|
Báo chí gặp nhiều thách thức mới trong kỷ nguyên công nghệ số. Bất cứ ai có trong tay thiết bị công nghệ cũng có thể trở thành "nhà báo" |
LTS: Stephen JA Ward là một nhà báo, nhà đạo đức truyền thông được quốc tế công nhận với các bài viết và dự án có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực đạo đức truyền thông về mặt lý thuyết và thực tiễn. Ông còn là nhà giáo dục, nhà tư vấn, diễn giả chính và tác giả từng đạt một số giải thưởng báo chí. Ông Ward có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông cả về học thuật và chuyên môn. Chúng tôi xin trích đăng hai phần bài viết của ông về đạo đức của báo chí trong kỷ nguyên số, đăng trên trang Digital Media Ethics.
Ai là nhà báo?
Sự “dân chủ hóa” của phương tiện truyền thông - công nghệ cho phép người dân tham gia vào báo chí xuất bản thông tin dưới nhiều hình thức, Điều này làm mờ đi vai trò của các nhà báo chuyên nghiệp và các thành phần cấu thành nên báo chí.
Trong thế kỷ trước, các nhà báo là một nhóm được xác định rõ ràng. Phần lớn, họ là những chuyên gia chuyên viết bài cho các tờ báo chính thống và đài truyền hình lớn. Công chúng không gặp khó khăn trong việc xác định đâu là người làm nghề báo.
Ngày nay, những người không được đào tạo về báo chí và không làm việc cho các phương tiện truyền thông chính thống cũng tự nhận mình là nhà báo. Theo cách mô tả chung thì nhà báo là người thường xuyên viết về các vấn đề cộng đồng cho công chúng hoặc khán giả.
Không phải lúc nào cũng làm rõ được thuật ngữ “nhà báo”. Nếu ai đó làm những việc tương tự như nhà báo nhưng từ chối danh “nhà báo”, thậm chí các tạp chí vẫn gọi anh ta như một nhà báo có tầm ảnh hưởng thì người đó có được gọi là một nhà báo hay không? Hay một người bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân có được gọi là nhà báo hay không? Có rất nhiều vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng ở đây.
|
Báo chí là gì?
Sự thiếu rõ ràng về việc ai là nhà báo dẫn đến những tranh luận nhất định về việc ai đang làm báo. Điều này dẫn đến câu hỏi: Báo chí là gì? Nhiều người tin rằng câu hỏi này quan trọng hơn nhiều so với việc liệu rằng ai có thể tự nhận mình là nhà báo.
Có ít nhất ba cách tiếp cận liên quan đến câu hỏi này - hoài nghi, thực nghiệm và quy chuẩn.
Theo chủ nghĩa hoài nghi, người ta cho rằng bản thân câu hỏi không quan trọng. Ví dụ, người ta có thể nói rằng bất kỳ ai cũng có thể là nhà báo và không có gì đáng tranh cãi về vấn đề ai có thể được gọi là nhà báo.
Theo kinh nghiệm, có một cách tiếp cận có hệ thống và cẩn trọng hơn về câu hỏi này. Chúng ta có thể xem xét một cách rõ ràng các ví dụ về báo chí trong lịch sử và lưu ý các loại hình hoạt động mà các nhà báo đã tham gia, ví dụ như thu thập thông tin, biên tập tin bài, xuất bản tin tức và quan điểm. Các tính năng này sẽ cung cấp định nghĩa về báo chí giúp chúng ta phân biệt báo chí với viết tiểu thuyết, kể chuyện hay chỉnh sửa thông tin cho cơ sở dữ liệu của chính phủ.
Phương pháp tiếp cận chuẩn mực nhấn mạnh rằng các nhà văn không nên được coi là nhà báo trừ khi họ có các kỹ năng phát triển cao thường có được thông qua đào tạo hoặc giáo dục chính thức, trừ khi họ tôn trọng các chuẩn mực đạo đức báo chí.
Các kỹ năng ở đây bao gồm kỹ năng điều tra, nghiên cứu, khả năng với công nghệ truyền thông của các phương tiện truyền thông, sự am hiểu về cách thức hoạt động của tổ chức tin tức và các kỹ năng giao tiếp nâng cao. Các chuẩn mực đạo đức ở đây bao gồm các cam kết về tính chính xác, xác thực và minh bạch,…
Tốc độ, tin đồn và việc sửa chữa nội dung
Các báo cáo và hình ảnh được lan truyền trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt thông qua Twitter, YouTube, Facebook, blog, điện thoại và email. Tốc độ cũng gây áp lực lên các toàn soạn nhằm xuất bản những câu chuyện trước khi chúng được kiểm tra và xác minh đầy đủ về nguồn gốc của câu chuyện và độ tin cậy của sự kiện. Các tổ chức tin tức lớn cũng thu thập tin đồn trực tuyến. Đôi khi, tác động của việc xuất bản một tin đồn trực tuyến không đủ để làm thế giới chấn động. Nhưng một phương tiện truyền thông có thế mạnh về tốc độ và khả năng chia sẻ có thể gây ra những tác hại lớn. Ví dụ, một tổ chức tin tức có thể lặp lại một tin đồn thất thiệt rằng những kẻ khủng bố đã kiểm soát được Luân Đôn, hoặc một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân đã phát tán các khí nguy hiểm về phía Chicago. Những tin tức sai sự thật này có thể gây ra sự hoảng loạn trong cộng đồng.
Một vấn đề khác phát sinh từ các phương tiện truyền thông mới là làm thế nào để xử lý các sai sót và sửa chữa chúng khi các báo cáo và bình luận liên tục được cập nhật. Nhanh đôi khi đi liền với sự cẩu thả và khi một người làm việc ở tốc độ này, các lỗi sẽ xuất hiện từ sai chính tả đến sai sự thật.
Như vậy, thách thức về đạo đức là đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để đối phó với tin đồn và sự chỉnh sửa trong thế giới trực tuyến phù hợp với các nguyên tắc chính xác, xác thực và minh bạch.
|
Tính công bằng, xung đột lợi ích và báo chí bè phái
Các phương tiện truyền thông mới khuyến khích mọi người bày tỏ ý kiến và chia sẻ quan điểm của họ một cách thẳng thắn.
Nhiều blogger tự hào khi nói lên suy nghĩ của mình so với các phóng viên chính thống - những người phải đưa tin về các sự kiện một cách công minh. Nhiều nhà báo trực tuyến tự coi mình là một người theo một phe phái nào đó hoặc các nhà hoạt động, do đó họ đã bỏ qua ý tưởng phân tích một cách khách quan, trung lập.
Báo chí đảng phái hay bè phái có ít nhất hai loại: một là báo chí quan điểm thích bình luận về các sự kiện và vấn đề, có hoặc không có xác minh. Một loại hình khác là báo chí bè phái sử dụng phương tiện truyền thông làm cơ quan ngôn luận cho các đảng phái và xu hướng chính trị. Ở một mức độ nào đó, chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của thể loại báo chí quan điểm/bè phái vốn đã từng phổ biến trước sự nổi lên của báo chí khách quan vào đầu những năm 1990.
Cả báo chí quan điểm và bè phái đều có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử báo chí. Tuy nhiên, sự hồi sinh của loại hình này trong một thế giới trực tuyến đặt ra những câu hỏi hóc búa và nghiêm trọng đối với đạo đức truyền thông hiện nay. Các nhà báo có nên bỏ qua tính khách quan? Cái nào là tốt nhất cho một nền dân chủ lành mạnh - báo chí công bằng hay báo chí bè phái?
Vấn đề gây tranh cãi kịch liệt hơn khi một số người đặt ra câu hỏi rằng các nhà báo có nên độc lập với nhóm mà họ đưa tin. Ví dụ, một số nhà báo bè phái đã bác bỏ cáo buộc “xung đột lợi ích” khi họ đã nhận tiền từ các nhóm hoặc quyên góp cho các đảng phái chính trị.
Về mặt kinh tế, các tòa soạn chính thống - những người đề cao các nguyên tắc truyền thống như tính công bằng đang cảm thấy mình đang bị buộc phải chuyển sang cách tiếp cận tin tức và bình luận theo bè phái hoặc quan điểm. Không thiên vị bị cho là đã nhàm chán với người đọc. Khán giả được cho là bị thu hút nhiều hơn trước những ý kiến mạnh mẽ và bất đồng quan điểm.
Phải chăng, ngày càng có nhiều nhà báo không còn đứng ngoài các nhóm đối lập trong xã hội hay nỗ lực đưa tin một cách trung lập, công bằng tới công chúng về quan điểm của mình? Các nhà báo đang trở thành một phần của các nhóm tìm cách tác động đến dư luận?
Thách thức đạo đức ở đây là xác định lại báo chí độc lập vì lợi ích cộng đồng có ý nghĩa như thế nào đối với phương tiện truyền thông - nơi có nhiều loại hình báo chí mới xuất hiện và các nguyên tắc cơ bản đang bị thách thức.
Mô hình kinh doanh báo chí phi lợi nhuận
|
Việc giảm độc giả và lợi nhuận của các phương tiện truyền thông chính thống khi người dùng chuyển sang trực tuyến đã buộc các tòa soạn phải cắt giảm nhân sự. Một số nhà báo đã nghi ngờ khả năng tồn tại của các mô hình kinh tế cũ dựa trên quảng báo và bán thông tin.
Trong khi đó, nhiều nhà báo đã thành lập các tòa soạn phi lợi nhuận, các trang web tin tức và trung tâm báo chí điều tra dựa trên nguồn tài chính từ các quỹ và sự đóng góp của mọi người. Những nhà báo này đã trở thành doanh nhân đang cố gắng gây quỹ cho các dự án mới của họ.
Các dự án kinh doanh mới cũng đặt ra các nghi ngờ về đạo đức.
Các tòa soạn như vậy sẽ hoạt động độc lập như thế nào khi họ chịu sự phụ thuộc về tài chính từ một số nhà tài trợ? Điều gì sẽ xảy ra nếu toà soạn dự định báo cáo một tin tức tiêu cực về một trong những nhà tài trợ của họ. Những tòa soạn lấy tiền từ ai? Họ làm thế nào để hoạt động minh bạch với nhà tài trợ của mình và trong những điều kiện nào?
Thách thức chính là xây dựng đạo đức cho lĩnh vực báo chí mới này.
Các phóng viên sử dụng mạng xã hội
|
Nhiều tổ chức tin tức khuyến khích phóng viên của họ sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin và tạo “thương hiệu” cho chính mình thông qua việc viết blog, lập tài khoản Facebook hay Twitter. Tuy nhiên, các bình luận trực tuyến có thể khiến các phóng viên gặp rắc rối với biên tập viên của họ hoặc những người mà họ bình luận, đặc biệt nếu hãng tin đó khẳng định rằng họ cung cấp các báo cáo khách quan trong khi trên mạng xã hội các phóng viên lại đưa ra một quan điểm khác về sự kiện, nhân vật được đề cập. Những nhận xét như vậy có thể khiến dư luận phàn nàn về sự thiếu công bằng của phóng viên.
Thách thức đạo đức là phát triển các nguyên tắc chỉ đạo mạng truyền thông xã hội cho phép các phóng viên khai thác thế giới truyền thông mới cũng như đưa ra các giới hạn hợp lý về bình luận cá nhân.
Nhà báo công dân và việc sử dụng nội dung công dân
Một vấn đề nan giải khác là liệu các tòa soạn có nên giữ tất cả các “kiểu” nhà báo theo cùng một tiêu chuẩn biên tập hay không? Ví dụ, nhà báo công dân có cần được yêu cầu sự công tâm hay không? Các phóng viên báo in có nên được tuân thủ một tiêu chuẩn cao hơn về vấn đề xác minh trước khi xuất bản so với các phóng viên viết tin trên trang web của một tòa soạn?
Hơn nữa, khi số lượng nhân viên tòa soạn giảm đi cùng với sự phổ biến của các tin tức trực tuyến, các tổ chức tin tức có thể sẵn sàng cộng tác với người dân để đưa tin về thảm họa, tai nạn và các tin tức nóng hổi khác. Người dân có thể cung cấp thông tin và hình ảnh về sự kiện cho tòa soạn thông qua điện thoại di động.
Các tòa soạn cần đưa ra một quy trình đối với tài liệu do người dân cung cấp, bởi nó có thể không có thật và mang tính thành kiến. Người dân khi cung cấp tin tức có nên biết về các tiêu chuẩn của tòa soạn hay không?
Câu hỏi về đạo đức đặt ra ở đây là liệu chúng ta có thể xây dựng đạo đức truyền thông mà các tiêu chuẩn được áp dụng nhất quán trên tất cả các nền tảng truyền thông hay không? Có phải chúng ta đang phải đối mặt với viễn cảnh có các hệ tiêu chuẩn khác nhau dành cho các nền tảng truyền thông khác nhau.
Báo chí hình ảnh dưới thời công nghệ photoshop
Cuối cùng, có những vấn đề đạo đức mới được đặt ra do sự phát triển của công nghệ hình ảnh mới. Hình ảnh ở đây bao gồm cả các bức ảnh và video. Người dân và các nhà báo chuyên nghiệp hiện có những cách mới và đơn giản hơn để chụp và truyền hình ảnh, chẳng hạn như smartphone. Chúng đều có những công nghệ để chỉnh sửa hình ảnh.
Với tính chất dễ chụp, dễ truyền và dễ chỉnh sửa của công nghệ ảnh ngày nay, các nguyên tắc truyền thống của phóng sự ảnh (một loại hình báo chí) trong thời đại kỹ thuật số.
Như đã đề cập ở trên, một vấn đề được đặt ra là liệu các tòa soạn có tin tưởng vào những hình ảnh có thể dễ dàng thu thập được từ người dân và nhà báo công dân hay không. Người gửi là ai và làm thế nào để chúng ta biết được hình ảnh này có thực sự là của sự kiện được đề cập.
Với sự phát triển của công nghệ chỉnh sửa hình ảnh hiện nay, nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi về độ chân thực của các hình ảnh được cung cấp. Các phóng viên ảnh thường nói về việc họ sử dụng phần mềm photoshop để thay đổi mức độ ánh sáng và màu sắc của hình ảnh giúp chúng trở nên hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa dẫn đến thay đổi ý nghĩa hoặc nội dung của hình ảnh để đánh lừa người xem sẽ bị coi là trái đạo đức.
|
Một lần nữa, thách thức đặt ra là các phương tiện truyền thông cần làm rõ những nguyên tắc để xây dựng hình ảnh một cách có trách nhiệm và cách áp dụng những nguyên tắc đó trong những trường hợp cụ thể.
Theo Digital Media Ethics