Vì sao Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) có thể đưa quân tới Kazakhstan can thiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan dẫn đến bạo loạn khiến hàng ngàn người thương vong. Tổng thống Tokayev, ngày 6/1 đã yêu cầu lực lượng của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể tới giúp ổn định tình hình.
Quân đội Nga lên đường tới Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo sứ mạng của CSTO (Ảnh: Sina).
Quân đội Nga lên đường tới Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo sứ mạng của CSTO (Ảnh: Sina).

Các cuộc biểu tình được phát động với cớ “phản đối tăng giá gas” ở Kazakhstan đã biến thành các cuộc đụng độ đẫm máu, dẫn đến 35 nhân viên thực thi pháp luật chết và 353 người bị thương; phía người biểu tình cũng có hàng chục bị chết và hơn 1.000 người bị thương; Almaty, thành phố lớn nhất nước, rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Sau cuộc bạo động vào đêm thứ Tư (5/1), chính quyền đã phát động một "chiến dịch đặc biệt chống khủng bố" ở Almaty vào sáng ngày 6/1. Một số lượng lớn quân đội đã tập kết ở trung tâm thành phố và đấu súng với những người biểu tình ở Quảng trường Cộng hòa. Tổng thống Tokayev tuyên bố, tại sân bay do những người biểu tình chiếm giữ, những kẻ khủng bố đã bắt giữ 5 máy bay chở khách và 2 binh sĩ bị thiệt mạng trong hành động này; những tin tức trên mạng nói những người bị giết không phải binh sĩ mà là cảnh sát, thi thể họ được tìm thấy trong tình trạng bị chặt đầu. Cảnh sát Almaty cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục kẻ cực đoan cố gắng định xông vào các tòa nhà chính phủ và đồn cảnh sát vào đêm thứ Tư (5/1) và đã bắt giữ khoảng 2.000 người.

Quân đội Kazakhstan hiện đã cơ bản kiểm soát được tình hình Almaty (Ảnh: Sina).

Quân đội Kazakhstan hiện đã cơ bản kiểm soát được tình hình Almaty (Ảnh: Sina).

Trước tình hình trong nước có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, Tổng thống Tokayev sáng 6/1 tuyên bố đất nước Kazakhstan đang bị xâm lược từ bên ngoài và cho biết ông đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới để giúp Kazakhstan đối phó với "mối đe dọa khủng bố", dập tắt hỗn loạn.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) sau đó thông báo quyết định gửi một lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan để "ổn định và bình thường hóa tình hình trong một thời gian giới hạn". Chủ tịch luân phiên của Hội đồng An ninh tập thể của CSTO, Thủ tướng Armenia Pashinyan tuyên bố rằng tình hình hiện nay đe dọa an ninh quốc gia và chủ quyền của Kazakhstan; Bộ Ngoại giao Belarus mô tả Kazakhstan xuất hiện âm mưu đảo chính, vì vậy Belarus là một thành viên của tổ chức CSTO, có nghĩa vụ gửi binh lính đến đó hỗ trợ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình tiến vào Kazakhstan bao gồm 3.600 binh sĩ, trong đó có 3.000 quân của Nga, 230 quân Belarus, 200 quân Tajikistan và 70 binh sĩ Armenia. Kyrgyzstan hiện vẫn chưa chấp thuận việc huy động binh sĩ tham gia chiến dịch, nhưng nếu đồng ý sẽ gửi 100 đến. Lực lượng đổ bộ đường không của Nga đã đến Almaty ngày 6/1, được trang bị các xe bọc thép chở quân và các xe chiến đấu bộ binh.

Theo quy định, nếu bất kỳ quốc gia trong CSTO nào bị xâm lược, các quốc gia thành viên khác sẽ ngay lập tức cung cấp sự trợ giúp cần thiết. (Ảnh: Sputnik).

Theo quy định, nếu bất kỳ quốc gia trong CSTO nào bị xâm lược, các quốc gia thành viên khác sẽ ngay lập tức cung cấp sự trợ giúp cần thiết. (Ảnh: Sputnik).

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), được thành lập tháng 5/2002. Tiền thân của nó là Hiệp ước an ninh tập thể CIS được ký kết vào tháng 5/1992 bởi Nga, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Năm 1993, Gruzia, Azerbaijan và Belarus đã tham gia hiệp ước này. Hiệp ước có hiệu lực từ năm 1994 và có hiệu lực trong 5 năm. Năm 1999, thời hạn 5 năm đầu tiên của hiệp ước hết hạn, Azerbaijan và Gruzia tuyên bố rút khỏi hiệp ước. Đến năm 2012, thêm Uzbekistan tuyên bố rút ra.

Hiện tại, CSTO gồm có 6 quốc gia thành viên, gồm: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể áp dụng thể chế "các nước làm chủ tịch luân phiên", các quốc gia thành viên thay phiên nhau giữ chức vụ theo hàng năm.

Mạng EuraisaNet đã đăng một bài báo cho biết việc CSTO cử binh sĩ tới Kazakhstan là lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm, tổ chức này triển khai quân đội tới một quốc gia thành viên theo đúng các điều khoản của hiệp ước. Điều 4 của “Hiệp ước An ninh tập thể” quy định, nếu bất kỳ quốc gia thành viên nào bị xâm lược, các quốc gia thành viên khác sẽ ngay lập tức cung cấp sự trợ giúp cần thiết bao gồm hỗ trợ quân sự sau khi nhận được yêu cầu của quốc gia thành viên đó. Trước đó, CSTO đã ít nhất hai lần từ chối các yêu cầu tương tự, một lần vào năm 2010 trong cuộc bạo động sắc tộc ở miền nam Kyrgyzstan và lần gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 2021.

3.600 binh sĩ Nga và các nước thành viên CSTO được đưa tới Kazakhstan để giúp ổn định tình hình (Ảnh: Sina).

3.600 binh sĩ Nga và các nước thành viên CSTO được đưa tới Kazakhstan để giúp ổn định tình hình (Ảnh: Sina).

Bài báo của EuraisaNet phân tích, mặc dù Thủ tướng Armenia Pashinyan là người chính thức tuyên bố điều quân nhưng quyết định điều quân "chắc chắn được đưa ra tại Điện Kremlin."

Tổ chức CSTO cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự. Năm 2012, CSTO tổ chức cuộc tập trận chung gìn giữ hòa bình đầu tiên, và kể từ đó đã nhiều lần tiến hành các cuộc tập trận chung, nhưng chủ yếu với mục đích chống khủng bố.

Ngoài ra, theo hãng tin TASS, Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 5/1 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin để thảo luận về tình hình Kazakhstan, sau đó ông tiếp tục các cuộc tham vấn qua điện thoại với Kazakhstan. Một bản tin tháng 8/2021 của TASS cho thấy Kazakhstan đã được mời tham gia cuộc tập trận chung Nga-Belarus mang tên "Phương Tây-2021" được tổ chức vào tháng 9/2021.

Ngoài CSTO, Kazakhstan cũng là một trong những nước sáng lập của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2001, gồm có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Nga và Trung Quốc, hiện có 8 nước thành viên bao gồm 6 nước trên và Ấn Độ, Pakistan.

Theo trang web chính thức của SCO, tổ chức này có hai cơ quan thường trực, đó là Ban Thư ký SCO tại Bắc Kinh và Ủy ban Điều hành cơ quan chống khủng bố đặt tại Tashkent, thủ đô của Uzbekistan.

Trang web của Liên Hợp Quốc đưa tin các quốc gia thành viên của SCO đã cùng nhau trấn áp các hoạt động của các cá nhân và tổ chức liên quan đến việc tuyển dụng, đào tạo và sử dụng những kẻ khủng bố, tuyên truyền khủng bố, biện hộ hoặc tài trợ cho khủng bố.

Dữ liệu cho thấy cơ quan chống khủng bố khu vực SCO đã đóng một vai trò rất tích cực: từ năm 2011 đến năm 2015, dưới sự điều phối của cơ quan này, chính phủ các nước thành viên SCO đã ngăn chặn thành công 20 cuộc tấn công khủng bố và tránh được 650 vụ tấn công phạm tội có tính chất khủng bố và cực đoan, xóa bỏ 440 trại huấn luyện khủng bố, giải tán 1.700 thành viên của các tổ chức khủng bố quốc tế, bắt giữ hơn 2.700 thành viên của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, cộng sự và những người bị tình nghi tham gia hoạt động tội phạm và dẫn độ 213 kẻ khủng bố hoặc các nhân viên liên quan đến các tổ chức cực đoan, nhiều người bị kết án tù dài hạn, 180 nghi phạm bị đưa vào danh sách truy nã, tìm ra hơn 600 cơ sở vũ khí bí mật, thu hơn 3.250 thiết bị nổ tự chế, 10.000 khẩu súng, 450.000 viên đạn và hơn 52 tấn thuốc nổ.

TRụ sở chính quyền và xe cảnh sát bị những người biểu tình đốt phá ở Almaty (Ảnh: AP).

TRụ sở chính quyền và xe cảnh sát bị những người biểu tình đốt phá ở Almaty (Ảnh: AP).

Ngoài hai tổ chức trên, Kazakhstan còn là thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), tiền thân là Hội nghị An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE) thành lập năm 1975, được đổi tên OSCE vào ngày 1/1/1995.

Theo Tân Hoa xã, OSCE bao gồm các quốc gia châu Âu, các quốc gia thành viên sau khi Liên Xô giải thể, Mỹ, Canada và Mông Cổ. Đây là tổ chức an ninh duy nhất trên thế giới bao gồm tất cả các quốc gia châu Âu và liên kết với Mỹ. Chủ tịch luân phiên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, do ngoại trưởng của các quốc gia thành viên nắm giữ.

Nhiệm vụ chính của OSCE là cung cấp nền tảng cho các quốc gia thành viên tiến hành tham vấn về các vấn đề châu Âu, đặc biệt là các vấn đề an ninh. OSCE chỉ có thể hoạt động nếu tất cả các quốc gia thành viên đạt được thỏa thuận và các quyết định của tổ chức này chỉ có hiệu lực chính trị đối với các quốc gia thành viên, không có hiệu lực pháp lý.

Kazakhstan gia nhập OSCE vào năm 1992 và đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của tổ chức này vào năm 2010.