Không quân Trung Quốc và Nga lại tuần tra chiến lược chung, Hàn Quốc cáo buộc xâm phạm ADIZ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tối ngày 22/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Nga đồng thời ra thông báo, lực lượng không quân hai nước đã tổ chức cuộc tuần tra đường không chiến lược chung lần thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hình ảnh của Nga công bố:máy bay Su-35 Nga bay hộ tống H-6K của Trung Quốc trong chuyến tuần tra chung hôm 22/12 (Ảnh: Dwnews).
Hình ảnh của Nga công bố:máy bay Su-35 Nga bay hộ tống H-6K của Trung Quốc trong chuyến tuần tra chung hôm 22/12 (Ảnh: Dwnews).

Đây là lần thứ hai quân đội Trung – Nga tổ chức hoạt động kiểu này. Trước đó, trong năm 2019, Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tuần tra đường không chiến lược chung đầu tiên. Điều này có nghĩa là hoạt động tuần tra chiến lược đường không chung Trung-Nga đã được thể chế hóa và sẽ được thực hiện thường xuyên trong tương lai.

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 23/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, Trung Quốc đã điều 4 máy bay H-6K phối hợp với 2 máy bay Tu-95 của Nga để tiến hành tuần tra chung trên vùng trời Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Trung Quốc nói, trong quá trình bay, máy bay của lực lượng không quân hai nước chấp hành nghiêm các quy định liên quan của luật pháp quốc tế và không đi vào vùng trời của các nước khác. Hoạt động này nằm trong kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai quân đội Trung - Nga và không nhằm vào các bên thứ ba.

Ngày 23/7/2019, không quân Trung Quốc và Nga đã tổ chức và thực hiện chuyến tuần tra chiến lược đường không chung đầu tiên ở Đông Bắc Á. Khi đó, Trung Quốc đã cử 2 máy bay H-6K trong đội hình hỗn hợp với 2 máy bay Tu-95 của Nga bay tuần tra trên vùng trời biển Nhật Bản và biển Hoa Đông theo các tuyến bay đã định trước.

Sơ đồ hoạt động của các máy bay Nga - Trung hôm 22/12 do Cục Phòng vệ Nhật Bản công bố (Ảnh: Huanqiu).

Sơ đồ hoạt động của các máy bay Nga - Trung hôm 22/12 do Cục Phòng vệ Nhật Bản công bố (Ảnh: Huanqiu).

Năm 2020, khi cơn đại dịch COVID-19 đang hoành hành, việc Trung Quốc và Nga có thể tiến hành chuyến uần tra chiến lược đường không chung thứ hai theo kế hoạch, phản ánh mối quan hệ hợp tác và tin cậy chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đã tiến thêm một bước. Trong những năm gần đây, giao lưu quân sự giữa Trung Quốc và Nga tiếp tục đi vào chiều sâu và hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế lớn. Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa năm nay đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nga để tham gia lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, đồng thời, một đội nghi thức danh dự của PLA đã lên đường tới Nga, thể hiện mối quan hệ quân sự Trung-Nga đã ở mức cao.

Một nhà phân tích yêu cầu giấu tên hôm 22/12 nói với Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc rằng cả hai chuyến tuần tra đều lựa chọn hướng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, cho thấy cả Trung Quốc và Nga đều có những mối quan tâm và lo ngại liên tục và chung về sự ổn định chiến lược ở hướng này. Đối với Nga, các chuyến bay tuần tra chiến lược trên đại dương là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi rủi ro an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt ngày càng tăng và khả năng của Không quân Trung Quốc đã được tăng lên, dự kiến ​​các chuyến bay tuần tra chiến lược tầm xa của Không quân Trung Quốc sẽ tăng dần. Đây là cách làm thường thấy của các cường quốc trên thế giới và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Máy bay Tu-94 của Nga trong hoạt động ngày 22/12 do không quân Nhật chụp (Ảnh: Huanqiu).

Máy bay Tu-94 của Nga trong hoạt động ngày 22/12 do không quân Nhật chụp (Ảnh: Huanqiu).

So với năm ngoái, số lượng máy bay H-6K trong đội hình tuần tra chiến lược chung năm nay đã tăng từ 2 lên 4 chiếc. Chuyên gia không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu cho rằng điều này đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực khi số lượng máy bay ném bom chiến lược Trung-Nga sẽ tuần tra cùng nhau tăng lên và việc nâng cao trình độ huấn luyện của hai bên, quy mô tuần tra chung giữa hai bên sẽ thay đổi trong tương lai và các kiểu loại máy bay cũng sẽ thay đổi. Ví dụ, với sự xuất hiện của các máy bay tiếp dầu trên không, cuộc tuần tra chung sẽ có tầm hoạt động xa hơn. PLA cũng đã thực hiện một chuyến tuần tra chiến lược riêng biệt và việc tuần tra chung với Nga có lợi cho việc tăng cường khả năng tuần tra tầm xa trên đại dương và tăng cường khả năng bảo vệ các quyền lợi biển, an ninh quốc gia và khu vực.

Ông Phó Tiền Tiêu cũng cho biết, hiện tại chỉ có 3 quốc gia có máy bay ném bom chiến lược tầm xa. Các chuyến bay tuần tra chiến lược chung giữa Trung Quốc và Nga trong một số khu vực nhất định có lợi cho việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Hai bên giao tiếp và học hỏi lẫn nhau, nâng cao năng lực tuần tra tầm xa và cùng nhau duy trì an ninh khu vực.

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ, chuyến tuần tra chiến lược trên không giữa Trung Quốc và Nga nhằm mục đích phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga trong thời kỳ mới, nâng cao trình độ phối hợp chiến lược và hoạt động chung giữa quân đội hai nước, cùng nhau duy trì ổn định chiến lược toàn cầu.

Năm ngoái, Trung Quốc và Nga tổ chức chuyến tuần tra chiến lược đường không chung đầu tiên đã khiến nhiều bên chú ý. Hàn Quốc đã lên án máy bay Nga hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc nhưng Nga phủ nhận; Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho máy bay lên ngăn chặn máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc và cảnh báo đối phương "đã xâm nhập lãnh thổ” của họ.

Máy bay H-6K của Trung Quốc trong hoạt động ngày 22/12 do không quân Nhật chụp (Ảnh: Huanqiu).

Máy bay H-6K của Trung Quốc trong hoạt động ngày 22/12 do không quân Nhật chụp (Ảnh: Huanqiu).

Theo Hãng thông tấn Yonhap, quân đội Hàn Quốc cho rằng 19 máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã “bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (ADIZ) theo nhóm” vào ngày 22/12, nhưng nói rằng phía Trung Quốc đã thông báo trước cho phía Hàn Quốc và không máy bay quân sự nào vi phạm không phận Hàn Quốc.

4 máy bay quân sự của Trung Quốc và 15 máy bay quân sự của Nga đã bay vào ADIZ của Hàn Quốc hôm thứ Ba (22/12). Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc và kêu gọi tránh để tái diễn những vụ việc tương tự. Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc tuyên bố rằng các máy bay quân sự này không xâm phạm không phận của Hàn Quốc và là cuộc tập trận chung Trung-Nga, tình hình cụ thể cần được phân tích thêm.

Hãng thông tấn Yonhap hôm thứ Ba 22/12 đưa tin, quân đội Hàn Quốc cho biết, phía Trung Quốc đã thông báo kế hoạch huấn luyện định kỳ thông qua một cuộc điện đàm trực tiếp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi máy bay quân sự của họ bay vào ADIZ của Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc đã điều động các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân nước này thực hiện các biện pháp chiến thuật trước khi máy bay Trung Quốc đến.

Người dân Hàn Quốc theo dõi hình ảnh máy bay Trung Quốc và Nga xâm phạm ADIZ nước này trong sự kiện tháng 7/2019 (Ảnh: AP).

Người dân Hàn Quốc theo dõi hình ảnh máy bay Trung Quốc và Nga xâm phạm ADIZ nước này trong sự kiện tháng 7/2019 (Ảnh: AP).

Theo bản tin, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này với các tùy viên quân sự của Trung Quốc và Nga tại Hàn Quốc thông qua điện thoại.

Yonhap cho biết Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc tiết lộ, vào lúc 8 giờ sáng ngày 22/12, 4 máy bay của PLA nghi là H-6 đã bay vào ADIZ của Hàn Quốc ở phía tây đảo Leodo (Trung Quốc gọi là Suyan Jiao – Tô Nham Tiêu), hai trong số đó đã bay ra khỏi ADIZ của Hàn Quốc qua phía đông hòn đảo Ulleung.

Theo Yonhap, 15 máy bay quân sự của Nga, bao gồm các loại tiêm kích Su-35, máy bay ném bom Tu-95 và máy bay cảnh báo sớm A-50, cũng bay từ phía bắc vào ADIZ ở vùng biển phía đông của Hàn Quốc. Hai trong số đó đã di chuyển từ Dokdo bay ra khỏi ADIZ. Sau đó lại bay vào và cuối cùng bay ra khỏi ADIZ từ phía đông bắc của Dokdo. Các máy bay quân sự của Trung Quốc và Nga đều bay ra khỏi ADIZ của Hàn Quốc vào khoảng 3h20 chiều ngày hôm đó.

Một sự kiện tương tự cũng xảy ra trong chuyến tuần tra chung đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc vào ngày 23/7 năm ngoái. Hôm đó, 2 máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đang ở gần ranh giới phía bắc của Biển Nhật Bản, sau khi tập hợp với ba máy bay Nga, đã bay về phía nam và tiến vào ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn đến việc các máy bay quân sự Nhật Bản và Hàn Quốc cất cánh khẩn cấp để ngăn chặn và theo dõi.

Cùng ngày hôm đó, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố tại Seoul rằng máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đã bắn hàng trăm phát đạn súng máy về phía máy bay A-50 của Nga để cảnh cáo, đồng thời cho biết đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Nga xâm phạm không phận Hàn Quốc. Không quân Hàn Quốc đã thực hiện hơn 20 lần phát thanh cảnh báo tới máy bay quân sự Trung Quốc và hơn 10 lần phát thanh cảnh báo tới máy bay quân sự của Nga, nhưng phía bên kia không trả lời. Cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận việc máy bay quân sự của họ bay vào không phận Hàn Quốc.

Sau vụ việc vào tháng 7 năm ngoái, Nhà Xanh của Hàn Quốc tuyên bố rằng sau khi máy bay quân sự của Nga xâm phạm không phận của Hàn Quốc, Hàn Quốc đã nghiêm khắc giao thiệp với Nga và nói rằng nếu những sự việc như vậy tái diễn, họ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng lần lượt triệu đại sứ Trung Quốc và Nga tại Nhật Bản và Hàn Quốc để phản đối.

Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc dọa dẫm Nhật Bản trên weibo (Ảnh: Dwnews).

Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc dọa dẫm Nhật Bản trên weibo (Ảnh: Dwnews).

Được biết, quan hệ quân sự Nga – Trung gần đây ngày càng gắn bó. Ngày 15/12, Trung Quốc và Nga đã ký một nghị định thư, đồng ý kéo dài thời hạn hiệu lực của thỏa thuận ký năm 2009 về việc thông báo cho nhau việc phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa mang phương tiện vào vũ trụ thêm 10 năm. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước với Nga.

Nhân vụ việc này, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cho rằng Mỹ cùng với việc điên cuồng trấn áp Trung Quốc và Nga đang lôi kéo một số nước vào thế đối đầu địa chính trị. Tuy nhiên, miễn là Trung Quốc và Nga có chiến lược dựa lưng và phối hợp để đối phó với các thách thức, "mong muốn của Mỹ đè bẹp Trung Quốc và Nga sẽ chỉ là ảo tưởng thuần túy".

Hồ Tích Tiến cũng dọa dẫm: “Nhật Bản không thể chuyển dịch khỏi vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và Nga, nên thân thiện với Trung Quốc và Nga, không nên đánh giá sai tình hình chiến lược chung và cố bám víu vào Mỹ. Ai giúp Mỹ chống Trung Quốc và Nga cuối cùng ắt sẽ không bao giờ được lợi".