Đánh cắp bản quyền quy mô lớn: Từ động cơ máy bay đến hệ thống phòng không Pantsir-S1
Gần đây, ông Yevgeny Livadny, Giám đốc phụ trách sở hữu trí tuệ của tập đoàn công nghệ quốc phòng Nga Rostec, nói với truyền thông rằng Trung Quốc đã xâm phạm bản quyền, làm nhái các vũ khí và thiết bị của Nga với quy mô lớn, từ động cơ hàng không đến máy bay chiến đấu Sukhoi, từ máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên tàu sân bay đến hệ thống tên lửa phòng không và cả tên lửa phòng không vác vai. Ông nói rằng ngay cả hệ thống phòng không tầm ngắn hỗn hợp Pantsir-S1 nổi tiếng của Nga bao gồm các tên lửa và pháo phòng không cũng đã thấy xuất hiện sản phẩm vi phạm bản quyền có hình dạng tương tự ở Trung Quốc.
Hệ thống phòng không hỗn hợp tầm gần Pantsir-S1 của Nga hoạt động rất có hiệu quả ở Nga có tin đã bị Trung Quốc sao chép.
|
Quân đội Nga đang tích cực sử dụng hệ thống phòng không tầm ngắn loại Pantsir-S1 trên chiến trường Syria. Một số nhà phân tích quân sự Nga đã nhận thấy rằng Trung Quốc đang đặc biệt chú ý đến hiệu suất và cách sử dụng của hệ thống phòng không này. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin nhiều về hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên chiến trường Syria. Hệ thống phòng không Pantsir-S1 này được triển khai tại căn cứ của Nga ở Syria đã liên tục bắn hạ các máy bay không người lái và các vật thể bay khác trong các vụ xâm nhập tấn công.
Tập đoàn Công nghệ Quốc phòng Rostec hiện đang kiểm soát hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp quân sự chủ yếu; công ty xuất khẩu quốc phòng Rosoboronexport độc quyền kinh doanh xuất khẩu vũ khí hiện cũng nằm dưới sự kiểm soát của gã khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Nga này.
Ông Yevgeny Livadny cho biết, tình hình làm nhái vũ khí Nga của nước ngoài rất phức tạp. Chỉ riêng trong 17 năm qua, đã phát hiện hơn 500 trường hợp vi phạm bản quyền làm nhái sản phẩm. Nga có các đội chuyên gia được cử ra đồn trú ở nước ngoài để theo dõi các hành vi xâm phạm bản quyền.
Máy bay tiêm kích J-11B được Trung Quốc sao chép từ nguyên mẫu Su-27 của Nga.
|
Nhưng ông Yevgeny Livadny cho rằng, so với các hãng chế tạo vũ khí lớn của phương Tây rất coi trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, cả Bộ Quốc phòng Nga và các doanh nghiệp quân sự đều không xin đăng ký bản quyền sáng chế ở nước ngoài. Vì vậy, ngay cả khi phát hiện ra hành vi làm nhái xâm phạm bản quyền, phía Nga cũng chỉ có thể dừng lại ở đó, không thể kiện những kẻ ăn cắp bản quyền của mình ra tòa. “Các công ty nước ngoài như Raytheon hay BAE Systems có 5.000 bằng sáng chế ở nước ngoài. Họ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, do đó sẽ ít có rủi ro. Trong khi đó, cả Bộ Quốc phòng hay các công ty doanh nghiệp quốc phòng Nga đều không đăng ký bằng sáng chế ở nước ngoài”, ông Livadny cho biết.
Số lượng mua không nhiều, mục đích là để sao chép
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là khách mua chủ yếu các vũ khí và thiết bị quân sự của Nga. Nhưng vi phạm bản quyền và làm nhái cũng là vấn đề chủ yếu mà cả hai bên phải đối mặt trong hợp tác công nghệ quân sự. Trong khoảng hai, ba năm qua, các dự án mua bán vũ khí lớn của Nga với Trung Quốc bao gồm máy bay chiến đấu Su-35 và tên lửa phòng không S-400, nhưng Trung Quốc đã mua các vũ khí này với số lượng rất hạn chế.
J-15 cất cánh trên hạm là bản nhái của Su-33 của Liên Xô cũ.
|
Ông Aleksandr Khramchkhin, Viện phó Viện Phân tích Quân sự và chính trị Nga, cho rằng mục đích chính của việc Trung Quốc mua sắm các vũ khí này không thể tách rời việc bắt chước, sao chép.
Ông nói: “Trung Quốc chỉ muốn sao chép loại máy bay chiến đấu Su-35, vì vậy Trung Quốc không mua số lượng nhiều. Đó là vì Trung Quốc có mục đích khác. Để có mẫu sao chép, Trung Quốc đã mua lô số lượng nhỏ nhất loại máy bay chiến đấu này”.
Truyền thông Nga: 95% vũ khí Trung Quốc có nguồn gốc từ Nga
Tờ Military-Industrial Courier của Nga đã đăng tải một bài báo dài nói rằng Trung Quốc đã phát triển loại máy bay J-11B của họ trên cơ sở máy bay chiến đấu Su-27 và loại J-15 cất hạ cánh trên tàu sân bay trên cơ sở máy bay Su-33; còn loại máy bay ném bom chiến lược H-6 thì được sao chép từ loại Tu-16. Kể từ năm 2012, các xe chiến đấu bộ binh chủ lực được trang bị cho quân đội Trung Quốc cũng có ngoại hình khiến người ta nghĩ ngay đến hai loại xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô và Nga. Tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường lớp Yuan của Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ của Nga.
Tieemkichs J-7 được phát triển theo nguyên mẫu MiG-21 của Liên Xô cũ.
|
Đài Truyền hình Zvezda TV của quân đội Nga, đã phát một phóng sự dài, liệt kê từng thứ một, điểm lại việc từ những năm 1950 đến nay, Trung Quốc đã sao chép ra sao những vũ khí và thiết bị của Liên Xô và Nga trên quy mô lớn, bao gồm nhiều loại vũ khí, xe tăng và máy bay chiến đấu khác nhau.
Zvezda TV cho rằng, có thể khẳng định 95% vũ khí và thiết bị hiện đang được trang bị cho quân đội Trung Quốc có nguồn gốc vũ khí của Liên Xô hoặc Nga. Điều đáng nói, khi Trung Quốc sao chép một số vũ khí và thiết bị, do công nghệ không đạt yêu cầu, cũng phá hoại uy tín của vũ khí Liên Xô và Nga về độ tin cậy và chất lượng. Phóng sự của Zvezda TV cho rằng, Trung Quốc đã làm nhái máy bay chiến đấu J-7 trên cơ sở loại MiG-21 do Liên Xô sản xuất và Trung Quốc đã chiếm dụng công nghệ này trong suốt hơn 20 năm.
Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc là bản sao của máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô cũ.
|
Nhiều nhà phân tích quân sự Nga cho rằng do công nghệ phức tạp của động cơ hàng không, việc bắt chước của Trung Quốc không được suôn sẻ, nên nhiều động cơ máy bay chiến đấu vẫn phải dựa vào việc nhập khẩu từ Nga.
Nhiều năm trước, Trung Quốc đã cố gắng mua loại máy bay chiến đấu cất hạ cánh trên tàu sân bay Su-33 từ Nga vài năm trước, nhưng vụ giao dịch này đã bị chết yểu. Trung Quốc sau đó đã có được một bản mẫu một chiếc Su-33 thế hệ đầu tiên mà Liên Xô đã vứt bỏ từ Ukraine, do đó hỗ trợ rất nhiều cho việc họ nghiên cứu phát triển loại máy bay chiến đấu J-15 cất hạ cánh trên tàu Liêu Ninh.