Thắng lợi của luật pháp quốc tế
Sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, nhìn chung dư luận đều dự đoán rằng, rất có thể, Trung Quốc sẽ có những hành động phiêu lưu về quân sự trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến bây giờ điều đó chưa xảy ra.
Theo ông, Trung Quốc có biểu hiện nào của việc buộc phải chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài hay không? Bắc Kinh có thể đang toan tính điều gì lớn hơn?
Trước tiên tôi phải khẳng định rằng, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài và luôn giữ lập trường của họ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sau phán quyết của Tòa trọng tài họ chưa có những bước phiêu lưu quân sự thêm là vì Tòa trọng tài được tổ chức theo khuôn khổ tòa án quốc tế chứ không phải công ty tư nhân pháp luật nào đó.
Phán quyết ngày 12/7/2016 vừa qua là dựa trên Điều 288 của Công ước Luật Biển năm 1982 và căn cứ Điều 296 về nội dung Philippines kiện nằm trong quyền hạn của tòa PCA.
Như vậy, ta thấy rằng tiếng nói của Tòa trọng tài là tiếng nói của lương tâm, của luật pháp, cộng đồng quốc tế... khiến cho mục tiêu chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn thất bại.
Thông qua phán quyết của Tòa trọng tài, cộng đồng quốc tế cũng đã công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, coi tham vọng đòi hỏi chủ quyền (đường lưỡi bò 9 đoạn) của nước này ở khu vực hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Cộng đồng quốc tế, cụ thể là các cường quốc như Nhật Bản, Mỹ, EU, Ấn Độ, Philippines... đều ra tuyên bố ủng hộ phán quyết này.
Từ những lý do trên, Trung Quốc buộc phải lựa chọn là có nên tiếp tục thể hiện “hung hăng” ở Biển Đông nữa hay không.
Nếu tiếp tục lấn tới tức là “anh” đã đối đầu với thế giới và “anh” càng lộ ra bản chất hiếu chiến, càng phơi bày bộ mặt là quốc gia không muốn phát triển hòa bình, không có trách nhiệm quốc tế.
Như vậy uy tín của Trung Quốc sẽ bị giảm sút. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đang phản ứng dè dặt.
Thắng lợi của Philippines đồng thời cũng là thắng lợi của của quyền uy luật pháp quốc tế, trong thời đại ngày nay tất cả các nước dù lớn hay bé đều phải chấp hành luật pháp quốc tế.
Sau thất bại trong vụ kiện ở Biển Đông, Trung Quốc đang dùng viện trợ kinh kế để lôi kéo sự ủng hộ của một số nước. Thời gian gần đây, Trung Quốc đang muốn ve vãn một số nước để họ đứng về hoặc không chỉ trích lập trường của Bắc Kinh. Có thể hiểu thủ đoạn này như thế nào thưa ông?
Thật ra sau phán quyết của Tòa trọng tài thì thái độ của Trung Quốc với một số nước có mềm mỏng hơn.
Nhưng, theo tôi, đây chỉ là thủ đoạn tình huống, chứ không có ý nghĩa gì vì bản chất của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không hề thay đổi.
"Trong lúc này, họ đang bị cô lập, bị dồn vào thế bí, nên họ tỏ ra nhũn nhặn để ve vãn các nước. Tôi xin nhắc lại, về vấn đề Biển Đông, bản chất của Trung Quốc là không hề thay đổi". - Tướng Cương nhấn mạnh.