Ukraine muốn có 10 hệ thống phòng không Patriot, nhưng mới đảm bảo được 3

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Zelensky xác nhận Ukraine đã nhận thêm 3 hệ thống phòng không Patriot và đang đàm phán để có tổng cộng 10 hệ thống nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo Nga – mối đe dọa lớn nhất hiện nay.

Một dàn phóng tên lửa thuộc hệ thống Patriot của Mỹ. Ảnh: Getty.
Một dàn phóng tên lửa thuộc hệ thống Patriot của Mỹ. Ảnh: Getty.

Ukraine đã đảm bảo được 3 hệ thống phòng không Patriot mới nhưng vẫn đang yêu cầu tổng cộng 10 hệ thống, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm 25/7.

Patriot – hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất – là thành phần thiết yếu trong hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Ukraine, và hiện là loại vũ khí duy nhất trong kho vũ khí của nước này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, loại mà Nga liên tục sử dụng trong các đợt tấn công đường không quy mô lớn ngày càng leo thang.

"Chúng tôi đã yêu cầu 10 hệ thống", ông Zelensky nói, đồng thời cho biết Kiev đang "làm việc với các đối tác để đảm bảo điều đó".

"Tôi đã chính thức nhận được xác nhận từ Đức về hai hệ thống và từ Na Uy về một hệ thống", ông cho biết thêm, đồng thời nói rằng Ukraine đang tiếp tục đàm phán với Hà Lan để có thêm một hệ thống nữa.

Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 14/7 công bố sáng kiến do NATO và EU hậu thuẫn, trong đó các thành viên liên minh sẽ mua các hệ thống vũ khí do Mỹ chế tạo để viện trợ cho Ukraine. Một hệ thống Patriot hoàn chỉnh kèm theo tên lửa đánh chặn có giá lên tới hơn 1 tỷ USD.

Tổng thống Zelensky cũng nói rằng ông đang "đấu tranh để giành được giấy phép sản xuất" các tên lửa đánh chặn sử dụng trong hệ thống Patriot.

Washington đã gửi 3 tổ hợp Patriot tới Ukraine, trong khi Đức cung cấp thêm 3 tổ hợp khác. Một tổ hợp nữa được chuyển giao bởi một liên minh châu Âu, mặc dù không phải tất cả các hệ thống này đều đang hoạt động do phải bảo trì luân phiên.

Tại sao Ukraine cần hệ thống Patriot?

Khác với tên lửa hành trình vốn dùng động cơ phản lực và bay theo quỹ đạo khá bằng phẳng, tên lửa đạn đạo được phóng lên bằng động cơ tên lửa mạnh, bay cao lên tầng khí quyển rồi lao xuống mục tiêu với tốc độ cực cao.

Các tên lửa đạn đạo chỉ được điều khiển trong giai đoạn đầu phóng, vì vậy độ chính xác có thể kém hơn so với tên lửa hành trình. Tuy nhiên, chúng lại có ưu thế là đạt tốc độ rất cao – đôi khi vượt quá 3.200 km/h – khi tiếp cận mục tiêu.

Chính vì tốc độ khủng khiếp này, việc đánh chặn tên lửa đạn đạo cực kỳ khó khăn, và số lượng tên lửa đánh chặn mà Ukraine có được càng ít thì sức tàn phá của tên lửa Nga càng lớn.

Nhà sản xuất tên lửa cho hệ thống Patriot – tập đoàn Lockheed Martin – giới thiệu phiên bản tên lửa đánh chặn mới nhất PAC-3 là "tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới".

Khác với phiên bản trước, PAC-3 sử dụng công nghệ đánh chặn "hit-to-kill", tức là tiêu diệt mục tiêu bằng cách va chạm trực tiếp thay vì nổ phân mảnh ở gần.

Mặc dù tầm bắn của PAC-3 ngắn hơn, thường chỉ khoảng 35 đến 50 km, nhưng độ chính xác cao hơn và nó được thiết kế đặc biệt để đối phó với các mối đe dọa tốc độ cao như tên lửa đạn đạo.

“Đây là vũ khí đã chứng minh được hiệu quả cực kỳ lớn với chúng tôi”, ông Dmytro Zhmailo, chuyên gia quân sự và Giám đốc điều hành Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine, chia sẻ với tờ Kyiv Independent hồi đầu tháng này. “Vì vậy Ukraine sẵn sàng mua, thuê hoặc đơn giản là yêu cầu – bởi chúng tôi xem đó là vấn đề sống còn với an ninh quốc gia”.

Theo Kyiv Independent