Trung Quốc tìm nơi tránh “bão” chứng khoán

Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian qua có thể khiến người dân nước này không còn rót tiền vào bất động sản Mỹ nhiều như trước
Trung Quốc tìm nơi tránh “bão” chứng khoán

Giới đầu tư giàu có Trung Quốc đang tìm kiếm “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên xuống thất thường. Trong số những điểm đến ưa thích của họ có Úc, Anh, Canada, Mỹ...

Mua trái phiếu, bất động sản

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (Mỹ) cho biết không ít nhà đầu tư Trung Quốc giàu có đã rút tiền mặt khỏi thị trường chứng khoán từ đầu năm đến giờ. Nhiều cổ đông lớn đã bán lượng cổ phiếu trị giá 360 tỉ nhân dân tệ (khoảng 58 tỉ USD) trong 5 tháng đầu năm 2015, so với mức 190 tỉ nhân dân tệ trong cả năm 2014 và bình quân 100 tỉ nhân dân tệ trong những năm trước đó.

Một phần không nhỏ số tiền nói trên có thể đã được dùng để đầu tư vào những kênh an toàn hơn như trái phiếu chính phủ hoặc đồng Franc Thụy Sĩ. Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuần trước cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua từ 50-60 tỉ rúp trái phiếu kho bạc của Moscow trong năm nay. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà giàu Trung Quốc chi nhiều tiền hơn để mua bất động sản nước ngoài.

Theo một báo cáo của Công ty Môi giới đầu tư nhà đất Lio Global (Singapore), khoảng 91.000 người giàu Trung Quốc (có tài sản từ 1 triệu USD trở lên, không tính giá trị bất động sản) đã xin nhập quốc tịch thứ hai trong giai đoạn 2000-2014 - một yếu tố góp phần thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản ở nước ngoài. Ông Micheal Pallier, Giám đốc Công ty Bất động sản Sydney Sotheby’s International Realty (Úc), cho biết từ đầu tháng 7 đến giờ, ông đã bán được 2 căn hộ mới và giới thiệu một bất động sản trị giá 10,3 triệu USD tại TP Sydney cho khách mua người Trung Quốc đang tìm kiếm hình thức đầu tư khác thay thế cổ phiếu.

Hứng chịu chỉ trích

Đối với thị trường bất động sản Mỹ, câu hỏi đặt ra là những bất ổn trênthị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ khiến dòng tiền đổ vào đó trở nên nhiều hơn hay ít đi? Theo thống kê, người Trung Quốc đổ 28,6 tỉ USD vào thị trường bất động sản Mỹ trong năm 2014, cao gấp đôi so với nước đứng ở vị trí thứ hai là Canada. Đài NBC giải thích nhà giàu Trung Quốc đang tìm một nơi có môi trường giáo dục tốt hơn cho con cái, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, không khí trong lành và “nơi trú ẩn an toàn” cho tiền bạc của họ trước nỗi nơm nớp lo cho bất ổn kinh tế trong nước.

Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua có thể khiến người Trung Quốc không còn rót tiền vào bất động sản Mỹ nhiều như trước. “Đã xuất hiện lo ngại rằng việc mất một lượng tiền lớn từ các đợt bán tống bán tháo cổ phiếu trên sàn chứng khoán đại lục sẽ khiến nhà đầu tư Trung Quốc bớt hoạt động tại thị trường nhà đất ở Mỹ, nhất là tại những địa phương ven biển” - ông Rick Sharga, Phó Chủ tịch điều hành Công ty Đấu giá bất động sản Auction.com (Mỹ), nhận định.

Mặt khác, nhiều người dân tại các thành phố London - Anh, Sydney - Úc và Vancouver - Canada đổ lỗi cho những nhà đầu tư Trung Quốc vì đã đẩy giá bất động sản lên quá nhanh. Riêng chính phủ Úc đã ban hành các hình phạt tiền và tù đối với những người bị phát hiện vi phạm luật đầu tư nước ngoài.

Nhiều nước vạ lây

Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 13-7 tiếp tục tăng điểm sau khi những nỗ lực ngăn chặn tình trạng bán tháo cổ phiếu của chính phủ tỏ ra có hiệu quả. Theo trang Marketwatch.com, các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2,4% và 4,2% khi thị trường đóng cửa. Tuy nhiên, 2 chỉ số này vẫn giảm khoảng 1/3 so với thời điểm chạm đỉnh hồi tháng 6 qua. Ngoài ra, giới đầu tư vẫn thận trọng sau 4 tuần trồi sụt của thị trường. Họ cũng không hài lòng trước việc cổ phiếu của gần 1.200 doanh nghiệp (trong số 2.873 công ty niêm yết) vẫn bị ngưng giao dịch tại 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.

Giới phân tích cho rằng sự bất ổn nói trên đã dẫn đến không ít lo lắng về tình hình “sức khỏe” của cả nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Trang tin Bloomberg nhận định tốc độ tăng trưởng chậm lại của Bắc Kinh đang phơi bày nhiều điểm yếu của các “ngôi sao kinh tế” khác trong khu vực, như nhu cầu vay vốn của Indonesia, mức nợ cao kỷ lục của các hộ gia đình Hàn Quốc, tệ quan liêu, tham nhũng cản trở các dự án phát triển hạ tầng ở Philippines...

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy xuất khẩu của 9 trong số 12 nền kinh tế chính của khu vực châu Á, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc... đang suy giảm, một phần do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Đáng lo hơn, không như đợt suy thoái toàn cầu năm 2008-2009, thời điểm châu Á sẵn sàng tung các gói kích thích tăng trưởng, khu vực này hiện bị nợ nần đè nặng. Bên cạnh đó, lãi suất ở một số nền kinh tế đã xuống mức thấp kỷ lục nên khó có thể giảm thêm.

Ngay cả khi giá dầu thấp giúp ích cho ngân sách một vài nước thì tác động của nó đối với chi tiêu cho đến giờ là không rõ rệt. Trong bối cảnh bi quan đó, theo Bloomberg, kinh tế châu Á hiện vẫn có một số điểm sáng như Việt Nam hoặc Ấn Độ, nơi tăng trưởng đang khởi sắc.

Theo NLĐ