Vì một nền giáo dục tráng kiện

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự yếu đuối, tình trạng mỏi mệt và thiếu vắng năng lượng sống, năng lượng học tập đang là một vấn đề lớn ở học sinh, sinh viên mà ngành Giáo dục cần dành tâm sức giải quyết.

Hiện nay chiều cao trung bình của người Việt đang thấp hơn so với chuẩn quốc tế khoảng 10cm, và thuộc vào loại thấp nhất châu Á. Tầm vóc và thể lực của người Việt nói chung và đặc biệt là học sinh dường như đang bị bỏ quên trong nền giáo dục của chúng ta.

Chúng tôi nói “bỏ quên” không phải là do nó không được nhắc tới; có nhắc, thậm chí nhắc nhiều nhưng hành động cho một sự cải thiện trên thực tế thì dường như rất vắng vẻ hẩm hiu.

Một chương trình học và thi cử liên miên nặng nề với sáng trưa chiều tối đến phờ phạc ngơ ngẩn; một thứ văn hóa phân biệt sang hèn cao thấp càng ngày càng bị khoét sâu giữa các môn học được gọi là “chính” - “phụ” đã dần hình thành nên nếp nghĩ thiếu lành mạnh trong xã hội.

Tuy lúc nói lúc không nhưng trong nhìn nhận của ngay ngành Giáo dục cho đến các cấp quản lý vẫn coi các môn tự nhiên là quan trọng hơn xã hội, coi Giáo dục công dân là môn phụ. Ngay cả môn Tin học vào lúc đất nước đang chuyển đổi số mạnh mẽ này cũng vẫn bị coi là môn phụ – một sự thật khó tin!

Giữa một xã hội đẳng-cấp-môn-học như thế thì thể dục chỉ là “học cho có”. Có thể nói không ngoa rằng môn Giáo dục thể chất ở phổ thông đang bị quên lãng, nó chỉ còn là một giờ “không phải học” để ngồi vật vạ trên các ghế đá và gốc cây trong sân trường. Và tất nhiên là cuối năm sẽ chẳng có em nào “không đạt” cả.

Xin chớ hiểu lầm, chúng tôi không cho rằng cứ dạy tốt môn Thể dục thì học sinh Việt Nam sẽ tráng kiện. Một chương trình tổng thể phải được kiến thiết lại, thể dục thể thao phải có một vị trí trung tâm trong trường học. Các hoạt động rèn luyện và vận động cũng phải được nhìn nhận bằng con mắt tôn trọng và khích lệ y như việc đọc sách, luyện bài.

Vấn đề của học sinh Việt Nam không phải chỉ là chuyện chiều cao cân nặng, mà là sức khỏe, là thể lực. Không phải chỉ sức khoẻ thể chất mà song hành phải sức khoẻ tinh thần. Chúng ta đang có những thế hệ học sinh yếu đuối, mỏi mệt; những học sinh “mềm như cọng bún” và xanh như tàu lá. Sự thiếu sức sống, thiếu sinh khí đang bao trùm.

Các chuyên gia và giới hữu trách thường nhận định rằng vấn đề thể lực và tầm vóc người Việt bị quyết định bởi dinh dưỡng. Điều này không hoàn toàn đúng. Thức ăn không thể giải quyết hết được vấn đề của tinh thần. Khoảng vài chục năm trở lại đây, chuyện ăn uống của đa số dân cư đã không còn là vấn đề nữa, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Theo chúng tôi, chính văn-hóa-giáo-dục mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng những đứa trẻ yếu đuối, xanh xao, mềm nhũn này.

Cái èo uột của học sinh Việt Nam bị gây ra bởi không những sự quá tải của chương trình, mà lớn hơn là bởi việc “sợ học”. Đi học với tâm lý đối phó, với sự gắng gượng và mòn mỏi vì một lối giáo dục chưa tạo được động cơ tích cực từ bên trong, điều ấy tất yếu làm hao mòn và héo úa tâm hồn, làm suy kiệt nguồn năng lượng sống vốn dĩ đầy ắp bên trong.

Chúng ta cần nuôi dưỡng một dân tộc tráng kiện bởi sự tráng kiện của các thế hệ trẻ nối tiếp. Muốn như thế, phải xây dựng được một nền giáo dục tráng kiện. Lấy con người và niềm vui của con người làm mục đích; lấy đời sống của cá nhân và nhu cầu của cá thể để theo đuổi; một nền giáo dục như thế gọi là “giáo dục nhân bản”.