Theo trang quân sự của Chinatimes ngày 19/6, Tạp chí Mỹ Air Force Magazine số mới nhất đưa tin, Quyền Bộ trưởng Không quân John P. Roth hôm 17/6 đã tuyên bố: để cho phép 76 máy bay ném bom chiến lược B-52 "Stratofortress" tiếp tục kéo dài sứ mệnh của chúng thêm 30 năm nữa, chính phủ sẽ chi cho việc thay thế động cơ của các “ông già” này theo Chương trình thay thế động cơ thương mại (Commercial Engine Replacement Program CERPCERP) với dự toán mới nhất là 11 tỉ USD, tăng 1 tỉ USD so với ước tính trước đó là 10 tỉ USD.
Ông John P. Roth nói với các thành viên của House Armed Services Committee (Ủy ban Quân lực Hạ viện) tại buổi điều trần hôm 17/6 rằng, ông đang đánh giá các tư liệu mới nhất về yêu cầu tính năng hiệu suất, tính phức tạp của việc tích hợp động cơ hiện đại với thân khung các B-52 cũ kĩ, tình trạng của các hãng sản xuất thương mại hiện có và các thiết kế mô phỏng liên quan, v.v. Sau đó sẽ báo cáo chi phí ước tính của chương trình thay thế nâng cấp động cơ B-52. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng kế hoạch này là một trong những mục tiêu áp dụng của chiến lược mua sắm mới mang tên “Pathfinder” của Không quân Mỹ, có thể bỏ qua nhiều bước phức tạp và vô nghĩa, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện kế hoạch khoảng ba năm.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chi ít nhất 11 tỷ USD để thay thế động cơ, nâng cấp kéo dài niên hạn phục vụ cho các máy bay B-52 thêm 30 năm nữa (Ảnh: Chinatimes). |
Bộ Tư lệnh tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ (AFGSC) hồi năm 2018 đã ước tính rằng chương trình thay thế động cơ thương mại B-52 có thể tiêu tốn 22 tỉ USD, số tiền rất lớn so với số liệu hiện tại. Tuy nhiên, Air Force Magazine cho rằng: "Người ta chỉ ra rằng chi phí của dự án sẽ chỉ biết chính xác cho đến khi Không quân Mỹ thực sự chọn được nhà cung cấp thắng thầu”. Hiện tham gia đấu thầu bao gồm các hãng sản xuất động cơ lớn như Pratt & Whitney, General Electric và Rolls-Royce.
Thay thế động cơ thương mại là một trong những hạng mục quan trọng của kế hoạch hiện đại hóa các siêu pháo đài bay B-52 "Stratofortress". Nó được kỳ vọng sẽ tăng hiệu suất nhiên liệu lên 30%, điều này không chỉ giúp tiết kiệm nhiều tiền nhiên liệu mà còn giảm đáng kể yêu cầu tiếp nhiên liệu trên không của loại máy bay này khi thực hiện các nhiệm vụ ở xa; đồng thời giảm bớt đáng kể nhu cầu bảo dưỡng hậu cần. Các động cơ mới thậm chí có thể không cần tháo rời để đại tu.
Các dự án hiện đại hóa khác bao gồm thay thế radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), tích hợp nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn và cập nhật thiết bị điện tử hàng không. Hiện chưa rõ chi phí hoàn chỉnh của kế hoạch nhưng dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 804 triệu USD trong năm tài chính 2022 này.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, trang tin quân sự Military.com đã đưa tin, ngoài việc chuẩn bị mua mới 608 động cơ cho phi đội 64 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 "Stratofortress", Không quân Mỹ cũng đã tiếp tục cải tiến hệ thống phanh và thiết kế bánh càng của các “ông già” đã bắt đầu phục vụ từ năm 1955 này để chúng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến năm 2050, thách thức trở thành những "cụ máy bay" trăm tuổi.
Theo trang web này, Không quân Mỹ đã lựa chọn Collins Aerospace, một công ty con của hãng Raytheon, để thiết kế hệ thống phanh mới cho B-52. Ông Matthew Maurer, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phụ trách các dự án quân sự, hệ thống cơ khí và hạ cánh của công ty này, nhấn mạnh rằng việc sử dụng vật liệu carbon DURACARB của công ty có thể làm giảm thiệt hại do hệ thống phanh của máy bay gây ra nhiệt độ cao khi hạ cánh, giúp tăng tuổi thọ hệ thống và nâng quãng đường hệ thống phanh hoạt động dự kiến có thể từ khoảng 2.400 km của hệ thống hiện có lên tới hơn 20.000 km.
Tuy đã được sản xuất cách đây gần 70 năm, nhưng B-52 vẫn được Không quân Mỹ ưa chuộng vì dễ vận hành, chi phí thấp, dễ bảo dưỡng nâng cấp và mang được nhiều vũ khí (Ảnh: Military). |
Loại vật liệu này đã được ứng dụng vào hệ thống phanh của các máy bay vận tải C-130, tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ. Collins Aerospace không tiết lộ giá trị của hợp đồng liên quan, nhưng ông Matthew Maurer chỉ ra rằng hệ thống này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023 và phi đội B-52 sẽ được thay thế phanh vào năm 2026.
Ngoài ra, do loại động cơ Pratt & Whitney TF33-P-3/103 mà B-52 đang sử dụng đã quá cũ kĩ, thậm chí còn xảy ra tình huống nguy hiểm động cơ rơi khi đang bay nên Không quân Mỹ năm 2020 đã chính thức mở thầu mua 608 động cơ cho phi đội 76 chiếc B-52 hiện nay. Các nhà sản xuất động cơ lớn như Pratt & Whitney, General Electric và Rolls-Royce đều đã tham gia đấu thầu, nhưng do yêu cầu khắt khe của Quốc hội Mỹ, Lực lượng Không quân vẫn chưa xác định được nhà thầu thắng thầu.
Mặc dù loại máy bay ném bom chiến lược mới B-21 sắp trình làng, B-1B và B-2 của Không quân Mỹ sẽ dần được nghỉ hưu, nhưng loại máy bay tiền nhiệm của hai loại này là B-52 lại có những ưu điểm như chi phí vận hành thấp, dễ dàng nâng cấp và tân trang khiến Không quân Mỹ rất ưa thích và tiếp tục cải tiến để loại máy bay này có thể sẽ phục vụ cho đến những năm 2050. Đến khi đó chúng sẽ trở thành những "cụ máy bay" trăm tuổi.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 “Stratofortress”bay chuyến đầu tiên vào ngày 15/4/1952, được đưa vào biên chế tháng 2/1955, đơn giá 14,43 triệu USD/chiếc. Tổng số Mỹ đã sản xuất 744 chiếc B-52, cho đến nay chỉ còn 76 chiếc đang hoạt động.