Tôi sẽ không bắt đầu bài viết này theo cách thông thường mà sẽ ghi chú bằng một loạt những hashtag. Những hashtag này ở góc độ nào đó là sự “trả giá” thực tiễn của chúng tôi.
Cách đây 5 năm, chúng tôi từng háo hức (#haohuc) với khái niệm “chuyển đổi số” trong lĩnh vực truyền hình. Thời điểm đó, dù còn rất mơ hồ về các nền tảng số, thị trường số, sản phẩm số, công chúng số... nhưng chúng tôi lại có một nguồn năng lượng rất lớn thôi thúc để bắt tay vào công cuộc chuyển đổi này. Đấy là sự hăm hở (#hamho) trước viễn cảnh mình sẽ làm một điều gì đó hợp thời và rất có thể sẽ đạt được một kết quả gì đó to tát.
Nhưng có vẻ chúng tôi đã lầm!
Chuyển đổi số không phải là một mớ lý thuyết dịch “word by word” từ sách Tây rồi mang đi rao giảng. Chuyển đổi số cũng không phải những mô hình sao chép theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Chuyển đổi số càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ rồi hô hoán lên là chúng tôi đã thành công (trừ trường hợp bạn quá giàu). Và dứt khoát, chuyển đổi số không thể là những báo cáo nhằng nhịt với kết quả tô điểm bằng trăm view, nghìn like, triệu sub…
Vậy chuyển đổi số là làm gì?
Chúng tôi nghĩ rằng, nhiều người sẽ thấy buồn cười khi đến giờ này mà còn đặt câu hỏi đó. Thời 4.0 rồi, hỏi cái gì “hi-tek” hơn đi. Không, chúng tôi không muốn đi tìm điều gì khác, chỉ muốn đi tìm chính xác câu trả lời cho câu hỏi này, ít nhất là cho riêng chúng tôi.
5 năm thực hiện chuyển đổi số ở quy mô nhỏ của một Đài Truyền hình, vì câu hỏi này mà chúng tôi đã đi hết từ háo hức (#haohuc), hăm hở (#hamho) đến hụt hẫng (#huthang). Và sau này, cũng có đôi khi là hân hoan (#hanhoan) nhưng cũng không ít lần là hoảng hốt (#hoanghot), thậm chí là hối hận (#hoihan).
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ về câu chuyện của chúng tôi.
Xin mạn phép không bàn quá nhiều về những lý thuyết hàn lâm, những mô hình Tây - Tàu hào nhoáng…; cũng không hô hoán về bất kỳ điều gì được coi là thành công của chúng tôi mà chỉ xin cung cấp một vài lát cắt để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về một góc rất nhỏ của bức tranh thực tiễn – một bức tranh đôi khi không được tô vẽ bằng nhiều gam màu sặc sỡ.
Chuyển đổi số liệu có phải “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”?
#haohuc #hamho
À, câu thành ngữ tiếng Việt này có vẻ mang nhiều hàm nghĩa tiêu cực. Nhưng, ở thời điểm đầu của quá trình tìm hiểu về chuyển đổi số trong một Đài Truyền hình, chúng tôi lại không có cảm nhận như thế.
Lúc đó, trong đầu chúng tôi mới chỉ định nghĩa, chuyển đổi số là đưa nội dung truyền hình lên internet. Cái này thì có gì khó đâu? Chúng tôi từng làm điều này từ đầu những năm 2010 khi thực hiện nhiệm vụ cung cấp kênh truyền hình và các chương trình truyền hình cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài thông qua website, IPTV tại nhiều quốc gia... Đúng rồi, thế thì chúng tôi đã là Đài Truyền hình chuyển đổi số sớm nhất Việt Nam. Vậy, vấn đề còn lại là gì? Tốt nhất là đi nghiên cứu các Hãng truyền hình lớn trên thế giới xem họ có gì mới?
Cách nghĩ và cách làm này đã dẫn dắt chúng tôi ngay lập tức bước vào 1 hành trình. Đầu tiên là liệt kê và nghiên cứu về hơn 40 ứng dụng OTT, website, IPTV của các Hãng Truyền hình lớn. Sau đó là kết nối, hỏi han, tìm hiểu. Cuối cùng là tranh thủ, đan xen trong những chuyến đi để sưu tầm kiến thức về việc “đưa truyền hình lên internet như thế nào”.
Chúng tôi đã từng đi nhờ xe quãng đường gần 600km từ Berlin sang Bonn (Đức) để tìm gặp bằng được nhóm trực tiếp làm mảng kỹ thuật số của DW. Chúng tôi chạy tàu từ Den Haag sang Amsterdam (Hà Lan) để gõ cửa Zoomin - 1 công ty đang là đối tác phân phối nội dung lớn của YouTube. Chúng tôi gặp các nhân viên của nhà mạng Orange tại Pháp để tìm hiểu cách họ phát triển các hệ thống nội dung thu phí thuê bao.
Rồi nữa, chúng tôi tham gia khóa học ngắn hạn tại Seoul, Hàn Quốc về sản xuất cho truyền hình mới và tham quan theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mô hình chuyển đổi của Đài SBS. Chúng tôi không bỏ qua những hội thảo của Google dù là offline hay online vì tin rằng, những kiến thức mang về là cực kỳ hữu ích.
Đúng, chừng đó thật hữu ích. Chỉ có điều, chúng tôi làm gì với những thứ hữu ích đó bây giờ? Bụng bảo dạ, họ đi trước mình thì cách tốt nhất là mình bắt chước họ. Thế là một mô hình chuyển đổi được vẽ ra trong đầu dựa trên sự nhào nặn những gì mà chúng tôi cho là tinh tuý, chắt lọc nhất.
Chúng tôi tham vọng xây dựng “Đài Truyền hình mới trên môi trường số” thông qua một ứng dụng OTT. Ở đó có tất cả những nội dung mà công chúng số cần. Ở đó có những tính năng, tiện ích nhằm thoả mãn các khán giả, thính giả, độc giả khó tính nhất. Ở đó có người dùng tương tác với chúng tôi. Và ở đó gửi gắm cả những ước mơ của nhóm thực hiện sản phẩm.
Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, chúng tôi nhận ra rằng, việc nhào nặn những mô hình được cho là tiên tiến nhất vào quá trình chuyển đổi số thực tế tại nơi chúng tôi làm việc là chưa chín muồi. Có những điểm đặc thù đã bị chúng tôi bỏ qua để nhường chỗ cho việc áp đặt một cách làm xa lạ. Nó giống như việc bạn là câu lạc bộ bóng đá đang chơi ở giải hạng nhất hoặc hạng nhì quốc gia nhưng lại áp dụng cách quản lý, tổ chức, chiến thuật, chiến lược của một câu lạc bộ ở giải ngoại hạng Anh vậy.
Bạn sẽ thấy rõ những vấn đề “khập khiễng” này trong câu chuyện của chúng tôi ở từng mục nhỏ khác nhau.
Chuyển đổi số phải chăng là làm app?
#huthang #hoanghot
Khi tôi đặt câu hỏi này trong một hội thảo, rất nhiều đại biểu tham dự mà đa phần là các đồng nghiệp truyền hình lắc đầu: Không phải! Nhưng một điều ngạc nhiên, theo khảo sát của riêng chúng tôi thì rất nhiều Đài Truyền hình tại Việt Nam lại đã/đang khởi đầu quá trình chuyển đổi số của mình bằng các dự án đầu tư, phát triển ứng dụng OTT. Có vẻ như thực tế đã diễn ra trái ngược với những cái lắc đầu.
À, phải rồi, vì đang xây dựng “Đài Truyền hình mới trên môi trường số” nên việc chuyển đổi đầu tiên và cần thiết phải là chuyển đổi về hạ tầng truyền dẫn. Thực tế cho thấy, một số Đài Truyền hình lớn tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống này.
Lý thuyết thì không có gì sai cả cho đến khi chúng tôi vấp phải một thực tế khiến toàn bộ những người làm cảm thấy lo lắng, thậm chí sau này là hụt hẫng (#huthang) và hoảng hốt (#hoanghot). Ấy là thời điểm 2018 khi chúng tôi độc quyền tường thuật Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 2018) trên đầy đủ các nền tảng phát sóng. Lúc đó, chúng tôi có cảm giác hân hoan như việc các vận động viên vừa tạo ra một kỳ tích vậy.
Mọi thứ được chuẩn bị nhanh chóng và tươm tất. Hệ thống truyền hình OTT sẵn sàng với thông báo phát đi là sẽ không chia sẻ bản quyền này cho bất kỳ đối tác nào. Chúng tôi cũng ngăn chặn mọi ngả phân phối nội dung, ngay cả với những nền tảng phổ biến như YouTube hay Facebook.
Tất cả thật suôn sẻ. Hệ thống của chúng tôi đảm bảo “một ASIAD sống động và trơn mướt” như khẩu hiệu mà chúng tôi đề ra. Gần 2 triệu người dùng nhanh chóng cài đặt ứng dụng của chúng tôi. Chúng tôi cũng vươn lên đứng số 1 trên các bảng xếp hạng của Google Play và Appstore trong vòng liên tiếp 2 tuần.
Nhưng rồi những khoản phí khổng lồ phải chi trả cho chi phí vận hành, truyền tải thực sự khiến chúng tôi hoảng hồn và mơ hồ nhận ra rằng, việc này không thể kéo dài. Mà đúng là nó không thể kéo dài được thật. Chúng tôi không phải là cơ quan báo chí được bao cấp nên ngay lập tức đối đầu với một bài toán đầy nghịch lý. Ấy là nội dung càng tốt, người xem càng đông thì chi phí càng cao trong khi khả năng tạo nguồn thu bù đắp là vô cùng hạn hẹp.
Những trăm like, nghìn view, triệu sub… không để làm gì cả vì thị trường quảng cáo có cách vận hành không giống như ảo tưởng của nhiều người về các con số. Điều này hình như đã không có trong mớ lý thuyết hàn lâm hay trong các mô tả đầy hào nhoáng của những người giới thiệu về các mô hình chuyển đổi số hiện đại.
Nhưng phải chăng, đó là do mình kém? Kém thì đúng rồi, cá nhân tôi không phủ định. Tuy vậy, những năm tiếp theo, quan sát một vài Đài Truyền hình khác làm OTT, chúng tôi lại thấy “thảm cảnh” tương tự bắt đầu xảy ra. Hàng trăm tỷ đồng được một số Đài đổ vào lĩnh vực này để đổi lại những ứng dụng OTT mà sau này tồn tại thực vật hoặc nếu nói một cách phũ phàng thì mọi thứ sẽ kết thúc khi ai đó mạnh dạn rút ống thở.
Tổng hợp về 4 nhóm ứng dụng OTT đáng chú ý tại Việt Nam. |
Bảng trên là một tổng hợp của chúng tôi về 4 nhóm ứng dụng OTT đáng chú ý tại Việt Nam trong các năm vừa qua. Theo thứ tự từ trên xuống dưới thì:
- Nhóm 1 là ứng dụng OTT của các Đài Truyền hình.
- Nhóm 2 là ứng dụng OTT của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền
- Nhóm 3 là ứng dụng OTT của các doanh nghiệp viễn thông, nội dung số
- Nhóm 4 là ứng dụng OTT của các doanh nghiệp nước ngoài nhăm nhe thị trường Việt
Trừ nhóm 4, chúng tôi không có đầy đủ số liệu, còn 3 nhóm phía trên, chúng tôi chưa ghi nhận một đơn vị nào có tuyên bố về lợi nhuận. Tất nhiên, chúng tôi hiểu, phạm vi bài viết này gói gọn trong lĩnh vực báo chí. Vì thế, việc nêu vấn đề lợi nhuận có vẻ là sa đà.
Nhưng, trong lộ trình mà các báo đài tại Việt Nam phải tự chủ từng phần đến toàn phần thì chúng tôi cho rằng, đây sẽ là vấn đề tác động vô cùng lớn đến chuyển đổi số. Xin đừng bỏ qua nó.
Nói thế có nghĩa là các Đài không nên làm App nữa? Không, chúng tôi không có ý đó. Chúng tôi chỉ muốn bày tỏ rằng, giá trị cốt lõi của 1 Đài Truyền hình hay 1 cơ quan báo chí không phải là công nghệ. Giá trị cốt lõi của chúng ta là nội dung. Có nghĩa là chạy đua tự đầu tư, tự phát triển hệ thống công nghệ có thể không phải là cách làm phù hợp với tất cả các Đài.
Bạn có lẽ không nên vội vàng sao chép cách làm này mà hãy bình tĩnh nhìn vào nguồn lực của mình để lựa chọn cách đi phù hợp nhất. Với chúng tôi, cách đi của những năm sau đó là ngừng hành động tự đầu tư hệ thống công nghệ và thay thế bằng những phương án hợp tác khác nhau, dẫu rằng đó chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Chuyển đổi số là đầu tư công nghệ thông minh hay “Giết gà dùng dao mổ trâu”?
#hochoi
Tôi có 2 ví dụ để đưa ra minh họa cho ý phân tích này.
Ví dụ thứ nhất là việc một Đài Truyền hình từng phải vác cả chiếc xe màu đồ sộ với chi phí đắt đỏ và lực lượng vận hành lên tới gần 30 người chỉ để tường thuật trực tiếp 1 hội thảo ở quy mô nhỏ. Bạn có thể sẽ nói rằng, đúng rồi, chuyên nghiệp phải làm thế. Nhưng không, có một nhóm đồng nghiệp đã cho chúng tôi câu trả lời khác.
Họ mang các giải pháp phần mềm bản quyền với chi phí thấp; những bộ thiết bị ghi hình bằng Cam IP; trộn hình và xử lý âm thanh tại hiện trường nhỏ gọn trong 1 chiếc vali. Họ tổ chức 1 ekip chỉ 7 người và hoàn toàn không dây. Kết quả thì sao? Kết quả là họ truyền trực tiếp thành công một sự kiện với quy mô lớn hơn ở ngoài trời và chi phí chỉ bằng 1/5 phương án xe màu. Vậy đấy, họ đã cho chúng tôi thấy rằng, có những tiêu chí khác về chuyên nghiệp.
Tôi không còn tấm ảnh chụp nào về ekip ngày hôm đó nên gửi tạm các bạn xem tấm hình 1 ekip ở trời tây với phương pháp sản xuất tương tự như vậy. Hi vọng bức ảnh sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về câu chuyện này:
Một nhóm nhà báo 7 người thực hiện thành công chương trình trực tiếp với trang thiết bị không dây nhỏ gọn. |
Ví dụ thứ hai là một cuộc tranh luận mà đúng ra là cuộc cãi vã giữa tôi với những đồng nghiệp đạo diễn, quay phim giàu kinh nghiệm. Các đồng nghiệp của tôi khẳng định rằng, để tạo ra một MV chất lượng họ cần đầu tư cả trăm triệu đồng với máy quay Red One đắt đỏ và các điều kiện bối cảnh, trang phục, nhân vật, ánh sáng… cực kì công phu. Tôi không khẳng định cũng không phủ định điều này vì thực tế đã từng diễn ra đúng như thế. Nhưng tôi phải tranh cãi về việc có những giải pháp sản xuất khác sẽ giúp làm thay đổi cách làm này.
MV được thực hiện rất đơn giản chỉ bằng điện thoại iPhone. |
Những tranh cãi vẫn cứ âm ỉ như thế. Và rồi đến một ngày, thật may mắn, tôi đã tìm ra minh chứng cho luận điểm của mình. Đó là việc một ekip sản xuất tại TPHCM ghi hình 1 MV rất đơn giản chỉ bằng điện thoại iphone. Họ xoay dọc màn hình để tạo khuôn hình dọc lạ mắt. Họ sử dụng những phần mềm làm màu và tạo hiệu ứng ngay trên điện thoại. Xử lý âm thanh thì tôi không rõ nhưng có lẽ họ làm bằng thiết bị riêng. Nhưng trên hết, những hình ảnh tưởng chừng giản đơn đó lại thể hiện cực tốt cho 1 ý tưởng kịch bản tuyệt vời. Và cuối cùng, MV đó tạo cơn sốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam.
Bạn thấy không, họ đã chuyển đổi số như thế đó. Chẳng cần cuộc cách mạng khủng khiếp về công nghệ và thiết bị đâu. Mà nếu có thì với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay, những gì tờ báo hay Đài Truyền hình của bạn đầu tư, dù khủng khiếp cỡ nào thì cũng chỉ 6 tháng hay 1 năm sau rất có thể đã trở thành lạc hậu.
À, bạn có thấy là trên Tiktok hiện giờ có ngày càng nhiều bạn trẻ dạy quay phim và dựng hình bằng điện thoại không? Họ đã chứng minh là họ sử dụng những thiết bị cá nhân để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn như thế nào. Chúng tôi - những người được cho là chuyên nghiệp đã phải học hỏi họ - những người vốn bị gọi là nghiệp dư. Hình ảnh đi kèm là ảnh chụp một bản tin mà chúng tôi sản xuất hoàn toàn bằng điện thoại và bước đầu chúng tôi nhận những lời khen tựa như là “hay phết đấy”, “được đấy”, “làm kiểu này cũng hay này…”.
Nói đến đây bạn có thể phản đối chúng tôi rằng, những cơ quan báo đài lớn vẫn cần phải đầu tư thiết bị thật chuyên nghiệp. Tôi sẽ không bao giờ nói rằng bạn sai. Tôi cũng từng suy nghĩ giống như bạn. Chỉ có điều giờ đây, chúng tôi đang chuyển đổi suy nghĩ của mình.
Chuyển đổi số phải chăng là “bưng bê” truyền hình lên mạng xã hội?
#hochoi
“Kênh Tiktok của báo đạt triệu sub; kênh YouTube của báo đạt triệu view; còn trang fanpage mỗi tháng gặt hái hàng chục nghìn follow…”. Những lời quảng cáo này phát vào tai tôi từ 1 chiếc loa phóng thanh cỡ lớn của 1 gian hàng báo chí trong khuôn khổ Hội báo đầu xuân gần đây. Âm lượng của nó khiến tôi cảm thấy khó ở. Nhưng, khó ở hơn là những lời quảng cáo như rao thuốc này cứ lặp đi lặp lại. Có vẻ như những con số trăm like, nghìn view, triệu sub… là một thành tích vô cùng đáng tự hào của họ.
Âu cũng là điều dễ hiểu vì chúng tôi cũng từng có lúc thấy hãnh diện, tự hào với những con số như thế. Sự tăng trưởng của các chỉ số người dùng tạo ra hưng phấn nhất định cho những người làm nội dung. Nhưng rồi, những hưng phấn như thế cũng trôi qua thật mau.
Và rồi một ngày giống như mọi ngày, chúng tôi chợt nhận ra rằng, những chỉ số like, view, sub... của nhiều tờ báo hay nhiều Đài Truyền hình chính thống đã bị áp đảo về mọi mặt bởi một lực lượng hùng hậu các nhà sản xuất nội dung không chuyên trên mạng xã hội. Những sản phẩm chúng ta vẫn tự hào bấy lâu nay về chất lượng báo chí đang bị lấn át bởi những sản phẩm có thể chất lượng không cao trong con mắt chúng ta. Thậm chí, doanh thu các tờ báo hay Đài Truyền hình có được từ hệ thống quảng cáo tự động trên các nền tảng mạng xã hội cũng thua kém doanh thu của lực lượng này.
Chúng tôi cứ nghĩ mãi tại sao lại như thế. Vì mạng xã hội là tạp nham ư? Vì công chúng thích nội dung nhảm sao? Không, không hẳn là như thế! Những điều đó chỉ đúng một phần thôi, còn một phần là cái cớ để cố gắng phủ nhận rằng mình đang thua cuộc. Vấn đề là:
Chúng tôi đã không hiểu rằng những nền tảng mạng xã hội được tạo ra bởi các gã khổng lồ công nghệ luôn vận hành bằng những thuật toán riêng (hay nói nôm na là luật chơi riêng). Cung cấp nội dung lên sân của họ, mình cần dò đoán những luật chơi này. Nếu với báo chí truyền thống, bạn muốn đọc tin, bạn cần đi tìm mua báo, tức là người đi tìm tin. Còn với báo chí trên mạng xã hội, máy tính đã thu thập thói quen của bạn và đề xuất những tin tức hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu, tức là tin đi tìm người. Nếu không biết làm thế nào để tin đi tìm người một cách đúng và trúng nhất thì sản phẩm nội dung của bạn dẫu hấp dẫn cũng vẫn có thể chỉ là “áo gấm đi đêm” mà thôi.
Chúng tôi đã không hiểu rằng, công chúng trên các nền tảng mạng xã hội có những thói quen riêng. Bạn phải hiểu thói quen đó để tạo ra những món ăn cho phù hợp chứ không phải bắt họ ăn thứ mà họ đã cảm thấy nghẹn ứ khi tiêu thụ qua sóng truyền hình. Vì thế, cách mà nhiều Đài Truyền hình đang làm hiện nay là “bưng bê” toàn bộ những gì mình có lên mạng xã hội ẩn chứa những khả năng sai lầm.
Chúng tôi đã không hiểu rằng, chúng tôi thiếu vô vàn những kỹ năng để “nuôi nấng” nội dung trên mạng xã hội. Điều này khác hoàn toàn truyền hình, nơi mà bạn có thể chỉ cần hoàn thiện một sản phẩm thật hay và quẳng tới những bộ phận liên quan hoàn tất nốt các khâu còn lại.
Chúng tôi đã không hiểu rằng, mạng xã hội là một mỏ vàng thu hút lượng người dùng cực lớn. Nó giống như mật ong vậy. Nhưng thứ mật ngọt đó lại không bao giờ thuộc sở hữu của chúng ta. Đó là sở hữu của những gã khổng lồ công nghệ. Các tờ báo hay những Đài Truyền hình chỉ như những bầy ong tạo mật ngọt rồi có thể bay đi. Những trăm view, nghìn like, triệu sub… là một giá trị mang tính ghi nhận nhưng một ngày nó cũng có thể biến mất bởi channel đó, page đó có phải của chúng ta đâu. Vậy thì đừng “bưng bê” mọi tài sản của mình lên đó. Hãy suy nghĩ cách để mang mật ong về tổ chứ không phải tạo mật ngọt và rồi lại bay đi.
Nhà báo Nguyễn Lê Tân đại diện Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nhận giải tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam Digital Awards 2021. |
Lời kết
Lời kết của tôi cho bài viết này sẽ chẳng gồm bất kỳ hashtag nào như lời mở đầu hết vì những hashtag quan trọng phục vụ chủ đề này đã nằm rải rác ở phần trình bày bên trên.
Nếu cần phải thêm hashtag nào nữa thì có lẽ đó sẽ là những câu chuyện về chuyển đổi số trong quản trị nhân sự, quản trị hành chính, quản lý tài chính... ở cơ quan báo chí hay chuyển đổi số trong kinh doanh báo chí, truyền thông. Những điều này đều vô cùng quan trọng. Nhưng ở phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn gói gọn chủ đề trong những lát cắt liên quan nhiều đến báo chí mà thôi.
Ở đâu đó, tôi nghe ai đó nói rằng: “Yếu tố con người là quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số”. Đúng rồi! Điều này là quá đúng, đúng một cách hiển nhiên. Lĩnh vực nào thì yếu tố con người cũng là then chốt và quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi cũng không muốn bàn đến những điều hiển nhiên kiểu như vậy mà chỉ hi vọng rằng, thực tế với những thứ không hiển nhiên được viết ra ở bên trên ít nhiều có ích cho bạn đọc.
Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC được vinh danh ở hạng mục "Cơ quan chuyển đổi số xuất sắc" tại Vietnam Digital Awards 2021 với việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số áp dụng thí điểm tại Trung tâm Nội dung số VTC Now.
Mô hình này được triển khai trên 5 bình diện bao gồm: Hạ tầng phát sóng, sản phẩm nội dung, công nghệ sản xuất, khán giả - người dùng và phương thức kinh doanh.
Thay vì chỉ đơn thuần phát sóng chương trình trên hạ tầng truyền hình, những năm trở lại đây, VTC đã nhanh chóng tiếp cận các nền tảng mới và triển khai phân phối nội dung trên đầy đủ các hạ tầng khác gồm: OTT, Mạng xã hội, Mạng viễn thông – di động, TV thông minh,.../.