-29, trực thăng chống tàu ngầm Ka-27, trực thăng cảnh báo Ka-31. Vũ khí chủ yếu gồm 8 pháo phòng không AK-630 AA, 8 pháo CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS, và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW.

Tàu Liêu Ninh vốn là tàu Varyag thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, do Liên Xô khởi công đóng năm 1985 và thuộc sở hữu của Ukraine sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc mua của Ukraine trong một cuộc đấu giá với giá 20 triệu USD vào năm 1998. Năm 2002 con tàu Varyag cập cảng Đại Liên và bắt đầu trùng tu từ năm 2005 trong tình trạng chưa lắp động cơ và nhiều loại thiết bị; lớp vỏ bên ngoài bị ăn mòn, mất cả lớp từ hóa; nhiều bộ phận của tàu như hệ thống sóng siêu âm, đuôi cánh quạt, bánh lái… không còn nguyên vẹn; cầu tàu cũng phải chống gỉ lại và thay boong mới.

Ngoài Liêu Ninh, theo Quy hoạch phát triển tàu sân bay của Trung Quốc, đến cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) sẽ hoàn tất việc chế tạo 2-3 cụm tàu sân bay. Đến khi đó, hải quân Trung Quốc sẽ đủ sức đối đầu với Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ và làm chủ Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh giống một bước đi mang tính biểu tượng để mang lại thanh thế cho Hải quân Trung Quốc, hơn là một sự thay đổi tức thời về chất của lực lương này, bởi những lí do sau:

Trước hết, bản thân tàu Liêu Ninh còn gặp một số rắc rối, khiếm khuyết. Cáp hãm đà và thiết bị thu hồi cáp, Trung Quốc có ý định mua từ Nga nhưng do sợ bị sao chép nên Nga đã từ chối cung cấp. Trung Quốc đã phải tự xoay xở để có cáp gắn trên tàu nhưng chất lượng thì chưa rõ. Mặt sàn và cách bố trí có giới hạn, trong khi máy bay J-15 dự kiến bố trí trên tàu cần phải chạy khoảng một nửa chiều dài tàu mới đủ cho việc cất cánh, điều này sẽ làm cho nó trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện việc đồng thời cất và hạ cánh. Sự phụ thuộc vào công nghệ Nga khiến tầm hoạt động và khả năng tác chiến trên biển của tàu Liêu Ninh và cả những tàu “đàn em” của nó bị hạn chế. Các đặc điểm của con tàu cũng gặp nhiều khó khăn với môi trường hoạt động mở ngoài biển.

Người ta còn nhớ, ngày 15/8/2013, sau khi tiến hành đợt thí nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện trên biển lần thứ ba, thay vì trở về Thanh Đảo, tàu sân bay Liêu Ninh đã phải cập cảng nhà máy đóng tàu Đại Liên. Việc này làm dấy lên nghi vấn Liêu Ninh đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, cần phải sửa chữa quy mô. Ví như, chất lượng thép sử dụng để chế tạo tàu Liêu Ninh không đồng nhất, nên nhiều khả năng thân tàu dễ bị biến dạng và mất thăng bằng.

Thứ hai, máy bay chiến đấu của Trung Quốc mang quá đậm dấu ấn Nga, đặc biệt là các động cơ máy bay đều nhập từ Nga. Ngoài ra, Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm trong kỹ thuật chế tạo máy bay có khả năng xếp cánh, kỹ thuật tăng cường khả năng cất, hạ cánh của máy bay, mọi việc hầu như bắt đầu từ con số không. Chưa hết, sau khi nghiên cứu chế tạo thành công thì việc đưa loại máy bay này vào sử dụng trên tàu sân bay như thế nào đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình tàu sân bay của Trung Quốc.

Máy bay J-15 trang bị cho tàu Liêu Ninh chưa thấm tháp gì so với máy bay tiêm kích F/A-18 Super Hornet của lực lượng Hải quân Mỹ, là loại máy bay chuyên hoạt động trên tàu sân bay kiêm máy bay tấn công. Theo các chuyên gia quân sự đánh giá thì chỉ trong thời tiết lý tưởng, sóng yên biển lặng, tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc mới có thể cất, hạ cánh được trên tàu sân bay này, còn trong điều kiện thời tiết xấu thì nó đành “nằm ngủ”. Ai cũng biết, nếu máy bay tiêm kích trên hạm bị tê liệt thì cả cụm tàu sân bay cũng không còn khả năng tác chiến. Máy bay J-15, nếu mang 12 tấn thì không thể nào cất cánh được từ tàu sân bay, còn nếu nạp nhiên liệu đầy thì nó lại chỉ có thể mang được hai tấn vũ khí. Bán kính tác chiến chỉ gói gọn trong 120 km, điều này dẫn đến việc sẽ cần một lượng lớn J-15 cho một nhiệm vụ đơn giản.

Thứ ba, nếu không có máy bay cảnh báo sớm hiện đại thì tàu sân bay sẽ chỉ có thể hoạt động trong bán kính tác chiến của các máy bay xuất phát từ các căn cứ đất liền bố trí ven biển mà thôi. Hiện tại, Hải quân Trung Quốc chủ yếu sử dụng loại máy bay báo động sớm KJ-200, trong tương lai có khả năng sẽ được trang bị loại máy bay báo động sớm KJ-2000. Căn cứ vào tầm hoạt động khoảng 3.600 km của máy bay KJ-200 thì việc khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông trong trường hợp máy bay cất cánh từ quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) sẽ không còn là vấn đề. Tuy nhiên, như vậy phạm vi tác chiến của cụm tàu sân bay Trung Quốc vẫn hạn chế, khiến Hải quân Trung Quốc vẫn chỉ mang tính chất lực lượng hải quân tác chiến và phòng ngự khu vực biển gần. Tàu sân bay Mỹ có máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye với tầm bay và phạm vi hoạt động vượt trội hơn hẳn máy bay trực thăng Kamov KA-31 hiện có trên tàu Liêu Ninh. E-2 Hawkeye có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết chứ không bị giới hạn như chiếc KA-31 chỉ hoạt động trong những điều kiện nhất định.

Cận cảnh tàu sân bay Thi Lang
Cận cảnh tàu sân bay Thi Lang

Thứ tư, tàu sân bay không thể tác chiến đơn độc mà phải nằm trong thành phần cụm tác chiến tàu sân bay, và từ tàu sân bay đến cụm tác chiến tàu sân bay là cả một khoảng cách mênh mông về công nghệ, kỹ thuật, chiến thuật. Cụm tác chiến 1 tàu sân bay của Hải quân Mỹ lấy 1 tàu sân bay làm hạt nhân, lực lượng phối thuộc thông thường gồm 4 tàu tuần dương mang tên lửa phòng không, 4 tàu hộ vệ và khu trục chống ngầm, 1-2 chiếc tàu ngầm hạt nhân tiến công, cùng 1-2 tàu hậu cần hoặc tàu tiếp dầu cao tốc. Trong khi đó, tàu Liêu Ninh hiện chỉ được 4 tàu hộ tống, gồm 2 tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương và Thạch Gia Trang - kích thước nhỏ hơn, vũ khí ít hơn tàu cùng loại của nước ngoài, cùng 2 tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Duy Phường - không đủ sức bảo vệ tuyệt đối cho tàu Liêu Ninh.

Cuối cùng, vấn đề khó khăn nhất, đòi hỏi thời gian nhiều nhất là khâu bồi dưỡng nhân tài. Trung Quốc được cho là vẫn thiếu nhân lực để vận hành tàu sân bay và những tàu chiến thế hệ thứ 3 một cách trôi chảy; phi công nước này cũng chưa đủ trình độ cất/hạ cánh từ tàu; việc xây dựng đội ngũ nhân viên có khả năng phối hợp hiệu quả giữa tàu sân bay với các lực lượng tàu chiến khác tạo thành sức chiến đấu toàn diện, nhất thể vẫn cần phải có nhiều thời gian. 

Hiện chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang được đẩy mạnh tiến độ chế tạo tại Trường Hưng Đảo, Thượng Hải; chiếc thứ ba đang đóng tại xưởng đóng tàu Đại Liên. Đây sẽ là những tàu sân bay hoàn toàn nội địa, có quy mô tương tự chiếc Liêu Ninh. Tuy nhiên, do dập khuôn theo mẫu chiếc Liêu Ninh vốn đã lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật, những chiếc tàu mới này cũng không được giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo ý kiến các chuyên gia quân sự, với việc đưa vào sử dụng tàu sân bay, Trung Quốc có khả năng mở rộng bán kính chiến đấu, tăng cường khả năng chiến đấu cũng như đưa sức mạnh ngăn chặn của Hải quân Trung Quốc vượt xa ngoài chuỗi đảo đầu tiên. Nhưng ngăn chặn thành công hạm đội Hải quân Mỹ vẫn còn là chuyện xa xôi: theo tính toán, để tiêu diệt 1 tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc cần “hóa vàng” 40% lực lượng hải quân của mình (Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay). Hải quân Trung Quốc hiện đứng thư tư thế giới về sức mạnh (sau Hải quân Mỹ, Nga, Nhật Bản), và theo đánh giá của các nhà phân tích quân sự, với khoảng cách công nghệ như hiện nay, thứ bậc này khó thay đổi dù là đến năm 2050.