Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1.4.1922 – 1.4.2022), kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo TP.HCM, Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM và Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Người cùng khổ”.
Triển lãm bắt đầu trưng bày từ ngày 17/6/2022 và sẽ kéo dài tới hết ngày 25/6/2022 tại đường Đồng Khởi, quận 1 (trước Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM), bao gồm 36 vách là các hình ảnh liên quan đến nhà báo Nguyễn Ái Quốc và báo Le Paria.
Tiêu biểu có hành trình báo chí của nhà báo Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 -1925, một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’ Humanité, Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10/2/1922; trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản, 26 trong số đó (có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp; trưng bày tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng; tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của cố họa sĩ Phạm Văn Đôn…
Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria |
Triển lãm trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản. Ảnh: Hòa Bình |
Khởi đầu với những bài viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ”… người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu học làm báo và sử dụng báo chí là vũ khí sắc bén trên con đường hoạt động cách mạng của mình.
100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ).
Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của báo Le Paria. Báo duy trì hoạt động được bốn năm (1922-1926), xuất bản được 38 số. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như tin tức, xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm, tranh vẽ… Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương mà còn chỉ rõ bộ mặt tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới.
Khai mạc Triển lãm "Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người cùng khổ". Ảnh: Hòa Bình |
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng và các cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Thăm quan triển lãm trên đường Đồng Khởi |
Triển lãm trưng bày các bài báo đã sưu tầm được từ Báo Le Paria |
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Hòa Bình |
“Tròn một thế kỷ đã trôi qua, kể từ số báo Le Paria đầu tiên (1922), câu chuyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác như Algeria, Tusinia, Ma rốc… thành lập Liên hiệp hội thuộc địa và xuất bản ngay tại Paris tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày ấy, rất cần được “kể” lại với người làm báo và công chúng Việt Nam hôm nay, đặc biệt là vào đúng những ngày chúng ta kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm.
Đây là kết quả sưu tầm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) về báo Người cùng khổ.