Theo Deutsche Welle, lần đầu tiên Trung Quốc đã phóng tên lửa bay qua Đài Bắc, cho máy bay không người lái bay qua các đảo bên ngoài của Đài Loan và huy động tàu chiến tuần tra quanh đảo chính của Đài Loan và vượt qua Đường trung tâm của vùng đệm không chính thức giữa eo biển. Điều gì sẽ xảy ra sau khi Bắc Kinh tổ chức tập trận?
Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi rời Đài Loan, Trung Quốc đã ngay lập tức phát động các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải dày đặc về khả năng quân sự tiên tiến của Trung Quốc thông qua nhiều video và bài viết. Ông Bilahari Kausikan, một cựu quan chức ngoại giao Singapore, coi sự cường điệu này là một động thái nhằm thể hiện sức mạnh.
“Thực tế là Trung Quốc đã không thể ngăn cản chuyến thăm của bà Pelosi. Vì vậy, Trung Quốc phải biến phản ứng của mình thành một màn trình diễn sức mạnh," vị chuyên gia đưa ra nhận định.
Dân chúng Đài Loan theo dõi cuộc tập trận của Trung Quốc qua truyền hình (Ảnh: AP). |
Nhưng mặc dù Trung Quốc có thể đã tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ lực với Đài Loan, hầu hết các chuyên gia đều không cho rằng chiến tranh sắp xảy ra.
So với "Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba" năm 1996, quyết tâm và khả năng hành động của quân đội Trung Quốc trong cuộc tập trận lần này đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các bên.
Các quan chức quân sự Đài Loan cho rằng hành động của Trung Quốc tương đương với việc thực hiện phong tỏa vùng biển và không phận của Đài Loan.
"Những hành động này thực tế đã thay đổi hiện trạng an ninh của Đài Loan, đặt cơ sở cho quân đội Trung Quốc đột phá nhiều giới hạn hơn trong các cuộc tập trận trong tương lai," Phó giáo sư Lý Minh Giang tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định.
Phó giáo sư Lý Minh Giang ở Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore (Ảnh: Zaobao). |
Các nhà phân tích cho rằng khả năng thực thi phong tỏa có thể giúp Bắc Kinh có thêm đòn bẩy để buộc Đài Loan ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian xung đột. Nếu Đài Loan không sẵn sàng hứng chịu thương vong và sự tàn phá quy mô lớn, họ buộc phải chấp nhận thống nhất không đổ máu.
Tuy người dân Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh đe dọa từ lâu, lần này đã không bày tỏ mối lo ngại đặc biệt, nhưng một số nhà quan sát cho rằng các tướng lĩnh quân sự của Đài Loan có thể cảm thấy lo lắng.
Ông Michael Chang, cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan và là người đã xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa eo biển Đài Loan năm 1996, nói với truyền thông địa phương rằng các cuộc tập trận của Bắc Kinh có thể là diễn tập cho một cuộc tấn công của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và đồng minh của họ như Nhật Bản, đã lên án các cuộc tập trận của Trung Quốc, nhưng không can dự trực tiếp. Một cựu quan chức quốc phòng Trung Quốc nói với Reuters rằng phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh chẳng qua chỉ là sự an ủi lạnh lùng đối với các chính trị gia Đài Loan. Ông nói: “Nhìn vào phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh đối với cuộc tập trận, các nhà lãnh đạo Đài Loan liệu có thể tin tưởng bao nhiêu vào việc họ sẽ ra tay giải cứu nếu PLA tấn công?”.
Charles Parton, cựu quan chức ngoại giao người Anh (Ảnh: Daily Mail). |
Phó giáo sư Lý Minh Giang của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore nói: "Trung Quốc vốn hy vọng rằng các cuộc tập trận này, ở một mức độ nào đó sẽ ngăn cản Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia khác bày tỏ ủng hộ nhiều hơn với Đài Loan, nhưng hiện tại, liệu họ có thể đạt được hiệu quả này hay không thì phải chờ xem".
Vào ngày 3/8, các ngoại trưởng G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) đã ra tuyên bố chung về phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nói "chúng tôi quan ngại về các hành động đe dọa được công bố gần đây của Trung Quốc."
Ngày 4/8, khi Trung Quốc bắt đầu "tập trận bắn đạn thật" nhằm vào Đài Loan, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã chỉ trích động thái của quân đội Trung Quốc là "vô trách nhiệm". Ông Kirby cũng cho biết Lầu Năm Góc đã điều một nhóm tàu chiến Mỹ do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu ở lại khu vực gần Đài Loan để theo dõi tình hình và quân đội Mỹ sẽ gửi tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong tương lai gần. .
Nhật Bản cũng phản đối "cuộc diễn tập bắn đạn thật" của Trung Quốc. Phía Nhật Bản cho biết, 5 trong số 11 tên lửa Dongfeng do PLA phóng ngày 4/8 đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết: “Đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia và an toàn nhân dân của chúng tôi”. Thủ tướng Fumio Kishida nói, Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc dừng ngay cuộc tập trận. Vài giờ sau khi quân đội Trung Quốc phóng tên lửa vào ngày 4/8, họ đã thông báo "nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật đã hoàn thành xuất sắc, đã dỡ bỏ việc kiểm soát vùng biển và vùng trời liên quan."
Sơ đồ đường đi và điểm rơi của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc phóng chiều ngày 4/8 theo Bộ Quốc phòng Nhật (Ảnh: LTN). |
Tờ SCMP của Hồng Kông dẫn lời ông Lô Tường, chuyên gia về quan hệ Trung - Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói: “Eo biển Đài Loan và Biển Đông là những tuyến đường vận chuyển quan trọng nên cuộc tập trận sẽ sớm kết thúc. Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động đến các quốc gia khác, bao gồm cả ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại."
Ngoài cuộc tập trận, ngày 5/8, Trung Quốc tuyên bố các biện pháp trừng phạt đối với bà Pelosi và thân nhân trực hệ của bà, nhưng không nêu rõ các biện pháp cụ thể. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng thông báo 8 biện pháp đáp trả, bao gồm hủy các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp Bộ Tư lệnh chiến trường quân đội Trung Quốc và Mỹ, hủy hội nghị làm việc của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ, hủy các cuộc gặp bàn về Cơ chế tham vấn an ninh quân sự trên biển Trung – Mỹ, đình chỉ hợp tác Trung-Mỹ trong việc hồi hương người nhập cư bất hợp pháp, đình chỉ hợp tác hỗ trợ tư pháp hình sự Trung-Mỹ, đình chỉ hợp tác Trung-Mỹ trong việc chống tội phạm xuyên quốc gia , đình chỉ hợp tác chống ma túy Trung-Mỹ và đình chỉ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu giữa Trung-Mỹ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 6/8 nói các kênh liên lạc liên quan đến các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là rất quan trọng để tránh thông tin tắc nghẽn và xảy ra khủng hoảng. Ông nói: "Việc Trung Quốc ngừng hợp tác khí hậu không phải là trừng phạt Hoa Kỳ mà là trừng phạt toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chúng ta không nên vì sự bất đồng giữa hai nước chúng ta mà bắt chẹt sự hợp tác được cả thế giới quan tâm."
Có phân tích cho rằng Bắc Kinh đang đối mặt với tình thế khó xử trong đường lối ngoại giao sau khi trút giận với Mỹ. Tờ SCMP dẫn lời học giả người Singapore Lý Minh Giang dự đoán rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ dần điều chỉnh các chính sách của họ vì ổn định là ưu tiên hàng đầu trước khi cải tổ ban lãnh đạo vào mùa thu năm nay. Theo ông, sau các hành động diễn tập quân sự, trừng phạt kinh tế, chiến tranh ngoại giao; Bắc Kinh cần nhượng bộ trước những căng thẳng đang leo thang; như thế mới phù hợp lợi ích tổng thể của Trung Quốc.
Ông nói, vào thời điểm Trung Quốc phải đối mặt với áp lực gia tăng trong nước về nhiều vấn đề xã hội và kinh tế, chính quyền không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thận trọng hơn trong việc giải quyết các thách thức bên ngoài và tránh gây mất ổn định.
Theo Deutsche Welle