Mạng Starlink gặp sự cố toàn cầu: Hơn 60.000 người ảnh hưởng, Elon Musk cam kết khắc phục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Elon Musk bất ngờ gặp sự cố gián đoạn toàn cầu, ảnh hưởng đến hơn 60.000 người dùng.

Hình ảnh một vệ tinh Starlink được chụp trước logo của công ty SpaceX. Ảnh: Reuters.
Hình ảnh một vệ tinh Starlink được chụp trước logo của công ty SpaceX. Ảnh: Reuters.

Starlink – dịch vụ internet vệ tinh thuộc sở hữu của SpaceX do tỷ phú Elon Musk điều hành – đã gặp sự cố gián đoạn mạng vào hôm 24/7 theo giờ Mỹ, khiến hàng chục nghìn người dùng không thể truy cập, theo xác nhận từ chính công ty và dữ liệu từ trang Downdetector.

“Starlink hiện đang gặp sự cố mạng và chúng tôi đang tích cực triển khai giải pháp khắc phục”, công ty cho biết trong một bài đăng trên nền tảng X (trước đây là Twitter).

Tại thời điểm cao nhất của sự cố, hơn 61.000 người dùng đã báo cáo lỗi truy cập Starlink trên Downdetector, một trang web chuyên theo dõi tình trạng gián đoạn dịch vụ từ nhiều nguồn khác nhau.

Tỷ phú Elon Musk đã lên tiếng trấn an người dùng trên X: “Dịch vụ sẽ sớm được khôi phục. SpaceX sẽ xử lý tận gốc nguyên nhân để đảm bảo không tái diễn”.

Chuyên gia Doug Madory từ công ty phân tích internet Kentik cho biết, ông bắt đầu thấy lưu lượng truy cập trở lại vào khoảng 5:28 chiều 24/7, sau khi Starlink dường như trải qua một “sự cố mất kết nối toàn bộ” lúc 3:13 chiều cùng ngày.

Ông Madory nói rằng sự cố gián đoạn có quy mô toàn cầu, và ông nhận định đây là điều “rất hiếm gặp” với một hệ thống lớn như Starlink.

Hiện Starlink đã vượt mốc 6 triệu người dùng toàn cầu, và SpaceX đang tập trung mở rộng sang mảng kết nối trực tiếp với điện thoại di động (direct-to-cell) bằng cách phóng các vệ tinh lớn hơn để tăng tốc độ internet và băng thông.

Từ năm 2020 đến nay, SpaceX đã phóng hơn 8.000 vệ tinh Starlink, cung cấp dịch vụ tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Gregory Falco, Giám đốc phòng thí nghiệm không gian và an ninh mạng tại Đại học Cornell, nhận định: “Tôi nghi ngờ đây là một bản cập nhật phần mềm lỗi – tương tự như sự cố CrowdStrike với hệ điều hành Windows năm ngoái – hoặc có thể là một cuộc tấn công mạng”.

Được biết, bản cập nhật của phần mềm an ninh mạng CrowdStrike (CRWD.O) hồi tháng 7 năm ngoái đã dẫn đến hàng loạt chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp. Sự cố này đã làm gián đoạn internet và ảnh hưởng đến 8,5 triệu thiết bị chạy Windows của Microsoft.

Theo Reuters