Theo thống kê của Phòng Quản lý dịch vụ, hiện Việt Nam có 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thành truyền hình với 279 kênh truyền hình trong nước (87 kênh phát thanh, 192 kênh truyền hình) và 70 kênh nước ngoài, với 16,7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Doanh thu thuê bao từ dịch vụ ước hơn 8.000 tỷ/năm.
Tính từ năm 2018 đến nay, cơ quan quản lý đã cấp 14 giấy phép truyền hình thu tiền (trong đó có 8 giấy phép OTT TV, 6 giấp phép cáp tương tự cho doanh nghiệp địa phương), cấp sửa đổi bổ sung 10 giấy phép, thu hồi 2 giấy phép OTT TV.
Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT), dịch vụ truyền hình OTT đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh với con số hơn 50%/năm, doanh thu kèm theo phát triển mạnh, dần chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, thị trường truyền hình trả tiền đang đối mặt những thách thức, như áp lực trạnh tranh khiến các doanh nghiệp tự ý giảm giá, khuyến mãi,…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới đã xâm nhập khá nhiều vào Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mạng xã hội cũng đã xây dựng nội dung và cung cấp dịch vụ chia sẻ video phát triển khá mạnh mẽ, nhưng hoạt động thu phí người sử dụng không đúng giấy phép.
Tình trạng vi phạm bản quyền, vi phạm tên miền, ứng dụng lậu, dịch vụ không phép, giảm giá, khuyến mãi diễn ra tràn lan làm ảnh hưởng xấu đến thị trường truyền hình trả tiền trong thời gian qua.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ cho biết, cần sớm goàn thiện, sử đổi, bổ sung chính sách pháp luật, đồng thời rà soát, chấn chỉnh kịp thời những bất cập thông qua phổ biến chính sách pháp luật, cũng như xử lý vi phạm, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.
Hội nghị về công tác quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền vừa diễn ra tại TP Huế thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều doanh nghiệp
|
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục PT-TH &TTĐT - cho rằng, hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ, đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách để thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền hoạt động tốt hơn, đồng thời, góp phần giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề cạnh tranh, xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các sức ép cạnh tranh toàn cầu.