
Nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu đang tăng tốc đầu tư vào các startup công nghệ quốc phòng như một phần trong kế hoạch tái vũ trang quy mô lớn.
Đức đang mạnh tay chi tiêu cho các công nghệ chiến tranh của tương lai, bao gồm cả gián trinh sát và robot điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), trong khuôn khổ kế hoạch tái thiết quân sự toàn diện, theo hãng tin Reuters đưa tin hôm 24/7.
Reuters đã phỏng vấn hai chục lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách để tìm hiểu cách nền kinh tế số một EU đang cố gắng giữ vai trò trung tâm trong nỗ lực tái vũ trang của châu Âu.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz gần đây đã công bố kế hoạch nâng ngân sách quân sự của nước này lên 153 tỷ euro (180 tỷ USD) vào năm 2029, tăng mạnh so với mức 86 tỷ euro trong năm nay. Ông cam kết phân bổ 3,5% GDP cho quốc phòng theo khuôn khổ NATO mới, nhằm đối phó với cái mà ông gọi là "mối đe dọa trực tiếp từ Nga".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bác bỏ các cảnh báo của phương Tây về cái gọi là sự gây hấn của Moscow, gọi đó là "hoàn toàn vô lý", và cáo buộc NATO đang lợi dụng nỗi sợ hãi để biện minh cho việc tăng ngân sách quân sự.
Theo các nguồn tin của Reuters, chính phủ của Thủ tướng Merz xem AI và công nghệ từ các công ty khởi nghiệp là yếu tố then chốt trong chiến lược hiện đại hóa quân đội.
Trong tuần này, nội các Đức đã thông qua một dự thảo luật mua sắm nhằm đơn giản hóa quá trình dành cho các startup phát triển công nghệ tiên tiến – từ robot hình dáng xe tăng, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ, cho tới gián trinh sát. Mục tiêu là giúp các công ty công nghệ nhanh chóng đóng góp vào quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Đức.
Các startup như Helsing (trụ sở tại Munich), chuyên về AI và công nghệ drone, cùng với các nhà thầu quốc phòng lâu đời như Rheinmetall và Hensoldt, đang dẫn đầu làn sóng đổi mới quân sự của Đức, theo bài viết.
Tuy nhiên, những người chỉ trích chính sách quân sự của chính phủ Đức cảnh báo rằng việc tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng có thể làm căng thẳng ngân sách quốc gia và ảnh hưởng thêm tới ngành công nghiệp – vốn đã chịu áp lực từ giá năng lượng cao, hệ quả của lệnh trừng phạt Nga, cũng như căng thẳng thương mại với Mỹ.
Kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Đức đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Kiev – chỉ sau Mỹ. Phía Nga liên tục chỉ trích các đợt viện trợ vũ khí của phương Tây, cho rằng điều này chỉ kéo dài cuộc chiến và làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng.
Moscow cảnh báo rằng các chính sách quân sự của Berlin có thể đẩy Đức vào một cuộc đối đầu vũ trang mới với Nga, nhiều thập kỷ sau Thế chiến II.

Tướng Đức vạch chiến lược tấn công Nga: Đánh thẳng vào sân bay, nhà máy vũ khí

Kho Patriot cạn kiệt, Đức vẫn “rút ruột” viện trợ thêm 5 hệ thống cho Ukraine

Công ty Đức thử nghiệm loại UAV tấn công cất, hạ cánh thẳng đứng tại Ukraine
Theo Reuters