Báo chí thời 4.0: Hãy coi sự tham khảo từ mạng xã hội như những gợi mở!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng đã chia sẻ như vậy. "Hãy coi sự tham khảo từ mạng xã hội như những gợi mở, rồi làm thế nào cụ thể thì tùy từng cơ quan báo chí."
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng trả lời VietTimes nhân ngày 21/6 - Ảnh: Hòa Bình
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng trả lời VietTimes nhân ngày 21/6 - Ảnh: Hòa Bình

Hướng tới Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM – về câu chuyện chuyển đổi số trong báo chí.

- PV VietTimes: Xin ông cho biết báo chí thời hiện đại chuyển đổi số gặp phải những khó khăn, vướng mắc cơ bản nào?

Nhà báo Trần Trọng Dũng: Nói về chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí tại TP.HCM, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, đặc biệt là vượt qua đại dịch vừa qua, nếu không có công tác chuyển đổi số đã chuyển động từ trước đó, thì có lẽ nhiều tờ báo lớn đã không thể hoạt động được trong những chuỗi ngày phong tỏa kéo dài. Điển hình như Báo Pháp luật TP.HCM đã bị phong tỏa cả tòa soạn, nhưng vì đã thực hiện công tác chuyển đổi số rất tốt, nên báo đã lập tòa soạn dã chiến ngay tại nhà một Phó Tổng Biên tập. Suốt thời gian đó, Báo Pháp luật TP.HCM vẫn đảm bảo các số báo in bình thường.

Nhưng để thực hiện tốt chuyển đổi số, các cơ quan báo chí vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, về mặt nhận thức, rõ ràng có một bộ phận, kể cả lãnh đạo nhiều tờ báo, cho đến phóng viên, biên tập viên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số đối với việc đảm bảo sự phát triển bền vững của báo chí, vẫn thích làm theo kinh nghiệm, ngại đổi mới, ngại học hỏi, ngại tiếp cận với công nghệ. Nhận thức này sẽ ảnh hưởng mạnh đến công tác triển khai.

Thứ hai là nguồn nhân lực vừa làm chủ được công nghệ vừa biết làm báo. Còn chưa có một cuộc tổng rà soát chính thức, nhưng nhiều lãnh đạo báo cho biết hiện tại số phóng viên có thể vừa thực hiện tin bài cho báo giấy, vừa thực hiện tin bài media (bao gồm các tin bài ghi âm, ghi hình, biên tập video, sử dụng các apps hỗ trợ như chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản…) còn rất thiếu.

Thứ ba, hầu hết các báo ở TP.HCM đều tự chủ là chính, nên vẫn còn rất hạn chế về nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số. Nói đến câu chuyện chuyển đổi số đâu thể là ngày một ngày hai, mà bắt buộc phải là cả một quá trình lâu dài, phải tính toán đường đi một cách hệ thống, có tiềm lực đầu tư về hạ tầng cơ sở. Có nơi phải đầu tư vài tỉ, có nơi cả chục tỉ đồng. Đầu tư nếu không hiểu rõ thì có thể dẫn tới lãng phí, hiệu quả kém.

Nhìn về một tương lai lâu dài, nếu chính quyền thành phố có thể tạo điều kiện cho các báo, chẳng hạn như cho vay với lãi suất thấp từ Quỹ đầu tư phát triển công nghệ chẳng hạn, để các báo có thể đầu tư bài bản dài hạn cho hạ tầng CNTT. Ngoài ra còn có thể mở rộng cơ chế hợp tác xã hội hóa để huy động nguồn lực từ các đơn vị CNTT. Như vậy sẽ kết hợp được cả 3 nguồn lực từ nhà nước, các đơn vị CNTT và nguồn lực của chính các báo.

Nhà báo Trần Trọng Dũng đưa ý kiến về việc kết hợp cả 3 nguồn lực từ nhà nước, các đơn vị CNTT và nguồn lực của chính các báo. Ảnh: Hòa Bình

Nhà báo Trần Trọng Dũng đưa ý kiến về việc kết hợp cả 3 nguồn lực từ nhà nước, các đơn vị CNTT và nguồn lực của chính các báo. Ảnh: Hòa Bình

- Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi của công nghệ, chắc chắn báo chí không thể nằm ngoài chuyển đổi số. Xin ông cho biết báo chí hiện nay phải cạnh tranh thế nào để giữ được chất lượng thông tin trước sự ảnh hưởng nặng nề của việc bùng nổ truyền thông mạng xã hội?

Báo chí cần đối xử với mạng xã hội thế nào? Mạng xã hội là một vấn đề tồn tại khách quan, hãy coi đó là một nguồn thông tin rất quan trọng nhưng chỉ để tham khảo.

Chúng ta không nên coi trọng sự cạnh tranh về tốc độ với mạng xã hội. Mạng xã hội không có tính chất xác thực như báo chí. Công việc của báo chí chính thống ngoài xác thực thông tin còn phải đảm bảo tính nhân văn, trung thực, đánh giá đúng vấn đề, gợi mở thông điệp có ích cho người đọc. Trong đại dịch vừa qua, tin giả rất nhiều nhưng báo chí chính thống lại làm được nhiệm vụ thẩm định, giúp độc giả củng cố niềm tin và có định hướng.

- Thưa ông, báo chí cần làm gì để có được sức mạnh trong tương lai và hài hòa với mặt tích cực của truyền thông mạng xã hội?

Hãy coi sự tham khảo từ mạng xã hội như những gợi mở, rồi làm thế nào cụ thể thì tùy từng cơ quan báo chí, chẳng hạn như thông tin về một vụ bạo hành trẻ em trên mạng sẽ được Báo Phụ nữ khai thác dưới góc nhìn của các nhà giáo dục, nhà tâm lý, đưa ra được bài học, sự cảnh báo, các kiến thức phòng ngừa, chứ không chỉ đưa nguyên văn cảnh đánh đập bạo hành dã man như trên mạng xã hội.

Hiện nay một số báo cũng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải các tác phẩm nghiêm túc của mình trên các nền tảng 4.0 như youtube, facebook, tik tok… góp phần lan tỏa những loạt tin bài nghiêm túc đến với nhiều đối tượng độc giả phong phú hơn và nhanh hơn.

- Chân thành cảm ơn ông!