Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với VietTimes:
- Xin ông điểm lại đôi nét về hành trình thành lập Trung tâm Báo chí (TTBC) TP.HCM?
Ông Nguyễn Văn Khanh: TP.HCM là một TP lớn, hoạt động báo chí được xem như sôi nổi nhất nước với hơn 170 cơ quan báo chí tập trung về đây. Nhu cầu được cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin từ các cơ quan nhà nước và lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành là chính đáng. Nhìn chung, việc cung cấp thông tin cho báo chí là tốt, nhưng tùy từng nơi, cũng nhiều khi gặp trắc trở. Thực tế, nhu cầu thông tin càng lúc càng lớn nhưng các cơ quan không dễ trong việc tìm kiếm người phát ngôn.
Từ thực tế này, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng một nơi làm cầu nối cho lãnh đạo TP với các sở, ngành và cơ quan báo chí. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Ngày 5/5/2019 TTBC TP.HCM chính thức đi vào hoạt động. Kể từ đó tới nay, TTBC đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong việc cung cấp các nguồn tin chính thống về tình hình kinh tế xã hội, thời sự của TP.HCM.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giải đáp các thắc mắc của người dân tại chương trình livestream trên fanpage của TTBC |
- Quan sát hoạt động của TTBC TP.HCM, có thể thấy những bước chuyển lớn nhờ công tác chuyển đổi số? Xin ông nói rõ hơn về công tác hội nhập thời 4.0 trong việc cung cấp thông tin tới báo chí?
Trong 3 năm qua, TTBC đã cố gắng phát triển trên cơ sở hạ tầng được sự đầu tư của Thành ủy và UBND TP HCM, cố gắng áp dụng CNTT, chuyển đổi số để cung cấp và đáp ứng nhu cầu báo chí một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Ngoài website, fanpage, TTBC còn có kênh youtube, tik tok và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác tại các cuộc họp offline và online.
Nhân sự của TTBC có khoảng 26 người cơ hữu, trong đó bao gồm viên chức, người lao động và CTV, thường xuyên tổ chức hàng tuần các cuộc họp báo cung cấp thông tin tới báo chí. TTBC là nơi mà các sở, ngành đăng ký để cung cấp thông tin chính thức của mình.
Chúng tôi đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu để kết nối với các đầu cầu khác ở các sở, ngành, có thể tổ chức 5 cuộc họp báo trực tuyến cùng lúc với khoảng 500 tài khoản tham dự.
Việc kết nối và thực hiện họp báo kiểu 4.0 không chỉ giúp phóng viên tác nghiệp thuận lợi hơn mà còn giúp Ban biên tập các báo có thể theo dõi từ xa và chỉ đạo kịp thời.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, do điều kiện phải cách ly, hoạt động của phóng viên bị giới hạn bởi địa lý, nên các hoạt động chuyển đổi số càng phát huy sức mạnh trong việc cung cấp thông tin tới báo chí, quản lý dữ liệu phóng viên, cho phép phóng viên check-in online, đặt câu hỏi gửi trước tới các sở, ban, ngành và các đại diện truyền thông, thì đã tạo thuận lợi và chủ động hơn rất nhiều cho các cuộc họp báo.
Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Nguyễn Văn Khanh |
Mã QR code cấp cho phóng viên sinh hoạt tại TTBC đã giúp quản lý và theo dõi tốt hơn các hoạt động của phóng viên. Thông qua các tài khoản trực tuyến, phóng viên có thể theo dõi được cuộc họp trực tuyến từ xa, được đặt câu hỏi kịp thời với sự kiện thời sự.
Tất cả các câu hỏi của phóng viên đều được lãnh đạo UBND TP trả lời và gửi tới báo chí tất cả các vấn đề mà người dân quan tâm, hạn chế được việc phóng viên phải đến tận nơi để gặp trực tiếp để thực hiện các bài viết trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
TTBC hoạt động hết công suất, nhiều ngày có tới 3-4 cuộc họp, tối thì thực hiện các chương trình lãnh đạo TP trả lời livestream trên fanpage của Trung tâm để đáp ứng công tác cung cấp thông tin tới báo chí.
Hoạt động báo chí tại TTBC ngày càng đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực. Đã có những cuộc họp báo lên tới hơn 50 câu hỏi từ báo chí, đòi hỏi sự chuẩn bị của TTBC và các sở, ngành phải tốt hơn. Chúng tôi cũng đề xuất lãnh đạo TP.HCM có những buổi trả lời chuyên đề về giao thông, y tế, xã hội, giáo dục… giúp các nhà báo tập trung hơn vào các chủ đề chính.
-Việc ra đời TTBC TP.HCM đặc biệt là thông tin nhanh bằng nhiều nền tảng 4.0 cũng giúp cho việc xác định tin thật, tin giả nhanh hơn rất nhiều. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc này trong thời phát triển CNTT như hiện nay?
Rất nhiều bức ảnh chế được làm như thật, nhiều nguồn tin giả được phát tán rộng rãi, dẫn đến việc cần phải kiểm tra, xác định, vì ranh giới giữa tin thật và tin giả nhiều khi rất mỏng manh.
Với sự phối hợp chặt chẽ cùng Công an TP.HCM, thời gian gần đây, nhiều tin giả đã nhanh chóng được TTBC TP.HCM xác định nguồn gốc, đưa thông tin chính thống lên website và fanpage của TTBC, thông báo rõ ràng về các tin đã được xác định là giả. Việc này giúp cho các cơ quan thông tấn báo chí được thuận lợi hơn rất nhiều khi kiểm chứng thông tin và đưa tin.
- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Ông!