Đạo đức báo chí quan trọng như thế nào trước sự bùng nổ thông tin hiện nay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với sự mâu thuẫn giữa chất lượng và cạnh tranh, các giá trị cốt lõi của đạo đức báo chí đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đây là điều cần thiết để tạo dựng niềm tin trong công chúng.

Các "ông lớn công nghệ" như Google, Facebook, Twitter đang thống trị không gian tin tức công cộng. (Ảnh: UNESCO)
Các "ông lớn công nghệ" như Google, Facebook, Twitter đang thống trị không gian tin tức công cộng. (Ảnh: UNESCO)

“Ngày nay, các giá trị cốt lõi của đạo đức báo chí đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi chúng ta đang phải đấu tranh cho vấn đề chất lượng và cạnh tranh trong thời điểm các phương tiện truyền thông bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Lời cam kết về mặt đạo đức là điều cần thiết để xây dựng niềm tin trong lòng công chúng”, theo Aidan White - nhà sáng lập Tổ chức Mạng lưới Đạo đức Báo chí (EJN).

Báo chí đang trong một giai đoạn khác trước đó rất nhiều. Ngày nay, việc kinh doanh tin tức diễn ra nhanh chóng hơn, nhiều áp lực hơn và phức tạp hơn. Các phương tiện truyền thông đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn để nhận ra rằng - cuộc cách mạng thông tin là một con dao hai lưỡi.

Trong khi các phương tiện truyền thông tin tức có thể đưa ra những câu chuyện trên khắp thế giới chỉ trong vài giây và hệ thống tin tức có tiềm năng để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn, nhiều thông tin hơn và gắn kết hơn thì các mô hình kinh doanh trả phí của báo chí được xây dựng trong quá khứ đã bị sụp đổ và nhiều trường hợp không thể cứu vãn được nữa.

Doanh thu của báo chí công cộng sụt giảm, các tòa soạn đã phải xoay sở để duy trì nền tảng đạo đức của họ. Các vấn đề luôn nằm trong tầm ngắm - thiên vị chính trị, ảnh hưởng quá mức của các nhóm lợi ích, định kiến và xung đột lợi ích - tất cả đều đang được phóng đại.

Trong 15 năm qua, báo chí tin tức đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, khi mà công nghệ đã thay đổi cách mọi người giao tiếp với nhau và cách thức hoạt động của các công ty truyền thông. Ngày nay, hầu hết chúng ta tiếp cận tin tức thông qua smartphone và từ các nền tảng trực tuyến. Điều này ngày càng trở nên phổ biến hơn qua việc khai thác dữ liệu cá nhân và chính nó cũng đã rút kiệt quảng cáo sinh lợi của các phương tiện truyền thông truyền thống.

Sự cộng tác với các nhà báo trên toàn thế giới


Hàng nghìn ấn phẩm, chủ yếu là loại hình báo giấy đã phải đóng cửa. Hàng chục nghìn nhà báo bị mất việc. Khả năng tiếp cận của mọi người đối với các nguồn tin tức chính xác và đáng tin cậy đã bị thu hẹp do các nguồn tin tức truyền thống - đặc biệt ở cấp địa phương và khu vực - đã bị thu hẹp mặc dù không gian tự do ngôn luận được mở rộng một cách đáng kể.

Tổ chức Mạng lưới Đạo đức Báo chí (EJN) đã được thành lập cách đây 5 năm nhằm củng cố nghề báo trong giai đoạn đối mặt với cuộc khủng hoảng này.

Là một liên minh của hơn 60 nhóm các nhà báo, biên tập viên, chủ sở hữu báo chí và các nhóm hỗ trợ truyền thông, EJN thúc đẩy đào quá trình đào tạo và các hành động thực tế nhằm tăng cường đạo đức và quản lý. Công việc của EJN rất đa dạng, từ phát triển một bài kiểm tra để giúp các nhà báo vạch trần ngôn từ thù địch đến các hướng dẫn khi đưa tin về các xung đột hay xuất bản các báo cáo về vấn đề di cư - tất cả đều gây được tiếng vang lớn trong giới báo chí trên khắp thế giới.

Tuyên ngôn của EJN trong giai đoạn bất ổn này là bất chấp tình hình kinh tế và chính trị ngày càng có xu hướng thù địch thì các nhà báo ở khắp mọi nơi - từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Ai Cập đến Pakistan, Trung Quốc và Indonesia - vẫn cam kết nói sự thật và tuân thủ đạo đức.

Xây dựng lòng tin trong công chúng


Đây được coi là một tài sản vàng vào thời điểm xã hội đang chuyển đổi và văn hóa truyền thông toàn cầu cũng đang trong buổi giao thời hỗn loạn. Đối với những người đang hoạt động trong giới truyền thông và bất kỳ ai đang nỗ lực làm việc để tạo ra một môi trường thông tin liên lạc an toàn và bảo mật trong tương lai thì việc bảo vệ và tăng cường đạo đức báo chí vẫn luôn quan trọng hơn bao giờ hết.

Tin tức giả mạo, tuyên truyền chính trị và các nhóm lợi ích cùng những phát ngôn sai lệch trên nền tảng mạng xã hội đã mở ra một mặt trận mới cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia truyền thông. Sự kết hợp nguy hiểm giữa công nghệ số, chính trị sai sự thật trong bối cảnh truyền thông mới đang tạo ra những rạn nứt ngày một sâu sắc trên toàn cảnh truyền thông công cộng.

Với thực trạng này, EJN đã thúc đẩy một cuộc tranh luận mới về sự cần thiết phải nhận ra tại sao báo chí vốn bị hạn chế bởi khuôn khổ đạo đức của nó lại cần thiết phải xây dựng lòng tin trong công chúng.

Chúng tôi nhận thấy rằng không cần thiết phải có quy tắc mới nào trong giới truyền thông. Các giá trị cốt lõi về độ chính xác, tính độc lập và báo cáo một cách có trách nhiệm - đã tồn tại trong hơn 150 năm qua - vẫn chưa bao giờ là lỗi thời ngay cả trong thời đại kỹ thuật số này.

Điều cần thiết ở đây là một sự hợp tác mới với khán giả truyền thông và các nhà hoạch định chính sách để thuyết phục họ rằng đạo đức báo chí nên được tăng cường và nó có thể được sử dụng như một nguồn cảm hứng nhằm nâng tầm quan trọng về thông tin chính thống.

Các nguyên tắc cơ bản


EJN lập luận rằng các giá trị đạo đức của báo chí - bao gồm thông tin dựa trên thực tế, tính nhân văn và tôn trọng người khác, tính minh bạch và hạn chế tối đa những sai sót - tất cả đều là những nguyên tắc cơ bản mà mọi người cần tuân theo, bao gồm các nhà báo và người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, đó nên là một quá trình tự nguyện mà không cần do luật lệ nào ép buộc.

Lo lắng trước sự lạm dụng trực tuyến và tin giả, một số chính phủ đã đe dọa phạt các công ty công nghệ không có hành động kịp thời trong việc xóa các thông tin độc hại và nguy hiểm khi nó xuất hiện trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc các bất đồng quan điểm hợp pháp bị hạn chế.

Vấn đề nằm ở chỗ các công ty công nghệ đang thống trị không gian tin tức công cộng như Google, Facebook, Amazon và Twitter lan truyền thông tin trong một môi trường trung lập về giá trị (value-free). Họ không ưu tiên thông tin như một hàng hóa công cộng, giống như báo chí chuyên nghiệp. Đối với các công ty này, báo chí cạnh tranh bình đẳng cùng với các thông tin khác ngay khi nó độc hại và sai sự thật.

Lượt xem quan trọng hơn chất lượng?

Việc sử dụng các thuật toán phức tạp và cơ sở dữ liệu không giới hạn đã giúp các nền tảng tin tức tăng lượt đăng ký, con số có thể lên tới hàng triệu người. Mô hình kinh doanh này được thúc đẩy bởi một mục tiêu đơn giản: khuyến khích sự “lan truyền thông tin”, đủ số lần nhấp chuột tiêu chuẩn sẽ giúp các nhà xuất bản kích hoạt được quảng cáo kỹ thuật số. Vấn đề không phải là thông tin đó có tuân thủ đạo đức, đúng sự thật, trung thực hay không mà điều quan trọng là nó có đủ giật gân, kích thích và thú vị nhằm thu hút sự chú ý hay không.

Dù có tinh vi đến đâu, các công nghệ này cũng không thể mã hóa được các giá trị đạo đức và luân lý. Đối tượng có thể xử lý một cách tốt nhất các câu hỏi về đạo đức chỉ có thể là các nhà báo, biên tập viên - những người đã trải qua quá trình đào tạo, am hiểu và có trách nhiệm.

Sau những vụ bê bối của các nền tảng mạng xã hội thời gần đây bao gồm các video bạo lực được phát trực tiếp, nhiều doanh nghiệp lớn đã phàn nàn về việc các quảng cáo của họ được đăng trên các trang web cổ súy khủng bố, kích động thù địch và lạm dụng trẻ em, các công ty công nghệ đã hứa hẹn sẽ hành động. Tuy nhiên, liệu hành động đó có thực sự giải quyết được vấn đề?

Ngày 3/5/2017, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã hứa sẽ tuyển 3000 nhân viên để đánh giá nội dung sau loạt bê bối khi hãng đã không xóa bỏ kịp thời những video bạo lực trên nền tảng.

Facebook hiện có khoảng 2 tỉ lượt đăng ký, điều đó có nghĩa là cứ 250.000 người dùng thì có 1 người đánh giá nội dung. Con số đã cho thấy sự khiêm tốn trong khả năng theo dõi và kiểm soát của nội dung phi đạo đức, giả dối và những nguy hiểm so sự lan truyền các tin tức giả mạo gây ra.

Vấn đề tin tức giả mạo

Cuộc khủng hoảng thông tin đã được học giả người Anh Tim Berners-Lee cảnh báo rằng thế giới trực tuyến đang bị lấn át bởi các công ty công nghệ và việc khai thác quyền riêng tư đang bóp nghẹt cuộc sống của con người trên internet.

Lời chỉ trích của ông nêu bật mối đe dọa nguy hiểm từ việc lan truyền các thông tin sai lệch.

Quay trở lại tháng 5/2017, khi nước Pháp đứng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống, các tin tặc đã tung ra hàng nghìn tệp email giả mạo, trong đó có nhiều tệp liên quan đến Tổng thống Marcon đương nhiệm. Nhưng "núi" thông tin này không thể được các nhà báo kiểm tra, xác minh hay vạch trần vì luật pháp của Pháp cấm thảo luận công khai về thông tin bầu cử trong những giờ cuối cùng trước khi người dân đi bỏ phiếu. Thế nhưng, nó lại được lưu hành rộng rãi trên mạng xã hội.

Một giải pháp có thể giải quyết vấn đề này là các công ty công nghệ cần chấp nhận vai trò như những nhà xuất bản trong thời đại kỹ thuật số và thu hút những nhà báo có hiểu biết và đạo đức vốn đang bị thay thế bởi cuộc cách mạng thông tin. Chúng tôi biết họ có đủ khả năng để chi trả cho điều đó bởi ngay từ đầu năm 2017, Facebook đã có giá trị khoảng 400 tỉ USD và Google là hơn 600 tỉ USD. Con số hiện tại còn khủng khiếp hơn nhiều. Đây đều là những công ty giàu bậc nhất thế giới.

Tham khảo UNESCO