Theo Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc ngày 1/12: Ấn Độ và Nhật Bản hiện đều mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đặc biệt trong vấn đề RCEP, Nhật Bản luôn coi Ấn Độ là đối tác có “trọng lượng chiến lược” để tăng thêm tiếng nói của họ và thậm chí “kiềm chế Trung Quốc” theo cơ chế này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Nhật nói họ không ký bởi Ấn Độ không tham gia.
Thời báo Hoàn cầu dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, trên thực tế, trước khi Hội nghị thượng đỉnh RCEP được tổ chức tại Bangkok vào đầu tháng 11, Nhật Bản đã nhiều lần đánh tín hiệu, nói họ sẵn sàng điều phối lập trường các nước, đáp ứng các mối quan tâm của Ấn Độ để đổi lấy sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP. Trên thực tế, ý định thực sự của Nhật Bản là lôi kéo Ấn Độ và làm loãng tiếng nói của Trung Quốc trong RCEP.
Nhật Bản và Ấn Độ được cho là có lập trường gắn kết với nhau trong vấn đề tham gia RCEP.
|
Nguồn tin này cho biết thêm: “Nhật Bản lo ngại sẽ bị Trung Quốc kìm hãm sau khi gia nhập RCEP, Ấn Độ tự nhiên trở thành đối tượng cho những nỗ lực tranh thủ của họ. Khi Ấn Độ cuối cùng quyết định rút lui, Nhật Bản cảm thấy càng cô độc hơn”.
Theo Bloomberg ngày 29/11, ông Hideaki Makihara, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nhật, nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng Nhật Bản sẽ không xem xét việc ký RCEP trong tình hình không có sự tham gia của Ấn Độ. Bloomberg cho biết ông Hideaki Makihara khi nói về RCEP đã cho rằng sự tham gia của Ấn Độ rất quan trọng từ góc độ an ninh quốc gia, chính trị và kinh tế. Mặc dù 15 quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề RCEP, nhưng Nhật Bản “chỉ xem xét các cuộc đàm phán nếu có sự tham gia của Ấn Độ” và “Nhật Bản sẽ tiếp tục thuyết phục Ấn Độ tham gia”.
Ông Hideki Makihara cũng cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Ấn Độ vào giữa tháng 12 và chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng chuyến thăm này để thuyết phục Ấn Độ.
Theo tin trước đó của Hãng thông tấn Kyodo, Thủ tướng Shinzo Abe dự định đến thăm Ấn Độ từ ngày 15 đến 17/12. Ông sẽ tới Mumbai và những nơi khác trong chuyến đi kéo dài ba ngày và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Hiroshi Kajiyama sẽ tháp tùng ông trong chuyến thăm.
Hồi tháng 10, ông Tập Cận Bình đã thăm không chính thức Ấn Độ và gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi nhưng không thuyết phục được Ấn Độ tham gia RCEP.
|
Bloomberg cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang tích cực tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ trong các lĩnh vực rộng lớn hơn để cân bằng với vị thế chủ đạo của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Được biết, RCEP bao gồm tổng cộng 16 quốc gia, ngoài các nước ASEAN, còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. 16 quốc gia này chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần một nửa dân số của thế giới. Nếu đạt được một hiệp định thương mại tự do, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Từ năm 2012 đến nay, tốc độ tiến triển trong các cuộc đàm phán đã chậm lại đáng kể, nguyên nhân do các nước chủ chốt như Ấn Độ cảm thấy bất an bởi dòng hàng hóa Trung Quốc chảy vào. Ấn Độ lo ngại nếu thị trường được mở cửa theo hiệp định, một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ vào, khiến hàng hóa địa phương Ấn Độ mất đi chỗ đứng.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2019, cuộc đàm phán về RCEP đã đạt được bước đột phá. Tối ngày 4/11, 16 quốc gia bao gồm 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ra một Tuyên bố chung về tiến trình đàm phán RCEP. Tuyên bố nêu rõ, ngoại trừ Ấn Độ, 15 quốc gia đã đạt được nhất trí và sẽ ký một hiệp định vào năm 2020.
Trong bối cảnh thương chiến Trung - Mỹ diễn ra gay cấn, Trung Quốc nỗ lực để RCEP sớm được ký kết và có hiệu lực.
|
Tuyên bố chỉ ra rằng Ấn Độ có những vấn đề lớn chưa được giải quyết. Tất cả các quốc gia tham gia RCEP sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề còn tồn tại này theo cách đáp ứng thỏa đáng lẫn nhau. Quyết định cuối cùng của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào việc các vấn đề này có thể được giải quyết thỏa đáng hay không.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật ngày 12/11 đưa tin, chính phủ Nhật hy vọng sẽ tránh được tình trạng ảnh hưởng của Trung Quốc quá nổi bật sau khi Ấn Độ rút lui. Những người có liên quan ở Bộ Ngoại giao Nhật bày tỏ xem xét thúc giục Ấn Độ tham gia.
Trên thực tế, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, tờ Hindustan Times đã đưa tin Nhật Bản gây áp lực Trung Quốc nhượng bộ để thúc đẩy Ấn Độ gia nhập RCEP. Phía Trung Quốc luôn hy vọng rằng RCEP sớm được ký, đặc biệt là trong bối cảnh những bất ổn do cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ gây ra. India Today ngày 4 tháng 11 đã dẫn nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ký kết hiệp định tại hội nghị thượng đỉnh RCEP vào ngày 4 tháng 11. Động thái này được coi là để Trung Quốc cân bằng các tác động của một cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ. Tuy nhiên nỗ lực này của Trung Quốc đã không thành công khi Ấn Độ bất ngờ tuyên bố rút lui vào giờ chót.