Cuộc tuần tra chiến lược trên không được tổ chức bởi không quân Nga và Trung Quốc vào ngày 22/12 vừa qua trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông đã đưa ra một tuyên bố lớn về địa-chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giới chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng những sự kiện như vậy có thể trở thành “thường lệ” trong tương lai.
Các Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung nhân cuộc tuần tra đó vào hôm thứ Ba tuần trước. Trung Quốc đã cử 4 máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom nguyên tử H-6K để “tạo nên đội hình” với 2 máy bay ném bom Tu-95 của Nga (NATO gọi là Bear) để thực hiện cuộc tuần tra chung “như một phần của kế hoạch hợp tác quân sự thường niên” giữa hai nước.
Tuyên bố nói rằng cuộc tuần tra chung “nhằm mục đích tăng cường phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới, và nâng tầm hợp tác chiến lược giữa quân đội hai nước, tăng khả năng hoạt động để chung tay bảo vệ sự ổn định chiến lược của toàn cầu”.
Đáng chú ý, chỉ cách đó 1 tháng, ngày 6/11, 2 máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa Tupolev Tu-95MS của Lực lượng Không gian Nga đã thực hiện chuyến bay dài 8 giờ đồng hồ trên vùng biển Nhật Bản và Tây Bắc Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nga nói: “Tại nhiều điểm của tuyến đường, các máy bay ném bom chiến lược được hộ tống bởi các chiến đấu cơ Su-35S”.
Theo giới phân tích, rõ ràng cuộc tuần tra chung với Trung Quốc không phải là quá cần thiết đối với công tác bảo vệ quốc gia của Nga. Nhưng thông điệp mà nó đưa ra lại quan trọng, liên quan tới việc Mỹ và các đối tác của họ cũng đang tăng cường hoạt động.
Ngày 19/12, tàu USS Mustin của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan; đến ngày 20/12, Đài Loan thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật ở quần đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và còn có kế hoạch tổ chức một cuộc khác. Quần đảo Pratas có vị trí chiến lược, gần lối vào Biển Đông và là tuyến đường mà các tàu chở dầu, tàu của Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ (Ảnh: Japan Times) |
Trong tháng này, Đài Loan cũng cho ra mắt tàu hộ tống tên lửa đầu tiên của họ, được mô tả là “sát thủ diệt hàng không mẫu hạm”, ngay trong lúc mà Trung Quốc công bố tàu sân bay tự sản xuất của họ, Sơn Đông, đã hoàn thành đợt thử nghiệm trên biển lần thứ ba kéo dài 23 ngày trên biển Bột Hải.
Cũng trong tháng này, Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ (ARG) của Hải quân Mỹ bao gồm tàu USS Makin Island và USS Somerset (LPD 25) đã tuần tra Biển Đông và tổ chức tập trận bắn đạn thật.
Tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã nói “hành động phô trương sức mạng” của nhóm ARG này “gây tổn hại tới sự ổn định của khu vực”, thêm bình luận rằng “Trung Quốc nên chuẩn bị đối đầu với mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, dù cho ai vào Nhà Trắng”.
Hải quân Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng tổ chức cuộc tập trận chung tại Biển Philippines trong tháng này, tập trung vào chiến tranh chống tàu ngầm. Một cuộc tập trận chung khác cũng được lên kế hoạch. Anh cũng có kế hoạch triển khai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới tham gia các cuộc tập trận cùng Mỹ và Nhật Bản vào đầu năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi trong tháng này đã tổ chức các cuộc thảo luận với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer. Tại sự kiện này, ông “thê rhienej hy vọng rằng một tàu của Đức” sẽ tham gia tập trận chung với Nhật Bản trong năm 2021 và “cho rằng sẽ là sự đóng góp cho nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo quyền được đi qua Biển Đông, nếu như chiến hạm của Đức đi ngang qua vùng biển này”.
Giữa lúc có nhiều diễn biến như vậy, Hải quân Mỹ công bố một chiến lược hàng hải được thiết kế để “áp dụng cách tiếp cận quyết đoán hơn để chiến thắng trong cạnh tran với Trung quốc, cùng lúc duy trì trật tự dựa trên luật pháp và ngăn chặn các bên cạnh tranh hung hăng bằng vũ trang”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cũng kêu gọi điều Hạm đội 1 tới vị trí “cắt ngang giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.
Ngày 18/12, Mỹ tổ chức cuộc họp trực tuyến nhóm Bộ Tứ (Quad), bao gồm các quan chức ngoại giao cấp cao đến từ Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng 4 nước đã thảo luận “những cách thức thực tế để điều phối các nỗ lực hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng bởi những hành động đe dọa về kinh tế ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi phát biểu trong một cuộc họp của nhóm Quad ở Tokyo ngày 6/10 (Ảnh: Japan Times) |
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ có động thái như thế nào với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại, Tổng thống đắc cử Mỹ không hề nhắc tới nhóm Bộ Tứ, nhưng ông có sử dụng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Và thay vì nói về Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” (như Tổng thống Donald Trump), ông Biden sử dụng cụm từ “an toàn và thịnh vượng”.
Trước bối cảnh phức tạp đó, Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tuần tra chung để thể hiện quan ngại của hai nước về sự ổn định chiến lược trong khu vực. Cả hai nước đều nhận thấy sự can thiệp ngày càng tăng của các thế lực bên ngoài khu vực, làm tăng khả năng xảy ra đụng độ. Trong khi đó, Mỹ rậm rịch triển khai các hệ thống chống tên lửa và liên tục nói về việc thành lập một khối đồng minh giống NATO trong khu vực châu Á.
Nhìn chung, cuộc tuần tra chung Nga-Trung gửi đi tín hiệu rằng Trung Quốc và Nga “là đinh chốt của hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-thái Bình Dương và Âu-Á. Họ không có ý định thách thức trật tự khu vực. Họ sẽ phản ứng trước các thế lực bên ngoài muốn đe dọa an ninh khu vực”; theo Yang Jin, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Giới học giả Trung Quốc đã thảo luận về lợi ích và hạn chế của khối đồng minh quân sự Nga-Trung, và có quan điểm chung rằng mối quan hệ đối tác chiến lược này phục vụ cho mục đích là đối phó với những thách thức chung, cùng lúc tạo sự linh hoạt để phục vụ cho lợi ích của hai nước.
Theo đó, khối đồng minh quân sự này cũng là “lựa chọn cuối cùng trong tình hình xấu nhất – tức khi Mỹ hay một quốc gia khác mở cuộc chiến tranh, buộc Nga và Trung Quốc phải chung vai chiến đấu”; theo ông Yang.
Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu có viết, “Trung Quốc và Nga không có ý định thành lập khối liên minh quân sự bởi nó không thể giải quyết những thách thức toàn diện mà hai nước phải đối mặt”, nhưng chính sức ép của Mỹ và các đồng minh đã “tạo nên động lực quan trọng” làm tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện như vậy, trong đó bao gồm hợp tác quân sự.
Trục tam giác Mỹ-Nga-Trung sẽ thay đổi dưới thời Tổng thống Joe Biden nếu như Washington coi Moscow là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Nhưng bất ngờ thay, Bắc Kinh đang đánh tín hiệu rằng quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung sẽ được duy trì và tiếp tục được tăng cường để đối phó với sức ép tăng dần từ Mỹ, ngay cả khi ông Biden có giảm căng thẳng với Bắc Kinh.
Theo Asia Times