Trung Quốc và Đài Loan “đang trên bờ vực chiến tranh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Căng thẳng ở eo biển Đài Loan đã tăng đến điểm mà nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang “ở mức cao chưa từng thấy”, theo hãng phân tích được Bắc Kinh hỗ trợ.
Một chiến đấu cơ Đài Loan đang theo sát máy bay ném bom của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan hồi năm ngoái (Ảnh: SCMP)
Một chiến đấu cơ Đài Loan đang theo sát máy bay ném bom của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan hồi năm ngoái (Ảnh: SCMP)

Viện nghiên cứu Xuyên eo biển Trung Quốc mới đây đã công bố một bản báo cáo về mối quan hệ giữa hai phía của eo biển chia tách Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Họ nói, các nhà nghiên cứu đã nhìn vào nhiều nhân tố khác nhau, trong đó có sức mạnh quân sự của hai bên, quan hệ thương mại, dư luận, các sự kiện chính trị và sự hỗ trợ từ các đồng minh… và đưa ra kết luận rằng hai bên “đang trên bờ vực chiến tranh”.

Hãng phân tích có trụ sở tại Hong Kong mới được thành lập và dẫn dắt bởi Lei Xiying, một thành viên của Liên đoàn Thanh niên toàn Trung Quốc.

Kết luận mà hãng này đưa ra là dựa trên chỉ số về mức độ rủi ro xảy ra xung đột vũ trang trên toàn khu vực eo biển, trong đó các nhà nghiên cứu đặt ở mức 7,21 trong năm 2021. Họ cũng nhìn vào cùng những nhân tố tương tự trong khoảng những năm 1950 để so sánh mức độ rủi ro. Theo đó, vào đầu những năm 1950, chỉ số này thấp hơn bây giờ, chỉ ở mức 6,7.

Chỉ số trên ở mức 6,5 trong phần lớn những năm 1970 nhưng sau đó giảm xuống còn 4,55 vào năm 1978, khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Nguy cơ xung đột cũng ở mức thấp trong khoảng những năm 1990, thời điểm Trung Quốc tập trung vào cải cách kinh tế và thu hút các khoản đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có cả từ Đài Loan.

Tuy nhiên, chỉ số này nhanh chóng tăng kể từ năm 2000, thời điểm mà đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) nắm quyền ở Đài Loan, chấm dứt sự cầm quyền kéo dài 55 năm của Quốc dân đảng (Kuomintang) thân Trung Quốc.

Chỉ số nguy cơ ở mức trên 6 vào năm 2018, khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ và đưa ra hướng tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc đồng thời thắt chặt hơn quan hệ với Đài Loan.

Mỹ, cũng giống như phần lớn các nước, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng lại là nước ủng hộ quan trọng nhất và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất đối với hòn đảo này.

Tờ The Economist trong tháng này đã gọi eo biển Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới” bởi đây là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Bắc Kinh và là một điểm tranh chấp lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và không ngại dùng vũ lực để giành lại.

Ông Lei, người đứng đầu hãng phân tích, nói rằng động lực chính trị dần thay đổi ở eo biển Đài Loan và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Washington và Đài Bắc là 2 “nhân tố hủy diệt” khiến cho nguy cơ xung đột tăng cao.

“Nếu như xu hướng hiện nay cứ tiếp tục… việc Bắc Kinh tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực sẽ chỉ là vấn đề thời gian” – ông Lei nói.

Lei nói rằng, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sát quan hệ quân sự đang được thắt chặt giữa Mỹ và Đài Loan, bởi nó ảnh hưởng lớn tới chỉ số nguy cơ xung đột.

Tuy nhiên, Lim John Chuan-tiong, cựu nghiên cứu viên tại Viện Sinica của Đài Loan, cho rằng tình hình hiện tại không thể tồi tệ như trong những năm 1950, thời điểm xảy ra cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Đài Loan.

“Nhưng xét về tình hình đáng báo động hiện nay, nếu như bất cứ bên liên quan nào đánh giá sai hoặc có bước đi sai lầm, không sai khi nói rằng mức độ rủi ro dọc eo biển Đài Loan ở mức cao chưa từng thấy” – ông Lim nói.

“Bắc Kinh trước đây từng tin rằng quan hệ Mỹ-Trung nằm trong tầm kiểm soát, Đài Loan sẽ không phải là một vấn đề” – ông Lim nói – “Nhưng quan hệ Mỹ-Trung đã suy giảm mạnh dưới thời cựu Tổng thống Trump và giờ không hề có tín hiệu được cải thiện dưới thời chính quyền ông Joe Biden – vốn dựa nhiều hơn vào các đồng minh như Đài Loan để kìm hãm Trung Quốc”.

Theo SCMP